An ninh nghề cá vì một Biển Đông xanh

Chưa có đánh giá về bài viết

Biển Đông được ví như “rừng mưa Amazon” dưới biển, là một trong 20 vùng biển có khả năng khai thác thủy sản tự nhiên và nuôi trồng thủy sản mặn – lợ lớn nhất toàn cầu. Tuy nhiên, ngư trường quan trọng bậc nhất thế giới này đang đứng trước nguy cơ cạn kiệt, đe dọa trực tiếp đến an ninh nghề cá.

Cảnh sát biển Việt Nam phối hợp với các lực lượng diễn tập hiệp đồng tìm kiếm, cứu nạn trên vịnh Bắc Bộ   Ảnh: CSBVN

Cảnh sát biển Việt Nam phối hợp với các lực lượng diễn tập hiệp đồng tìm kiếm, cứu nạn trên vịnh Bắc Bộ Ảnh: CSBVN

Tài sản vô giá… mất dần

Biển Đông không chỉ nổi tiếng có vị trí địa chính trị trọng yếu, mà còn có tầm quan trọng về kinh tế và môi trường. Trong Biển Đông, rạn san hô phân bố rộng rãi và tạo thành các cụm đảo san hô. Đây là hệ sinh thái quan trọng và dễ bị tổn thương nhất, là ngôi nhà chung của khoảng 3.000 loài sinh vật trong Biển Đông. Đặc biệt, vùng biển nam Biển Đông, quanh cụm đảo Trường Sa và mở rộng vào bờ biển đảo Luzon (Philippines), Brunei và Khánh Hòa – Ninh Thuận (Việt Nam) là nơi có đa dạng loài san hô cao nhất (khoảng 517 loài), gần bằng mức đa dạng loài san hô (566 loài) của Tam giác san hô quốc tế mà trung tâm là vùng biển Indonesia và Philippines. Theo lượng giá của De Groot và đồng nghiệp (2012), tổng giá trị kinh tế của một hecta rạn san hô ở ngoài khơi Biển Đông là 350 nghìn USD/ha/năm. Điều này cho thấy, bảo vệ được môi trường biển và các hệ sinh thái rạn san hô ngoài khơi sẽ bảo đảm được an ninh môi trường và nguồn lợi đa dạng sinh học toàn Biển Đông.

Chính vì thế, mức đa dạng sinh học và tiềm năng bảo tồn trong Biển Đông rất cao và vùng biển này được ví như “rừng mưa Amazon” dưới biển, cũng như được xác định là một trong 20 vùng biển có khả năng khai thác thủy sản tự nhiên và nuôi trồng thủy sản mặn – lợ lớn nhất toàn cầu. Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (UNEP) khẳng định, Biển Đông sản xuất ra khoảng 12% lượng cá đánh bắt toàn cầu. Ngoài ra, nguồn lợi thủy sản ở vùng biển này đã cung cấp thực phẩm và việc làm trực tiếp cho khoảng 3,7 triệu ngư dân và thu về hàng tỷ USD mỗi năm, cũng như gián tiếp cho hàng triệu người dân ở 10 quốc gia và vùng lãnh thổ bao quanh.

Tuy nhiên, ngư trường quan trọng bậc nhất thế giới này đang trước nguy cơ cạn kiệt sau nhiều năm khai thác “vô tội vạ”, sản lượng cá ở Biển Đông đang có nguy cơ cạn kiệt do bị đánh bắt quá mức, đe dọa trực tiếp tới an ninh nghề cá (thực phẩm) cũng như triển vọng phát triển kinh tế thủy sản của các nước trong khu vực. Giáo sư John McManus của Đại học Miami, Mỹ nhận định: “Có lẽ chúng ta đang chứng kiến một trong những thảm họa đánh bắt cá tồi tệ nhất trên thế giới, hàng trăm loài cá sẽ biến mất trên Biển Đông với tốc độ rất nhanh, hết loài này đến loài khác”. Phân tích của National Geographic cũng chỉ ra rằng, ở một số khu vực trên Biển Đông, sản lượng cá chỉ còn chưa đầy 1/10 so với 50 năm trước đây và nhiều loài cá có giá trị kinh tế cao như cá ngừ đại dương hay cá mú,… đang ngày càng trở nên khan hiếm.

