2018 – Thắp sáng niềm tin

Chưa có đánh giá về bài viết

Vượt qua những bất lợi về điều kiện thời tiết, rào cản thị trường cùng những khó khăn nội tại; nhưng khép lại năm 2017 ngành thủy sản không những đạt mà còn vượt mục tiêu đề ra, mang về giá trị lớn, đóng góp vào thành tựu chung của toàn ngành nông nghiệp.


Năm 2017, ngành tôm ghi nhận nhiều thắng lợi Ảnh: LHV

Tín hiệu tốt về nuôi trồng, khai thác

Những tháng cuối năm, người nuôi thủy sản tại các tỉnh, thành trong cả nước đang tranh thủ mọi điều kiện để tập trung củng cố ao đầm, bảo vệ và phát triển sản xuất bù đắp thiệt hại do thời tiết gây ra. Theo báo cáo của Bộ NN&PTNT, nuôi trồng thủy sản năm 2017 đạt kết quả khá khả quan cả ở nuôi tôm và cá nhờ áp dụng cải tiến trong kỹ thuật nuôi, chủ động phòng chống dịch bệnh.

Sản lượng nuôi trồng thủy sản tháng 12 năm 2017 ước 315 nghìn tấn, tăng 16,5% so cùng kỳ năm trước, đưa tổng sản lượng nuôi trồng thủy sản cả năm 2017 đạt 3.833 nghìn tấn, tăng 5,2%. Tôm và cá tra vẫn là những mặt hàng chủ lực có sự tăng trưởng cả về diện tích, sản lượng và kim ngạch xuất khẩu.

Năm 2017, ngành tôm ghi nhận nhiều kết quả tốt, khi sản lượng tăng cao, được mùa được giá, xứng đáng là một mặt hàng đóng góp giá trị kim ngạch lớn cho toàn ngành. Diện tích nuôi tôm sú 12 tháng năm 2017 đạt 595,8 nghìn ha (tăng 1,3%) với sản lượng thu hoạch 270,5 nghìn tấn, tăng 4,4% so cùng kỳ năm trước. Tôm thẻ chân trắng với diện tích 110,1 nghìn ha (tăng 10,1%) và sản lượng 430,5 nghìn tấn, tăng tới 11,8% so cùng kỳ năm 2016. Sản lượng thu hoạch tôm nước lợ cả năm 2017 ước 701 nghìn tấn, tăng trưởng khá (8,9%) so năm 2016. Các hộ nuôi trồng thủy sản hiện đang triển khai thực hiện việc gia cố, nạo vét, vệ sinh cải tạo ao đìa để chuẩn bị thả giống nuôi trồng vụ 1 năm 2018 khi điều kiện thích hợp. Đây cũng là năm ghi nhận ngành tôm “trúng giá”. Tôm thẻ chân trắng: Cỡ 60 – 70 con/kg, giá 120.000 – 130.000 đồng/kg; cỡ 100 – 110 con/kg, giá 105.000 – 110.000 đồng/kg. Tôm sú: Cỡ 40 – 50 con/kg, giá 210.000 – 220.000 đồng/kg; cỡ 70 – 80 con/kg, giá 130.000 – 140.000 đồng/kg. Cùng với giá tôm nguyên liệu tăng, diện tích nuôi tôm cũng mở rộng, kéo theo sản lượng thủy sản tăng cao, đã tạo nguồn nguyên liệu dồi dào cung cấp cho các nhà máy chế biến thủy sản xuất khẩu phát huy tối đa công suất; đồng thời, giúp cho hàng nghìn hộ nuôi tôm có được nguồn thu nhập cao hơn.

 Sản xuất cá tra năm qua cũng có nhiều biến động, càng về cuối năm giá cá lại tăng cao do nguồn cung hạn chế; đây cũng được xem là năm trở lại của cá tra Việt Nam, khi ở hầu hết các tỉnh, thành khu vực ĐBSCL hoạt động nuôi trồng, chế biến, xuất khẩu cá tra nhộn nhịp trở lại. Người nuôi thì đầu tư vùng sản xuất, lựa chọn con giống chất lượng, áp dụng nuôi theo tiêu chuẩn; còn doanh nghiệp thì tất bật thực hiện tốt chuỗi liên kết (mặc dù cũng còn những bất cập chưa tháo gỡ được) tạo nguồn nguyên liệu ổn định để hoàn tất các đơn hàng xuất khẩu. Theo thống kê, diện tích nuôi cá tra của các tỉnh ĐBSCL năm 2017 đạt 6.078 ha, tăng 3,1% so cùng kỳ năm ngoái. Sản lượng thu hoạch đạt 1.252 nghìn tấn (tăng 5,4%). Trong đó, các tỉnh có diện tích nuôi lớn, sản lượng cá tra tăng mạnh là Đồng Tháp với sản lượng 466,3 nghìn tấn (tăng 6%), An Giang đạt 261,6 nghìn tấn (tăng 5,9%), Cần Thơ đạt 174,2 nghìn tấn (tăng 6,4%).

