T2, 06/07/2020 01:27

10 thị trường xuất khẩu lớn nhất

Chưa có đánh giá về bài viết

Mỹ, Nhật Bản, Trung Quốc và EU vẫn giữ vững vị trí thị trường xuất khẩu thủy sản hàng đầu của Việt Nam, chiếm 54,1% tổng trị giá xuất khẩu thủy sản. Ngoài ra, thị trường Hàn Quốc, ASEAN và Canada cũng ghi nhận tăng trưởng tích cực.


1. Mỹ

Xuất khẩu thủy sản của Việt Nam sang thị trường Mỹ tính đến hết tháng 11/2018 đạt 1,48 tỷ USD, tăng 13% so cùng kỳ 2017. Mỹ là thị trường nhập khẩu tôm lớn thứ 2, chiếm 18,1% tổng trị giá xuất khẩu tôm của Việt Nam đi các thị trường. Tính tới tháng 11/2018, xuất khẩu tôm sang Mỹ đạt 593,7 triệu USD, giảm 2,7% so với cùng kỳ năm 2017. Tuy nhiên, năm 2018, xuất khẩu cá tra sang thị trường Mỹ nhận rất nhiều tín hiệu tích cực. Cụ thể, trị giá xuất khẩu tính đến hết tháng 11 đạt 494,3 triệu USD, chiếm 24,2% tổng trị giá xuất khẩu cá tra của Việt Nam, tăng 54,6% so cùng kỳ năm 2017. Ngành thủy sản Việt Nam liên tục đón nhận tin vui từ thị trường Mỹ trong năm qua: Cục kiểm tra An toàn thực phẩm (FSIS) đã đề xuất Dự thảo lấy ý kiến công nhận 3 nước Việt Nam, Trung Quốc và Thái Lan đủ điều kiện xuất khẩu sản phẩm cá và cá da trơn vào Mỹ; Mỹ giảm thuế chống bán phá giá với cá tra, tôm của Việt Nam.

2. EU

“Thẻ vàng” mà Liên minh châu Âu (EU) áp dụng với hải sản Việt Nam đã kéo thị trường này từ vị trí là nhà tiêu thụ thủy sản số một năm 2017 xuống thứ 4 trong 6 tháng đầu năm 2018. Nửa đầu năm 2018, tổng giá trị xuất khẩu vào EU đạt 584 triệu USD, sau Mỹ, Nhật Bản và Trung Quốc. “Thẻ vàng” khiến cho xuất khẩu cá ngừ và một số mặt hàng hải sản bị xáo trộn trong 3 – 4 tháng đầu năm khiến tổng kim ngạch xuất khẩu sang EU đã giảm mạnh và chỉ đạt mức tăng trưởng 12 – 77%. Tuy nhiên, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam sang EU tính đến tháng 11/2018 đạt 1,35 tỷ USD, tăng 0,4% so cùng kỳ 2017. Trong khối EU, Anh, Hà Lan, Đức, Bỉ và Italy là những thị trường nhập khẩu thủy sản nhiều nhất từ Việt Nam 11 tháng đầu năm 2018. Trong đó, xuất khẩu thủy sản sang Anh tăng mạnh nhất 12,8%, đạt gần 292 triệu USD.

3. Nhật Bản

Tính đến hết tháng 11, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam sang thị trường Nhật Bản đạt gần 1,3 tỷ USD, tăng 5,6% so cùng kỳ 2017. Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, 11 tháng đầu năm 2018, xuất khẩu tôm Việt Nam sang Nhật Bản đạt hơn 586 triệu USD, giảm 8,8% so với cùng kỳ năm 2017. Nhật Bản hiện là thị trường nhập khẩu tôm lớn thứ ba của Việt Nam, chiếm 17% tổng giá trị xuất khẩu tôm Việt Nam đi các thị trường. Trong nhiều năm nay, Việt Nam vẫn duy trì vị trí số 1 cung cấp tôm cho thị trường Nhật Bản với mức giá 12 USD/kg, cao hơn giá tôm của Thái Lan, Indonesia… Ngoài ra, xuất khẩu mực, bạch tuộc sang Nhật Bản sau khi giảm trong tháng 10 đã tăng trưởng trở lại vào tháng 11 và đạt trị giá 15,9 triệu USD, tăng 23%. Tổng trị giá xuất khẩu sản phẩm mực và bạch tuộc đến tháng 11/2018 đạt gần 139 triệu USD, tăng 2,2% so cùng kỳ 2017. Hiện, Nhật Bản dẫn đầu về nhập khẩu mực của Việt Nam, chiếm 51% tổng giá trị xuất khẩu đi các thị trường.