Truy tìm nguyên nhân

Nghề cá ở Biển Đông không đơn giản chỉ là câu chuyện về “con cá và người đánh cá”, mà đã trở thành vấn đề “an ninh nghề cá” – một bộ phận của an ninh quốc gia và an ninh toàn cầu, do tác động xã hội sâu sắc và những ảnh hưởng dài hạn của nó đến tiềm năng phát triển nghề cá khu vực, cũng như vấn đề an ninh thực phẩm ở các quốc gia trong khu vực và toàn cầu. Đi tìm nguyên nhân dẫn đến mất an ninh nghề cá ở vùng biển này, National Geographic cho rằng, Trung Quốc dường như là một trong những thủ phạm dẫn tới thực trạng như vậy. Các cụm đảo san hô ngoài khơi ở Biển Đông chứa đựng các lợi ích chiến lược đan xen của các quốc gia trong và ngoài khu vực. Cho nên, những tuyên bố và hành động đơn phương của Trung Quốc khi thiết lập “vùng cấm đánh cá trên Biển Đông” từ 1/5 đến 1/8 hàng năm (Hình 1) và khi xây dựng các đảo nhân tạo trên 7 bãi cạn san hô ở cụm đảo Trường Sa mà Bắc Kinh đã dùng vũ lực chiếm của Việt Nam vào năm 1988. Các hành động như vậy đã, đang và sẽ đe dọa đến an ninh môi trường, an ninh sinh thái và nghề cá không chỉ ở vùng biển Trường Sa mà còn đối với phần còn lại của Biển Đông.

Tính đến nay, Trung Quốc đã tôn tạo và lấn mở rộng khoảng 1.500 ha “đảo nhân tạo” từ các bãi cạn ở cụm đảo Trường Sa và Hoàng Sa, và phá hủy nhiều ngàn hecta rạn san hô và các hệ sinh thái biển nông khác ở lân cận để lấy vật liệu tôn tạo đảo nhân tạo này. Hành động này đã gây thiệt hại nghiêm trọng cho các quốc gia ven Biển Đông, bao gồm chính Trung Quốc với tổng thiệt hại khoảng 4 tỷ USD/năm và riêng nghề cá bị thiệt hại khoảng hơn 400 triệu USD/năm. Số lượng rạn san hô và loài cá ở các vùng biển tranh chấp trên Biển Đông đã giảm từ 460 xuống 261 và danh sách loài trong tình trạng nguy cấp hiện bao gồm cả rùa xanh, trai khổng lồ và đồi mồi. Giáo sư Edgardo D. Gomez từ Viện Khoa học biển thuộc Đại học Tổng hợp Philippines phàn nàn, “trong lúc vội vàng giành lấy “quyền” kiểm soát Biển Đông, Chính phủ và lãnh đạo quân đội Trung Quốc có vẻ như rất ít hoặc không hề quan tâm tới sự thật rằng các rạn san hô, thảm cỏ biển và các hệ sinh thái biển nông khác ở Biển Đông đang bị phá hủy và bị chôn vùi một cách nhanh chóng”7.

Hành động sớm

Ngû dên khai thaác trïn biïín Trûúâng Sa

Ngư dân khai thác trên biển Trường Sa

An ninh môi trường và nghề cá là một trong những vấn đề nổi cộm ở Biển Đông năm 2016 và Giáo sư John McManus (Đại học Miami, Mỹ) một lần nữa cảnh báo: “Chúng ta đang tiến tới sự đổ vỡ lớn trong ngành thủy sản và thảm họa môi trường này sẽ ảnh hưởng tới cuộc sống của hàng triệu người. Đã đến lúc hành động ngay bây giờ”. Cho dù Trung Quốc đã bỏ ra hàng tỷ đô la, đào đắp hàng triệu m3 cát để biến các bãi cạn san hô thành đảo nhân tạo, thì cũng không thay đổi được bản chất pháp lý của các bãi cạn san hô tự nhiên vốn có theo quy định của Công ước Liên hợp quốc về Luật biển 1982 (UNCLOS).

