T2, 06/07/2020 10:18

Anh hùng Lê Văn Kháng và món “chả cá” surimi

Chưa có đánh giá về bài viết

Anh hùng Lao động Lê Văn Kháng, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty CP Thủy sản và Xuất nhập khẩu Côn Đảo (Coimex), là người giàu sáng tạo và chính điều đó đã giúp ông lèo lái con tàu Coimex chinh phục thị trường châu Âu với món “chả cá” độc đáo.

Nặng tình với Côn Đảo

Ngành thủy sản là cái nôi của tư tưởng sáng tạo và đổi mới, và Lê Văn Kháng là một trong số đó. Ngành thủy sản mạnh dạn gắn bó với thị trường nên cũng trải qua rất nhiều biến động, gian nan. Với đặc thù một huyện đảo tiên phong trong nghề cá, ngành thủy sản Côn Đảo được Nhà nước đầu tư khá nhiều, và những năm 1980 ở đây nghề cá phát triển rất mạnh. Nhưng cái vỏ bao cấp cuối cùng đã vỡ ra khi chế độ sản xuất tập trung duy ý chí đã không thể nuôi nổi người làm nghề cá. Trong lúc cơ chế thị trường bung ra, không ít người rời bỏ các công ty nhà nước để tìm bến đỗ cho riêng mình, xây dựng những doanh nghiệp cho riêng mình, thì Lê Văn Kháng vẫn quyết tâm xây dựng và phát triển ngành cá cho Côn Đảo.

Năm 1992, Coimex được thành lập từ hai xí nghiệp đứng trên bờ vực giải thể là Xí nghiệp Vận tải và khai thác hải sản Bến Đầm và Công ty Sản xuất kinh doanh xuất nhập khẩu Côn Đảo. Coimex là doanh nghiệp thủy sản duy nhất còn lại của huyện đảo. Từ một doanh nghiệp bao cấp vào loại đàn anh của ngành, với đội tàu cá lớn và đội ngũ thuyền thợ lành nghề, lúc này cơ ngơi Coimex chỉ có 6 chiếc tàu đánh cá, trong đó 1 còn hoạt động, còn lại đều hư hỏng.  

>> Ngày 1/2/2013, ông Lê Văn Kháng, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty CP Thủy sản và Xuất nhập khẩu Côn Đảo (Coimex) đã được Nhà nước trao tặng Danh hiệu Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới về những thành tích đặc biệt xuất sắc trong lao động sáng tạo, góp phần vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Giám đốc Kháng đã mang tài sản cá nhân ra thế chấp ngân hàng để vay vốn sửa chữa, nâng cấp, mua thiết bị máy móc, để anh em có việc làm, và họ khởi sự từ tay trắng. Tài sản chỉ có niềm tin vào ngày mai, vào ngành cá và vào sức lao động của mình. Ông nói: “Lợi nhuận là cần thiết, nhưng kinh doanh trước hết để tạo công ăn việc làm cho người lao động, cùng chia sẻ lợi nhuận với cộng đồng. Đó chính là phương châm của chúng tôi”.

 

Tiết kiệm không vì riêng ai

Trong khi doanh nghiệp nào cũng gắng tìm những sản phẩm ngon nhất để xuất khẩu thì Tổng giám đốc Kháng nghĩ khác. Như người lính quý từng ngụm nước, ông thấy số lượng không nhỏ tôm cá đang bị coi rẻ và lãng phí. Đó là những loại phẩm cấp thấp, thường gọi là cá tạp, tính theo cân theo tạ, bán với giá rẻ, thậm chí làm phân bón. Chúng bị các nhà xuất khẩu loại thải, các chợ trong nước cũng không mặn mà. “Làm sao để biến cá tạp thành cá thương phẩm?” – Tổng giám đốc Kháng đã băn khoăn với câu hỏi ấy. Một câu hỏi không chỉ từ con mắt kinh doanh mà từ con mắt của người đã từng lăn lộn trên mặt biển mặn mòi và sản phẩm “Chả cá surimi” ra đời từ đó.

Trong tiếng Nhật, surimi là từ chỉ sản phẩm cá xay nhuyễn. Ngành chế biến cá xay nhuyễn có từ lâu nhưng thị trường còn khá hạn chế. Tuy vậy, với các nước phát triển đây lại là một sản phẩm tiềm năng. Tổng giám đốc Kháng đã quyết định nghiên cứu phát triển sản phẩm Surimi tại Việt Nam và trở thành nhà tiên phong, mở ra hướng tiêu thụ mới cho sản phẩm cá tạp.

Sản phẩm Surimi mô phỏng của Coimex

Còn nhớ những ngày đầu, Công ty đi thu mua hàng trăm tấn cá tạp ở các chợ cá về chế biến, với giá gấp 5 – 10 lần trước kia. Người ngư dân không còn phải buồn vì gặp những mẻ lưới nhiều cá tạp, phấn khởi và tin tưởng hơn trong những chuyến ra khơi. Với nguồn cung dồi dào, Công ty tập trung giải quyết công nghệ chế biến bằng việc tiếp thu những công nghệ tiên tiến nhất. Sản phẩm “chả cá” của Việt Nam thương hiệu surimi xuất đi từ Côn Đảo đã đến Nhật, Singapore; đồng thời, với khẩu vị độc đáo của surimi cũng như cách chế biến đặc biệt của Việt Nam đã sớm tạo nên uy tín cho sản phẩm “chả cá” đông lạnh Việt Nam và không bao lâu sau nó đã đến được thị trường châu Âu.

Niềm vui lớn

Đầu năm 2013, ở tuổi 64, Tổng giám đốc Lê Văn Kháng được phong Anh hùng Lao động, một danh hiệu mà theo nhiều người, ông xứng đáng được nhận từ nhiều năm trước. Lê Văn Kháng thường nói, niềm vui lớn nhất của ông không phải là ở danh hiệu mà bởi ông đã góp sức vào việc tiêu thụ sản phẩm của người dân làm ra. “Điều quan trọng nhất là chúng tôi đã giúp nông dân tiêu thụ hải sản của họ ngày càng nhiều hơn – Ông nói – Mỗi năm chúng tôi xuất khẩu được 24.000 tấn sumiri. Hãy tính xem, cứ 1 tấn thành phẩm thì cần tới 3 tấn nguyên liệu, điều đó giúp được ngư dân rất nhiều”.

Giám đốc Kháng là người cầu tiến, cầu thị và có tư duy khoa học, ông cho biết: Bên cạnh Coimex luôn có các chuyên gia quốc tế hàng đầu, với tinh thần sáng tạo, liên tục cải tiến để đáp ứng tốt nhất yêu cầu của khách hàng. Đang là công ty xuất khẩu cá xay nhuyễn thành công nhất Việt Nam, nhưng Công ty vẫn không ngừng hướng tới những thành tựu mới; năm 2013 Công ty sẽ mở thêm một nhà máy ở ĐBSCL và sẽ tiêu thụ thêm nhiều cá nguyên liệu ở vùng này.

>> Chia sẻ về bí quyết chinh phục người tiêu dùng châu Âu với món “chả cá” sumiri Việt Nam, Tổng Giám đốc Lê Văn Kháng nói: “Thật ra không có gì ghê gớm. Mình phải đặt mình vào tâm thế người tiêu dùng; hiểu được từng thị trường, người tiêu dùng ở đó đang cần gì, muốn gì, và đáp ứng thật tốt điều đó”.

Nguyễn Anh

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!