10 sự kiện thủy sản 2015

Chưa có đánh giá về bài viết

Năm 2015, ngành thủy sản Việt Nam được dự báo sẽ tiếp tục kéo dài những thành công rực rỡ của năm 2014, tuy nhiên, với những biến động mạnh trên thị trường đã khiến tình hình xuất khẩu gặp nhiều bế tắc; sản xuất trong nước lại liên tục đối diện khó khăn với cả nuôi trồng và khai thác. Cùng Thủy sản Việt Nam điểm lại 10 dấu ấn buồn vui của ngành trong năm qua.

1. Xuất khẩu toàn ngành giảm mạnh

6,7 tỷ USD. Là giá trị xuất khẩu thủy sản cả nước năm 2015, giảm 14,5% so cùng kỳ năm ngoái. Thị trường tiêu thụ kém, giá xuất khẩu giảm và biến động giảm giá của các đồng ngoại tệ so với USD đã tác động mạnh đến xuất khẩu thủy sản Việt Nam, duy chỉ có mặt hàng cá biển có kim ngạch xuất khẩu tăng 5% so với năm ngoái, còn lại ba sản phẩm chủ lực là tôm, cá tra, cá ngừ đều giảm mạnh, nặng nhất là mặt hàng tôm. Điều đáng nói, năm 2015, thủy sản Việt Nam được xuất khẩu sang 164 thị trường nhưng đã có tới 163 thị trường có kim ngạch xuất khẩu giảm, trung bình 3 – 27%, trừ ASEAN tăng 8%.

sự kiện thủy sản 2015

Năm 2015 xuất khẩu cá tra ước đạt 1,6 tỷ USD – Ảnh: Lê Hoàng Vũ

 

2. Mất an toàn cho ngư dân

Nghề đi biển, nguy hiểm luôn rình rập. Ra khơi, những cơn bão bất ngờ luôn là nỗi ám ảnh thường trực của ngư dân. Đã bao lần bão ập đến cướp đi sinh mệnh của nhiều người, hư hỏng tàu thuyền thì vô kể. Nhưng điều đó vẫn không ám ảnh họ bằng nạn “hải tặc”, phần lớn là các tàu lạ, tàu Trung Quốc tấn công ngư dân. Mỗi năm có hàng trăm tàu thuyền của ngư dân bị thiệt hại vì những “tai nạn” này. Theo Cục Kiểm ngư, từ đầu năm đến giữa tháng 9 đã xảy ra 38 vụ/38 tàu/281 ngư dân của Việt Nam bị Trung Quốc ngăn cản, đâm va, gây thiệt hại về tài sản. Gần đây nhất là vụ tàu Thái Lan xả súng vào 6 tàu Kiên Giang khiến 1 ngư dân tử vong, 2 bị thương. Đã đến lúc ngành chức năng Việt Nam đưa ra các biện pháp khẩn cấp bảo vệ các ngư dân trên biển. Cần hành động một cách thiết thực.

 

3. Sửa Nghị định 36

Sau khi Bộ NN&PTNT có kiến nghị lùi thời hạn áp dụng quy định tỷ lệ mạ băng, hàm ẩm và một số nội dung khác của Nghị định 36, Chính phủ đã có công văn đồng ý về việc sửa đổi này. Theo đó, áp dụng tỷ lệ mạ băng trên cá tra fillet tối đa 20% và hàm ẩm tối đa 86% cho đến ngày 31/12/2018 và từ ngày 1/1/2019 mới chính thức áp dụng mạ băng không quá 10% và hàm ẩm không vượt quá 83%. Cùng đó là việc lùi thời hạn để các cơ sở nuôi cá tra thương phẩm phải áp dụng và được chứng nhận VietGAP hoặc các chứng nhận quốc tế tương đương đến ngày 31/12/2016, thay vì 31/12/2015… Việc lùi thời gian áp dụng các điều khoản trên nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp xuất khẩu. Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia, đây là bước lùi của ngành cá tra và là “cơ hội” để nhiều thị trường tiếp tục nghi ngờ chất lượng sản phẩm chủ lực của ngành thủy sản Việt Nam.

