An toàn vệ sinh thực phẩm: Chìa khóa mở cửa thế giới

Chưa có đánh giá về bài viết

Thực tế hiện nay muốn đẩy mạnh xuất khẩu thì phải giảm giá thành, xây dựng thương hiệu…; nhưng nếu vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm không được cải thiện thì khó có thể thực hiện được điều này. An toàn vệ sinh thực phẩm cũng không chỉ có lợi cho xuất khẩu mà còn có lợi cho chính những người nông dân trên ruộng đồng.

                                                    Xuất khẩu thủy sản phải đáp ứng những yêu cầu chất lượng của nhà nhập khẩu   Ảnh: An Đăng

Xuất khẩu thủy sản phải đáp ứng những yêu cầu chất lượng của nhà nhập khẩu Ảnh: An Đăng

Siết chặt an toàn thực phẩm

Những năm gần đây, những vụ việc vi phạm an toàn thực phẩm trong lĩnh vực nông nghiệp nói chung, thủy sản nói riêng đã giảm đáng kể, niềm tin của người tiêu dùng cũng đang dần được khôi phục. Cùng đó, năm 2017 tiếp tục được Bộ NN&PTNT thực hiện năm cao điểm về an toàn thực phẩm. Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường đã ký Quyết định số 235/QĐ-BNN-QLCL ban hành Kế hoạch Năm cao điểm hành động vệ sinh, an toàn thực phẩm trong lĩnh vực nông nghiệp 2017. Mục tiêu chính là nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý vệ sinh an toàn thực phẩm; giảm thiểu ô nhiễm sinh học và tồn dư hóa chất, kháng sinh trong sản xuất kinh doanh nông sản thực phẩm, đáp ứng yêu cầu về an toàn thực phẩm cho tiêu dùng trong nước và mở rộng thị trường xuất khẩu.

Tính ra cả nước đã có hơn 50 tỉnh, thành xây dựng thành công 444 mô hình điểm chuỗi cung ứng nông, lâm, thủy sản truy xuất được nguồn gốc. Các doanh nghiệp lớn đều bắt tay tham gia. Kết quả kiểm tra cho thấy tỷ lệ cơ sở sản xuất kinh doanh nông, lâm, thủy sản đạt yêu cầu là 91,68% (tăng 12,4% so năm 2015).

Sự tham gia của nhà nước

“Khách hàng là thượng đế”, do vậy nếu sản phẩm nuôi trồng không tiêu thụ được hoặc tiêu thụ chậm, bắt buộc các nhà nuôi trồng phải thay đổi để tồn tại. Các nhà nhập khẩu đều khuyến cáo, để xuất khẩu tăng trưởng tốt, Việt Nam cần có những chính sách đồng bộ và quyết liệt từ nhà nước. Cụ thể, các ý kiến của chuyên gia châu Âu cho rằng, Chính phủ Việt Nam cần thực hiện chương trình kiểm soát an toàn vệ sinh, kiểm soát dư lượng chất độc hại ngay tại vùng nuôi. Rõ ràng việc chỉ tập trung kiểm soát chất lượng tại nhà máy chế biến và các kho lạnh là không đủ mạnh cũng như không tạo ra thói quen nuôi trồng bền vững tại các trang trại.

Thực chất, các sản phẩm nhập khẩu vào EU được kiểm soát trong toàn bộ quá trình chế biến thực phẩm với tiêu chuẩn chế biến tương đương với tiêu chuẩn mà EU áp dụng trong khu vực. Song, bên cạnh những vùng nuôi trồng tốt, những nhà máy chế biến uy tín thì việc nuôi trồng tự phát, thu gom qua thương lái và không làm chủ được vùng nguyên liệu đưa đến nguy cơ các nhà máy sử dụng nguồn nguyên liệu chưa đạt tiêu chuẩn các nước tiên tiến đề ra. Bởi vậy, việc kiểm soát chất lượng vệ sinh an toàn ngay tại ao nuôi, vùng nuôi sẽ giúp thay đổi được gốc rễ của vấn đề.

Lạc quan

Điểm yếu của ngành thủy sản Việt Nam là lợi nhuận thấp, do tỷ lệ nuôi tôm thành công của Việt Nam chỉ đạt 33 – 35%, bởi môi trường ô nhiễm, nhiều dịch bệnh (trong khi ở Indonesia, Ấn Độ… tỷ lệ nuôi thành công tới 70%); dịch bệnh nhiều, dẫn đến việc lạm dụng hóa chất và chất phụ gia, thuốc kháng sinh.

Ông Rick Gilmore, Chủ tịch Diễn đàn An toàn thực phẩm toàn cầu (GFSF) từng nhận xét: “Có quá ít thực phẩm của Việt Nam bán ra được chứng nhận an toàn” và đưa ra dẫn chứng thống kê trong giai đoạn 2014 – 2016, xuất khẩu tôm của Việt Nam vào Mỹ giảm 32% với trên 1.000 chuyến hàng bị từ chối do không đảm bảo an toàn. Qua trao đổi, nhiều trang trại và các công ty cũng cho rằng, Việt Nam còn quá ít các trung tâm kiểm định, thời gian kiểm định kéo dài, chi phí rất tốn kém. Do đó, nếu thực hiện việc kiểm soát các tiêu chí chất lượng ở từng ao nuôi và từng hộ trang trại là khó khả thi. Các hộ tham gia vào các chương trình kiểm định chất lượng quốc tế cũng tâm sự là họ phải làm việc rất mệt, chi phí tăng, trong khi giá sản phẩm bán ra không cao hơn là bao.

Các doanh nghiệp, trang trại cho rằng, cần phải thay đổi công tác kiểm định, đưa ra nhiều phương pháp kiểm tra nhanh, hoặc kiểm tra định kỳ để doanh nghiệp chuẩn bị. Ngoài ra, cũng cần kiện toàn bộ máy các hội, hiệp hội, hợp tác xã, để chính các tổ chức này kiểm tra, kiểm soát quy trình nuôi trồng của hội viên.

Nguyễn Anh

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!