Về lĩnh vực khai thác, do thời tiết và tình hình ngư trường tương đối thuận lợi, nhiều chính sách của Chính phủ được thực hiện đồng bộ, quyết liệt cùng sự phát triển của dịch vụ hậu cần nghề cá, dự báo ngư trường tạo động lực cho ngư dân, đẩy mạnh khai thác xa bờ. Mặt khác, ngư dân cũng linh hoạt hơn trong việc chuyển đổi ngư trường theo mùa vụ; khai thác thủy sản biển tại các tỉnh Bắc Trung bộ cũng phục hồi trở lại sau sự cố ô nhiễm môi trường. Do đó, sản lượng thủy sản khai thác năm nay tăng hơn so năm 2016, đạt 3.395,5 nghìn tấn, tăng 5,3%; trong đó, khai thác biển ước 3199,2 nghìn tấn, tăng 5,4%; khai thác nội địa 196,3 nghìn tấn, tăng 3,2%.

“Tại 4 tỉnh miền Trung, khu vực khai thác và nuôi trồng có đà tăng trưởng. Năm nay sản xuất cơ bản như thế là thắng lợi lớn. Chưa năm nào ngư dân được mùa lớn, giá thành thấp, dịch bệnh kiểm soát tốt, tình hình xuất khẩu sáng lạn. Từ đó dẫn đến đời sống nhân dân được cải thiện”, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường nhận định.

Xuất khẩu khả quan

Năm 2017, thủy sản tiếp tục là một trong những ngành hàng xuất khẩu chính của nông nghiệp, với kim ngạch cả năm ước 8,32 tỷ USD, tăng 18% so cùng kỳ năm 2016.

Điểm lại nhóm các thị trường xuất khẩu thủy sản của Việt Nam năm qua cho thấy có sự chuyển dịch khi có sự giảm sút ở thị trường Mỹ, EU nhưng lại tăng trưởng tại các thị trường mới mà nổi bật là Tung Quốc. Nếu như năm 2016, Trung Quốc chi 860 triệu USD để nhập thủy sản từ Việt Nam; thì riêng 11 tháng của năm 2017, kim ngạch này đạt trên 1 tỷ USD, tăng trưởng trên 64%; đưa Trung Quốc chính thức có mặt ở nhóm các thị trường “tỷ đô” của ngành thủy sản cùng với Mỹ (1,3 tỷ USD), EU (1,25 tỷ USD) và Nhật Bản (1,19 tỷ USD). Nhất là với mặt hàng cá tra, Trung Quốc đã trở thành thị trường hàng đầu khi chiếm tới 23% thị phần nhập khẩu.

Đóng góp lớn cho “thành tích” xuất khẩu ngành thủy sản năm qua không thể không nhắc đến vai trò chủ đạo của mặt hàng tôm với kim ngạch dự báo cả năm 2017 đạt 3,8 tỷ USD, tăng 20% so năm 2016. Như chia sẻ của ông Trần Văn Lĩnh, Tổng Giám đốc Công ty CP Thuận Phước, năm 2017, con tôm thắng lớn tại thị trường EU (tăng gần 22%); nguyên nhân khách quan là do tôm Ấn Độ (đối thủ chính của Việt Nam) bị dính kháng sinh và đối mặt với nguy cơ EU cấm nhập khẩu nên tôm Việt Nam được lựa chọn thay thế. Trong khi, tôm Việt Nam đã kiểm soát được kháng sinh tốt hơn trước đây.

Năm 2017 cũng đánh dấu sự tăng trưởng bất ngờ của GDP cả nước, đạt 6,81%; trong 2 quý đầu năm, tăng trưởng GDP đều đặn và đánh dấu bước tăng trưởng bứt phá với mức 7,46% vào quý III/2017. Mà theo lý giải của Tổng cục Thống kê, bước tăng trưởng này đạt được nhờ vào sự tăng trưởng của ngành thủy sản, chuyển dịch cơ cầu từ cây lúa sang nuôi trồng thủy sản.

Vẫn là chất lượng

Bên cạnh những kết quả lạc quan đó, ngành thủy sản vẫn còn đó những khó khăn nhất định. Như sự việc một số “tàu 67” gặp sự cố tại Bình Định, Liên minh châu Âu (EU) rút “thẻ vàng” với sản phẩm thủy sản khai thác hay như vấn nạn tôm nhiễm tạp chất…

Tôm nhiễm tạp chất là vấn đề gây nhức nhối trong thời gian qua; với số vụ vi phạm và thủ đoạn ngày một tinh vi hơn, đã ảnh hưởng lớn đến chất lượng tôm thương phẩm cung ứng cho các nhà máy chế biến, xuất khẩu. Chính vì vậy, trong năm 2018 tới, Bộ NN&PTNT đã đề ra kế hoạch phối hợp với Ủy ban MTTQ, Hội Nông dân, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam thực hiện tốt các chương trình phối hợp, vận động sản xuất kinh doanh nông sản an toàn, giám sát đảm bảo an toàn thực phẩm, trọng điểm là các hộ sản xuất nhỏ lẻ.

Theo nhiều chuyên gia, vấn đề cốt lõi của thủy sản Việt Nam vẫn là chất lượng. Bởi, như cảnh báo của Bộ Công thương, rào cản lớn nhất của thủy sản hiện nay là chất lượng không ổn định, thường bị phàn nàn về vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm; đây là điểm mấu chốt mà ngành cần tìm cách giải quyết để xuất khẩu thủy sản bền vững hơn trong thời gian tới. Để vượt qua khó khăn, các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản ngoài chứng minh được nguồn gốc, xuất xứ, tiếp thị, quảng bá sản phẩm; cần nỗ lực khẳng định chất lượng và độ an toàn của sản phẩm bởi đây là yếu tố các nhà nhập khẩu chú trọng hiện nay.

Nguyễn Chi

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!