 

4. Ngành tôm bất ổn

Theo VASEP, năm 2015, kim ngạch xuất khẩu tôm chỉ đạt 3 tỷ USD, giảm khoảng 1 tỷ USD so với năm 2014. Mặc dù sụt giảm mạnh nhưng tôm vẫn giữ ngôi vị số 1 tỷ trọng giá trị xuất khẩu khi chiếm tới 44%. Trong xuất khẩu tôm, tôm thẻ chân trắng vẫn chiếm 58% với 1,7 tỷ USD, giảm 25% so với năm ngoái; tôm sú chiếm 33% với 977 triệu USD, giảm 29%. Xuất khẩu sang tất cả các thị trường chính đều giảm đáng kể. Có nhiều nguyên nhân khiến tình hình xuất khẩu giảm như năm nay, trong đó có sự tác động mạnh của việc phá giá ngoại tệ ở một số nước xuất khẩu thủy sản. Hơn nữa, việc Mỹ tăng thuế chống bán phá giá với mặt hàng tôm cũng khiến cho xuất khẩu mặt hàng này sang Mỹ khó thêm nhiều lần.

Cùng đó, sản xuất trong nước cũng không dễ khi thời tiết diễn biến thất thường gây nhiều bất lợi cho con tôm. Và mặc dù diện tích tôm bị bệnh giảm so với năm ngoái nhưng tổng diện tích thiệt hại lại tăng đáng kể. Người nuôi tôm thiệt kép khi vừa mất mùa, vừa mất giá, nhiều ao đầm “treo”.

 

5. Cá tra “mất sức”

Xuất khẩu cá tra năm 2015 ước đạt 1,6 tỷ USD, giảm 10% so với năm 2014. Hầu hết các thị trường chính đều giảm, trong đó, EU giảm 15%, Mỹ giảm 4,5%, Mexico giảm 10%… Riêng xuất khẩu sang Trung Quốc duy trì tăng trưởng ổn định 50%.

Ở trong nước, tiếp tục là một năm phá sản của người nuôi cá khi giá cá không thể “quẫy” lên được. Suốt năm, giá cá nguyên liệu chủ yếu xoay quanh mức 20.000 đồng/kg, nhiều hộ nuôi có vốn chủ động được khâu đầu vào và nuôi tốt có thể hòa, còn đa phần lỗ vì giá bán dưới giá thành sản xuất (ở mức 22.000 – 23.000 đồng/kg). Thêm nữa, nếu năm ngoái chỉ cá thương phẩm thua lỗ thì năm nay người ương cá giống cũng khóc ròng vì không bán được và giá giảm mạnh.

Chưa kể, xuất khẩu cá tra của Việt Nam đang đứng trước nguy cơ mất thị trường Mỹ do nước này chính thức thông qua Đạo luật Nông nghiệp 2014 (Farm Bill), khi yêu cầu các sản phẩm cá da trơn khi vào thị trường này phải phải có điều kiện tương đồng với sản phẩm nuôi tại Mỹ. Điều này rõ ràng bất khả thi với cá tra Việt Nam.

 

6. Báo động chất lượng thủy sản

Theo Cục Thú y, 9 tháng đầu năm 2015, 8.000 tấn thủy sản xuất khẩu của Việt Nam bị các nước trả về do dính vi phạm. Các sản phẩm bị trả về phần lớn là mặt hàng chủ lực như tôm đông lạnh, cá tra fillet đông lạnh, thịt ngao làm chính… với các nguyên nhân chủ yếu như: nhiễm kháng sinh, nhiễm vi sinh vật gây hại vượt mức cho phép; nhiễm các mầm bệnh trên tôm (đốm trắng, đầu vàng…) thuộc danh mục các bệnh phải công bố dịch theo quy định của Tổ chức Thú y Thế giới (OIE); đóng gói sai quy cách, thông tin… Theo Cục Thú y, việc các lô hàng thủy sản xuất của Việt Nam bị các nước trả về trước đây hàng năm đều có, nhưng trong hai năm 2014 và 2015 tình hình có dấu hiệu nghiêm trọng.

10 sự kiện thủy sản 2015

Phát triển cá nước lạnh tạo sản phẩm chất lượng và giá trị – Ảnh: Huy Hùng

 

7. Nhập khẩu nguyên liệu thủy sản tăng

Theo VASEP, 10 tháng đầu năm, Việt Nam chi 1,05 tỷ USD để nhập khẩu nguyên liệu thủy sản, tăng 2,5% so cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, nhập khẩu tôm chiếm tỷ trọng cao nhất, 42% với trên 455 triệu USD, cá ngừ 216 triệu USD; các loại cá biển khác đạt 346 triệu USD.

