An toàn sinh học: Hướng đi bền vững trong NTTS

Chưa có đánh giá về bài viết

NTTS theo hướng an toàn sinh học tại Hà Nội đã được đầu tư và bước đầu đã đem lại kết quả nhất định; tuy nhiên, thực tế sản xuất lại chưa tương xứng với tiềm năng của địa phương.

Nhiều hạn chế

Tại những cuộc hội thảo chuyên ngành gần đây, theo đánh giá của các nhà chuyên môn, NTTS Hà Nội vẫn chưa phát triển tương xứng với tiềm năng. Cụ thể, tình trạng lạm dụng hóa chất, thuốc kháng sinh, chất cấm trong NTTS vẫn còn. Phương pháp nuôi truyền thống đã bộc lộ nhiều hạn chế, các dịch bệnh mới vẫn xảy ra, phương pháp nuôi công nghiệp cũng không thích hợp cho nhiều vùng nuôi… Một trong những nguyên nhân chính là do môi trường nuôi suy thoái dẫn tới xảy ra dịch bệnh.

Đánh giá về những hạn chế trong việc sử dụng chế phẩm sinh học trong NTTS, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Hà Nội Vũ Thị Hương cho biết, thực tế cho thấy, các hộ dân sử dụng chế phẩm sinh học và thảo dược chưa đồng bộ; đầu ra của sản phẩm bị lẫn với các sản phẩm thông thường, giá cả còn thấp, chưa tạo được niềm tin với người tiêu dùng… Nguyên nhân chủ yếu do người dân thiếu thông tin, sử dụng chế phẩm sinh học không đồng bộ trong quá trình nuôi, ý thức phòng bệnh chưa cao. Thậm chí, nhiều người sử dụng chế phẩm sinh học theo hướng dẫn của người bán hàng và nhãn mác sản phẩm; chưa có định hướng, chưa được tập huấn bài bản về tác dụng của chế phẩm sinh học và chưa hiểu rõ cách thức sử dụng phù hợp với từng đối tượng vật nuôi…

 

Những hiệu quả bước đầu

Thời gian qua, Trung tâm Khuyến nông Hà Nội đã triển khai mô hình nuôi thủy sản theo hướng an toàn sinh học, thực hành chăn nuôi tốt theo hướng VietGAP, quy mô 25 ha, triển khai tại 5 huyện: Ứng Hòa, Chương Mỹ, Phú Xuyên, Ba Vì, Mỹ Đức. Mô hình đã cấp 375.000 con cá chép giống V1 cỡ 7 – 9 cm/con và hỗ trợ 50% thức ăn, 50% chế phẩm sinh học cho bà con. Tham gia mô hình, bà con được cán bộ kỹ thuật Trung tâm Khuyến nông hướng dẫn sử dụng chế phẩm sinh học định kỳ trong quá trình nuôi, nhằm xử lý môi trường nước, tái tạo vi khuẩn có lợi trong ao nuôi, phân hủy bùn bã hữu cơ, nâng cao sức đề kháng của đàn cá.  Qua thời gian 5 tháng nuôi, cá tăng trưởng tốt, trọng lượng trung bình đạt 0,7 kg/con, có điểm cá đạt 1,5 kg/con, tỷ lệ sống đạt trên 80%. Năng suất ước đạt khi thu hoạch đạt trên 12 tấn/ha, cho lãi suất 80 triệu đồng/ha, cao hơn 15 – 20% so phương pháp nuôi thông thường. Đối với ao NTTS, sử dụng chế phẩm sinh học định kỳ giúp các yếu tố môi trường ao nuôi luôn ổn định, dễ kiểm soát được dịch bệnh, các ao nuôi không có tảo lam xuất hiện, cá không bị nổi đầu. Nhờ đó, cá sinh trưởng tốt, cho năng suất cao, tăng hiệu quả kinh tế cho người nuôi. Điển hình như tại Thanh Oai, một huyện ngoại thành tại Hà Nội, trong những năm gần đây phong trào nuôi thủy sản theo hướng an toàn sinh học đã phát triển mạnh. Trong đó các xã Cao Dương, Thanh Văn, Liên Châu, Tam Hưng là những điểm sáng từ khi áp dụng mô hình này. Từ khi chuyển đổi những chân ruộng trũng sang nuôi thủy sản theo hướng an toàn sinh học, kết hợp với những lớp tập huấn về NTTS đã giúp năng suất, chất lượng sản phẩm được cải thiện. Cùng đó, nhiều biện pháp quản lý ao mới đã được áp dụng vào mô hình như sử dụng chế phẩm sinh học để cải thiện môi trường nước ao, định kỳ hàng tháng trộn thuốc vào thức ăn cho cá để phòng bệnh, nuôi cá hoàn toàn bằng thức ăn công nghiệp viên nổi…

 

Hướng đi nào phù hợp

Để phát huy hiệu quả khi NTTS theo hướng an toàn sinh học, cần nhân rộng mô hình này, đồng thời, hướng người nuôi biết sử dụng chế phẩm sinh học trong NTTS, theo bà Vũ Thị Hương, người nuôi cần có cơ sở vật chất đầy đủ, như ao nuôi cần bảo đảm phù hợp, hệ thống ao có diện tích mặt nước đủ lớn… 

Còn theo Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Xuân Đại, Sở tiếp tục mở rộng các mô hình khuyến nông, sử dụng chế phẩm sinh học trong NTTS… Tuy nhiên, để đạt hiệu quả tối đa, các địa phương cần đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người dân về sử dụng chế phẩm trong NTTS. Phương pháp này không chỉ hạn chế dịch bệnh mà còn nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, tạo tiền đề cho khâu tiêu thụ thuận lợi…

Có thể thấy, để tăng giá trị và hiệu quả kinh tế trên đơn vị diện tích nuôi, tạo được sản phẩm thủy sản sạch, an toàn cho người tiêu dùng thì cần phải hình thành các vùng nuôi tập trung thâm canh theo hướng an toàn sinh học đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm là hướng phát triển ngay bây giờ.

>> Theo số liệu thống kê của Sở NN&PTNT Hà Nội, hiện nay, toàn thành phố có 23.400 ha mặt nước NTTS, trong đó có 4.300 ha diện tích nuôi tập trung, sản lượng đạt 78.482 tấn.  

Dương Thảo

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!