Ấn Độ: Ngành tôm gặp khó tại EU

Chưa có đánh giá về bài viết

Theo đúng kế hoạch, Ủy ban châu Âu (EC) đã thực hiện chuyến thanh tra tại Ấn Độ để đánh giá các phương pháp kiểm soát chất lượng tôm xuất khẩu sang EU tại Ấn Độ từ 22 – 28/11/2017 tại Odisha.

Kiểm soát chất lượng tôm xuất khẩu sang EU

Kiểm soát chất lượng tôm xuất khẩu sang EU

Thời điểm này vẫn chưa thể khẳng định tôm Ấn Độ có bị cấm tại EU hay không, nhưng những khó khăn với ngành xuất khẩu tôm đang hiện hữu, trước hết là sự trì hoãn xuất khẩu ít nhất 6 tuần để phục vụ công tác kiểm tra của EU. Derek Golding, Giám đốc Công ty nhập khẩu thủy sản Seahawk Marine Foods tại Anh cho biết, văn phòng đại diện của Công ty tại Chennai, Ấn Độ vừa thông báo tình trạng trì hoãn vận chuyển tôm từ 3 – 6 tuần. Việc gom hàng và đóng container đã hoàn tất nhưng hơn một tháng nay, các Cơ quan Thanh tra Xuất khẩu (EIA) đã cử nhân viên riêng của mình lấy các mẫu từ các nhà máy và đưa các mẫu đó đến các phòng xét nghiệm riêng để phân tích tồn dư kháng sinh. Nếu kết quả thanh tra không tích cực, tôm Ấn Độ sẽ bị cấm nhập khẩu vào năm sau.

Ben Wheeley, Trưởng phòng nhập khẩu thủy sản tại M&J Seafood, Tập đoàn Brakes khá lo ngại trước những biến động tiềm ẩn trên thị trường tôm nếu như lệnh cấm được thực hiện. Hiện, nhiều công ty tôm của Ấn Độ bắt đầu lưỡng lự trước thị trường EU vì chi phí xét nghiệm sản phẩm trước xuất khẩu bị đội lên cao, chưa kể rủi ro hàng có thể bị trả lại. Những công ty của châu Âu quen mua tôm Ấn Độ nay cũng chuyển sang các nguồn cung khác như tôm Thái Lan, Việt Nam.

Hiện, Cục Xúc tiến xuất khẩu thủy sản Ấn Độ (MPEDA) tăng cường chiến dịch kêu gọi toàn bộ người nuôi tôm ngừng sử dụng kháng sinh cấm và yêu cầu các ban ngành quản lý thực hiện kiểm tra tồn dư hóa chất kháng sinh trong tôm bằng các xét nghiệm. Tần suất thanh kiểm tra các cơ sở chế biến, phòng thí nghiệm, trại nuôi, nhà máy thức ăn cũng được tăng lên, bất chấp khó khăn Ấn Độ có trên 50.000 trại nuôi tôm và nhiều trại quy mô rất nhỏ.

Bộ trưởng Bộ Y tế, Dược phẩm và Phúc lợi, Kamineni Srinivas đã thành lập lực lượng kiểm soát và chỉnh đốn việc sử dụng kháng sinh và hóa chất khác trong nuôi tôm; đồng thời tích cực dẹp bỏ các phòng thí nghiệm và các điểm bán thuốc không được cấp phép. Ngoài ra, cơ quan quản lý ngành thủy sản cũng đã tổ chức nhiều đợt đào tạo và phát miễn phí cẩm nang sử dụng furazolidone, terramycin và chloramphenicol trong ngăn chặn và xử lý dịch bệnh; cấm sử dụng furazolidone và chloramphenicol trong nuôi thủy sản nước lợ.

Tuấn Minh (Tổng hợp)

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!