Bối cảnh tranh chấp phức tạp ở Biển Đông đã kéo theo sự “tranh giành khu vực đánh bắt cá” theo tuyên bố chủ quyền của mỗi nước và dẫn đến gia tăng căng thẳng. Điều này đã đẩy ngư dân các nước trong khu vực vào một “cuộc chiến tranh nghề cá” vô hình, cùng với gia tăng đánh bắt cá bất hợp pháp (illegal fishing) ở các vùng tranh chấp, trong đó khoảng 70% là ngư dân Trung Quốc. Với tình trạng cạn kiệt của các nguồn cá gần bờ, ngư dân các nước quanh Biển Đông buộc phải đi xa hơn để tìm kiếm các nguồn cá mới và họ phải đi vào cả những vùng biển đang xảy ra tranh chấp để khai thác. Đây cũng là lúc Trung Quốc ra tay hành động để thực hiện ý đồ trên Biển Đông. Theo đó, Trung Quốc đã nhanh chóng chớp thời cơ, tăng cường hỗ trợ cho các ngư dân của họ khi đánh bắt cá tại vùng biển này. Bắc Kinh đã tài trợ tiền cho các ngư dân, trợ cấp nước ngọt, xăng dầu và chi phí để ngư dân đóng tàu kiên cố và lớn hơn, thậm chí còn trang bị thêm vũ khí cho các tàu đánh cá để sử dụng trong các trường hợp cần thiết. Chính phủ Trung Quốc trợ cấp cho nghề cá 4 tỷ USD/năm kể từ năm 2010.

Trung Quốc còn tổ chức huấn luyện quân sự cho các tàu, trang bị hệ thống liên lạc hiện đại và lực lượng Cảnh sát Biển Trung Quốc cũng được tăng cường tại Biển Đông để hỗ trợ ngư dân khi ra khơi đánh cá. Rốt cục, nguồn lợi cá Biển Đông càng thêm cạn kiệt. Một bản đồ về điều tra trữ lượng cá ở Biển Đông của Tổ chức Nông Lương Liên hợp quốc (FAO) mới đây cho thấy các ngư trường quan trọng trong Biển Đông đã bị khai thác hầu như cạn kiệt.

Rõ ràng, Trung Quốc đã vi phạm nghiêm trọng các công ước quốc tế có liên quan, như: UNCLOS (Điều 60, 192, 193, 196), đặc biệt Điều 208 về ô nhiễm môi trường biển; Công ước về Đa dạng sinh học (CBD); Công ước về Buôn bán quốc tế các loài động thực vật đang bị đe dọa tuyệt chủng (CITES) và vi phạm Điều 5 trong Tuyên bố Ứng xử các bên ở Biển Đông (DOC) mà chính Trung Quốc đã cam kết. Đặc biệt, sự vi phạm đó của Trung Quốc đã được ghi rõ trong phán quyết ngày 12/7/2016 của Tòa án Trọng tài Quốc tế thành lập theo Phụ lục VII, UNCLOS trong vụ Philippines kiện Trung quốc về Biển Đông (khởi kiện vào tháng 1/2013).

Theo đó, Tòa án đã xem xét ảnh hưởng với môi trường biển của các hoạt động bồi đắp và xây dựng nhân tạo trên 7 cấu trúc của cụm đảo Trường Sa gần đây của Trung Quốc, và nhận thấy rằng Trung Quốc đã gây hại nghiêm trọng với môi trường của các rạn san hô và vi phạm nghĩa vụ bảo tồn và bảo vệ các hệ sinh thái dễ bị tổn thương và môi trường sống của các loài đang suy yếu, bị đe dọa và hủy diệt. Đồng thời cho rằng, nhà chức trách Trung Quốc đã nhận thức được việc ngư dân Trung Quốc đánh bắt các loài rùa biển, san hô và trai khổng lồ (trai tai tượng) quý hiếm trên diện rộng ở Biển Đông (bằng các biện pháp gây ra tổn hại nghiêm trọng với môi trường rạn san hô) và đã không thực hiện các nghĩa vụ trong việc ngăn chặn và chấm dứt các hoạt động này.

Như vậy, chỉ có thực hiện nghiêm chỉnh phán quyết của Tòa trọng tài và “đóng băng” tuyên bố chủ quyền đơn phương và phi lý, Trung Quốc mới thực sự góp phần bảo đảm an ninh nghề cá vì một Biển Đông xanh: một vùng biển lành mạnh về môi trường, thịnh vượng về kinh tế và một vùng biển hòa bình. Trong bối cảnh phức tạp ở Biển Đông, nghề cá Việt Nam phải đẩy mạnh tái cơ cấu, ra biển với tư thế mới để tiếp tục khẳng định vai trò và vị thế của ngành trong việc phát triển kinh tế và góp phần thực hiện “chủ quyền dân sự” của Việt Nam trên Biển Đông. 

PGS.TS Nguyễn Chu Hồi - Giảng viên Đại học Quốc gia Hà Nội

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!