An Giang: Hiệu quả nuôi lươn bằng thức ăn công nghiệp

Chưa có đánh giá về bài viết

Năm 2019, Trạm Khuyến nông huyện Phú Tân đã phối hợp triển khai thực hiện 9 mô hình nuôi lươn ở các địa bàn, trong đó có mô hình nuôi lươn bằng thức ăn công nghiệp. Hiện tại, một số mô hình đã cho thu hoạch, có mô hình đạt sản lượng 800 kg/20 m2, lợi nhuận trên 80 triệu đồng.

Điển hình mô hình nuôi lươn bằng thức ăn công nghiệp đang được ông Nguyễn Mạnh Khang (ấp Phú Đông, xã Phú Long, Phú Tân, An Giang) áp dụng. Trên diện tích 20 m2 bể nuôi được lót bạt, ông Khang đặt 20 bó dây bẹ. Mỗi bó dài 40 cm, được buộc chặt 1 đầu và bố trí khắp bể. Bể nuôi lươn được thiết kế mái che để hạn chế mưa, nắng nóng trong quá trình nuôi. Với diện tích như trên, ông Khang thả 4.000 con lươn giống (kích cỡ 290 con/kg) với giá 6.500 đồng/con. Nguồn lươn giống được ông mua từ trại giống sinh sản bán nhân tạo có uy tín trên địa bàn.

Đặc biệt, mô hình nuôi lươn của ông Khang sử dụng hoàn toàn bằng thức ăn công nghiệp có hàm lượng đạm từ 40 – 42%. Nguồn nước sử dụng cấp vào bể được lấy từ ao lắng đã qua xử lý sát trùng và được kiểm tra nồng độ pH. Bình quân mỗi ngày, ông Khang thay nước 2 lần trước giờ cho lươn ăn. Trong quá trình cho ăn bổ sung men tiêu hóa và tẩy giun sán định kỳ cho lươn. Đồng thời, thường xuyên kiểm tra lươn để sớm phát hiện dịch bệnh, từ đó có những giải pháp chữa trị kịp thời, hợp lý.

Hiện, sau 7 tháng thả nuôi, lươn đang trong giai đoạn tăng trọng nhanh, tỷ lệ hao hụt thấp, khoảng 300 con; trọng lượng bình quân 11 con/kg, một số lươn lớn đạt 190 g/con, ước sản lượng trên 300 kg. Dự kiến, đàn lươn này nuôi thêm 5 – 7 tháng nữa sẽ thu hoạch, khi đó con lươn sẽ đạt kích cỡ trung bình khoảng 250 g/con. Đến nay, nguồn kinh phí mà ông Khang đã đầu tư cho mô hình khoảng 35 triệu đồng, chủ yếu dùng để mua lươn giống và thức ăn.

Theo Trạm Khuyến nông huyện Phú Tân: Áp dụng mô hình nuôi lươn mật độ cao sử dụng thức ăn công nghiệp giúp con lươn khỏe mạnh, kích cỡ đồng đều và sạch bệnh. Việc sử dụng thức ăn viên còn giúp ít hao hụt khi nuôi, đồng thời chủ động được nguồn thức ăn, tránh hủy diệt cá tự nhiên, hạ giá thành sản phẩm, môi trường nước tốt, ít bị bệnh…

Đây được xem là mô hình phù hợp với khu vực đô thị, có ít đất sản xuất, tận dụng lao động sẵn có tại nông hộ, giúp nông dân tăng thu nhập, tạo ra sản phẩm an toàn cho người tiêu dùng và bảo vệ môi trường.

Anh Vũ

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!