4. Trung Quốc – Hồng Kông

Trung Quốc tiếp tục là thị trường nhập khẩu cá tra tiềm năng nhất của Việt Nam trong 2 năm tới. Xuất khẩu cá tra sang Trung Quốc – Hồng Kông đã tăng 30 – 80% trong giai đoạn 2015 – 2018. Trị giá xuất khẩu cá tra sang thị trường này đạt 482,895 triệu USD 11 tháng đầu năm 2018, tăng 29,3% so với cùng kỳ năm 2017. Với đà tăng trưởng đó, Việt Nam đang đứng thứ 3 (sau Nga và Na Uy) trong số những nước cung cấp cá thịt trắng lớn nhất cho thị trường Trung Quốc. Tính đến hết tháng 11/2018, xuất khẩu tôm sang Trung Quốc đạt 449,779 triệu USD, giảm 29,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Xuất khẩu mực, bạch tuộc sang Trung Quốc 11 tháng đầu năm đạt 42,7 triệu USD, tăng 12,8%. Xuất khẩu thủy sản của Việt Nam sang Trung Quốc – Hồng Kông 11 tháng đầu năm 2018 đạt trị giá 1,1 tỷ USD, giảm 5,9% so cùng kỳ 2017.

5. Hàn Quốc


Xuất khẩu thủy sản của Việt Nam sang Hàn Quốc 11 tháng đầu năm đạt 784,679 triệu USD, tăng 10,4% so với cùng kỳ năm 2017. Hiện, Hàn Quốc là thị trường tiêu thụ mực, bạch tuộc lớn nhất của Việt Nam, chiếm 39% tổng xuất khẩu mực, bạch tuộc của Việt Nam đi các thị trường. Tính đến tháng 11 năm 2018, xuất khẩu mực và bạch tuộc của Việt Nam sang Hàn Quốc tăng 20,8% so với cùng kỳ năm 2017, đạt gần 240 triệu USD. Việt Nam được hưởng mức thuế xuất khẩu 0% sang Hàn Quốc với các sản phẩm bạch tuộc tươi/sống và đông lạnh. Hàn Quốc cũng đứng trong top 5 nước nhập khẩu tôm lớn nhất của Việt Nam, với trị giá 353,905 triệu USD trong 11 tháng đầu năm, tăng 2,6% so cùng kỳ năm 2017.

6. ASEAN

Tính đến hết tháng 11/2018, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam sang ASEAN đạt 616,016 triệu USD, tăng 10,9% so cùng kỳ năm 2017. Thái Lan là thị trường nhập khẩu thủy sản lớn nhất của Việt Nam trong khối ASEAN, tiếp đến là Philippines và Singapore. Xuất khẩu thủy sản của Việt Nam sang ASEAN trong 20 năm qua tăng liên tục gấp 9 lần. Nhóm hải sản đang chiếm tỷ trọng lớn nhất trong tổng xuất khẩu thủy sản của Việt Nam sang ASEAN. Trong đó, cá biển là dòng sản phẩm xuất khẩu chính của Việt Nam, tiếp đến là mực, bạch tuộc. ASEAN là thị trường nhập khẩu mực, bạch tuộc lớn thứ 3 của Việt Nam, sau Hàn Quốc và Nhật Bản với trị giá đạt 76,070 triệu USD 11 tháng đầu năm 2018. Xuất khẩu cá tra sang ASEAN cũng tăng mạnh trong 11 tháng đầu năm, đạt 183,564 triệu USD, tăng 43,7% so cùng kỳ năm 2017.