Mặc dù trong bối cảnh hội nhập, không thể có giao thương một chiều, việc nhập hay xuất khẩu là bình thường, tuy nhiên, vẫn còn nhiều lo ngại và về lâu dài sẽ ảnh hưởng đến nuôi trồng trong nước. Bởi, khi không còn quá phụ thuộc nguồn cung thủy sản nguyên liệu trong nước, doanh nghiệp sẽ quay ra ép giá người nuôi. Còn phía người nuôi, khi nhận thấy nuôi tôm không có lãi sẽ bỏ ao. Lúc này, sự phụ thuộc vào nguồn thủy sản nguyên liệu nhập khẩu ngày càng nhiều.

 

8. Năm an toàn vệ sinh thực phẩm

Năm 2015, Bộ NN&PTNT xác định là năm vệ sinh an toàn thực phẩm trong lĩnh vực nông nghiệp với mục tiêu chung là tạo chuyển biến rõ nét về đảm bảo an toàn thực phẩm nông, thủy sản. Năm nay, ngành đề ra mục tiêu, tỷ lệ mẫu giám sát tồn dư hóa chất, kháng sinh trong sản phẩm thịt gia súc, gia cầm, thủy sản nuôi giảm 10%. Các doanh nghiệp xuất khẩu hy vọng, việc giám sát chặt chẽ của các cơ quan quản lý từ Trung ương tới địa phương, chất lượng hàng nông, thủy sản sẽ ngày càng nâng cao, uy tín giữ vững. Đồng thời, gánh nặng trong quản lý an toàn thực phẩm nguyên liệu đầu vào cho chê biến xuất khẩu nhẹ bớt, chi phí kiểm nghiệm giảm góp phần nâng cao sức cạnh tranh của doanh nghiệp trên thị trường.

 

9. Cơ hội cho ngành thủy sản Việt Nam sau TPP

Theo Bộ Công thương, TPP sẽ hình thành một khu vực mậu dịch tự do chiếm tới 40% kinh tế và 30% thương mại toàn cầu với 800 triệu dân được dự báo sẽ bổ sung cho GDP thế giới thêm gần 300 tỷ USD mỗi năm. TPP được kỳ vọng sẽ tạo ra bước nhảy vọt để Việt Nam đẩy mạnh xuất khẩu và nâng cao năng lực cạnh tranh trong nước. Với thủy sản, hiện nay 11 nước thành viên tham gia TPP là Mỹ, Nhật Bản, Canada, Australia, Singapore, Mexico, Malaysia, Newzealand, Chile, Peru và Brunei đều là những đối tác chiến lược của thủy sản Việt Nam. Năm 2015, xuất khẩu thủy sản Việt Nam sang 11 nước thành viên tham gia TPP đạt khoảng 3 tỷ USD, chiếm 46% tổng giá trị xuất khẩu thủy sản của Việt Nam.

 

10. Quy hoạch cá nước lạnh

Ngày 11/8/2015, Bộ NN&PTNT ban hành Quyết định số 3195/QĐ-BNN-TCTS phê duyệt quy hoạch phát triển cá nước lạnh đến năm 2020, tầm nhìn 2030. Mục tiêu phát triển sản xuất cá nước lạnh tạo sản phẩm hàng hóa với chất lượng và giá cả cạnh tranh đáp ứng nhu cầu thị trường tiêu thụ nội địa và xuất khẩu. Sản xuát đủ con giống, thức ăn từ trong nước đảm bảo chất lượng cung cấp cho nuôi thương phẩm để giảm giá thành sản xuất.

Đến năm 2020, sản lượng cá nuôi đáp ứng được 70 – 80% nhu cầu tiêu dùng trong nước với giá cạnh tranh. Sản phẩm trứng cá đạt 3 – 5 tấn/năm, giá trị xuất khẩu khoảng 10 triệu USD. Đến năm 2030, sản lượng cá nuôi đáp ứng 100% nhu cầu tiêu dùng trong nước và một số sản phẩm được xuất khẩu. Sản phẩm trứng cá đạt 15 – 20 tấn/năm, giá trị xuất khẩu khoảng 40 – 45 triệu USD.

TSVN

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!