7. Canada

Xuất khẩu thủy sản của Việt Nam sang thị trường Canada 11 tháng đầu năm 2018 đạt 217,394 triệu USD, tăng 5,5% so cùng kỳ năm 2017. Thị trường này là một trong những điểm sáng trong xuất khẩu cá ngừ của Việt Nam với mức tăng trưởng ấn tượng trong tháng 9/2018 là 142%. Tính riêng 9 tháng đầu năm, nhập khẩu cá ngừ Việt Nam của Canada đạt gần 11 triệu USD, tăng 13,5% so cùng kỳ 2017. Trong năm 2018, Canada giảm 33,5% lượng nhập khẩu tôm Thái Lan và tăng nhập khẩu tôm Việt Nam lên 5%. Riêng 9 tháng đầu năm 2018, Canada là thị trường nhập khẩu tôm lớn thứ 6 của Việt Nam, chiếm tỷ trọng 4,3% tổng xuất khẩu tôm của Việt Nam.

8. Australia

Xuất khẩu thủy sản của Việt Nam sang thị trường Australia đạt 176,922 triệu USD 11 tháng đầu năm 2018, tăng 6,6% so với cùng kỳ 2017. Australia cũng là một trong những thị trường nhập khẩu tôm lớn nhất của Việt Nam, với trị giá nhập khẩu tính đến hết tháng 11 đạt 103,633 triệu USD, giảm 1,9% so cùng kỳ 2017; tuy nhiên lượng nhập khẩu trong tháng 11 cuối năm 2018 lại đạt gần 9 triệu USD, tăng 2,9%. Sau khi dịch bệnh đốm trắng lây lan trên tôm vào năm 2017, Australia đã xiết chặt quản lý nguồn tôm nhập khẩu và đặt ra khá nhiều rào cản về chất lượng. Điển hình, từ ngày 28/9/2018, các mặt hàng tôm tẩm bột của Việt Nam vào thị trường này sẽ phải trải qua bước xử lý bằng nhiệt ngắn. Tuy nhiên, trên thị trường Australia, tôm Việt Nam không phải cạnh tranh nhiều về giá với các đối thủ. Tôm chế biến chiếm 78% tổng xuất khẩu tôm của Việt Nam sang Australia. 5 năm qua, Việt Nam luôn là nguồn cung tôm chế biến lớn nhất tại thị trường này.

9. Mexico

Xuất khẩu thủy sản của Việt Nam sang Mexico 11 tháng đầu năm 2018 đạt 98,209 triệu USD, tăng 97,1% so cùng kỳ năm 2017. Mặc dù xuất khẩu cá tra sang Mexico có nhiều biến động và giảm sút trong 11 tháng đầu năm, nhưng xuất khẩu thăn và fillet cá ngừ lại có nhiều khởi sắc vào quý 1/2018 với trị giá hơn 2 triệu USD, tăng 13,4% so với cùng kỳ 2017. Thăn/fillet là sản phẩm cá ngừ duy nhất mà Việt Nam đang xuất khẩu sang thị trường Mexico. Tuy nhiên, tính đến hết tháng 11, xuất khẩu cá ngừ sang thị trường này đạt 8,764 triệu USD, giảm 26,4%; trong khi đó xuất khẩu cá tra sang Mexico tính đến hết tháng 11/2018 đạt trị giá 84,524 triệu USD, giảm 9,3% so cùng kỳ năm 2017.

10. Nga

Xuất khẩu thủy sản sang Nga 11 tháng đầu năm 2018 đạt 77,234 triệu USD, tăng 9,6% so cùng kỳ năm 2017. Trong khi xuất khẩu thủy sản tháng 10 đạt 9,534 triệu USD thì đến tháng 11 còn 6,160 triệu USD, giảm 30,1% so với tháng 11/2017. Tuy vậy, Nga vẫn đứng trong top 10 thị trường xuất khẩu thủy sản Việt Nam; trong đó sản phẩm xuất khẩu nhiều nhất là mực và bạch tuộc, gồm bạch tuộc tươi, đông lạnh và khô muối. Giá trị xuất khẩu các sản phẩm này của Việt Nam sang Nga chiếm hơn 90% tổng giá trị xuất khẩu. Theo Hải quan Việt Nam, xuất khẩu mực, bạch tuộc của Việt Nam sang Nga đạt tốc độ tăng trưởng cao liên tục trong 11 tháng đầu năm, đạt 3,4 triệu USD, tăng 97,6% so với cùng kỳ năm 2017. 

Tuấn Anh (Tổng hợp)

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!