Astaxanthin/Canthaxanthin: Nhân tố ảnh hưởng đến màu sắc tôm

Chưa có đánh giá về bài viết

Màu sắc cơ thịt tôm đóng vai trò rất quan trọng trong việc tiêu thụ sản phẩm. Tôm nuôi có màu sắc đẹp, đồng đều khi thu hoạch sẽ bán được giá cao hơn, mang lại giá trị kinh tế lớn cho người nuôi. Vì vậy, trong quá trình nuôi, người nuôi đã bổ sung một lượng nhỏ Canthaxanthin/Astaxanthin vào thức ăn để tạo ra màu sắc của sản phẩm được người tiêu dùng ưa thích.

Astaxanthin (Ax) là một Carotenoid, được biết đến là các sắc tố màu đỏ thẫm và được tìm thấy trong rất nhiều loài sinh vật biển, đặc biệt là cá hồi, cá mú đỏ, tôm, krill hoặc tảo biển (Haematococcus pluvialis). Astaxanthin là một chất kháng ôxy hóa tự nhiên mạnh nhất, hơn hẳn các Carotenoid khác hoặc Vitamin E.

Canthaxanthin là sắc tố thuộc nhóm Carotenoid, được tổng hợp từ 2 nguồn là sinh tổng hợp và hóa tổng hợp. Sản phẩm sinh tổng hợp và hóa tổng hợp được nhiều quốc gia trên thế giới cho phép sử dụng trong NTTS và chăn nuôi. Tuy vậy, các sản phẩm Canthaxanthin sinh tổng hợp được ưa chuộng hơn do có mức độ an toàn cao với động vật nuôi và ít ảnh hưởng tới sức khỏe người tiêu dùng. Một trong những nguồn Canthaxanthin thiên nhiên lần đầu tiên được phân lập từ một loài nấm ăn được Cantharellus cinnabarinus (Haxo, 1950). Canthaxanthin cũng được sản xuất như carotenoid thứ cấp từ một số loài tảo xanh ở pha cuối của giai đoạn tăng trưởng. Nó cũng đã được tìm thấy trong vi khuẩn, một số loài giáp xác và các loài cá khác nhau bao gồm cá đối vàng Mugil auratus và cá tráp Diplodus annularis.

Bổ sung Canthaxanthin vào thức ăn nuôi cá hồi, tôm tạo nên màu sắc đỏ hồng cơ thịt và màu sắc sặc sỡ của cá cảnh. Làm tăng chất lượng trứng và tỷ lệ sống của cá bột của cá hồi vân, cá tráp đỏ và cá cam. Như vậy, Canthaxanthin không những có vai trò quan trọng trong dinh dưỡng động vật thủy sản mà còn góp phần tạo nên màu sắc đỏ, làm tăng giá trị thương mại và giá trị thẩm mỹ của sản phẩm thủy sản.

Astaxanthin được coi là chất màu chính trong vỏ và các cơ quan bên trong các loài giáp xác, chiếm 86 – 98% tổng lượng Carotenoid và được chứng minh là có vai trò trong việc tạo màu sắc hấp dẫn của tôm khi chế biến. Các thử nghiệm cho thấy, khi bổ sung vào thức ăn cho tôm cùng hàm lượng 100 ppm gồm Astaxanthin, Canthaxanthin và hỗn hợp Astaxanthin – Canthaxanthin. Kết quả, chế độ ăn bổ sung Astaxanthin cho phép tích lũy Carotenoid trong vỏ cao hơn 128% so với Canthaxanthin và cao hơn hỗn hợp Astaxanthin – Canthaxanthin là 135%. Động vật thủy sản nói chung và tôm nói riêng không có khả năng tự tổng hợp Astaxanthin/Canthaxanthin nên muốn tạo nên sản phẩm có màu sắc hấp dẫn làm tăng tính thẩm mỹ và giá trị thương mại, trong điều kiện nuôi thâm canh, việc bổ sung Astaxanthin/Canthaxanthin qua thức ăn là giải pháp cần thiết và hiệu quả. Ngoài tự nhiên, động vật thủy sản hấp thụ Canthaxanthin khi ăn tảo biển, động vật phù du, giáp xác (tôm, cua, ghẹ…).

Để bổ sung Astaxanthin/Canthaxanthin vào thức ăn là việc không dễ. Giải pháp hữu hiệu nhất trong nuôi tôm là nuôi được tảo và giữ mật độ tảo biển cần thiết đủ cung cấp Astaxanthin/Canthaxanthin cho tôm. Nuôi tôm sinh thái, nuôi bán thâm canh mật độ tảo biển có khả năng cung cấp Astaxanthin/Canthaxanthin cho tôm. Nhưng nuôi thâm canh đặc biệt nuôi siêu thâm canh không có khả năng cung cấp Astaxanthin/Canthaxanthin đủ cho tôm. Giải pháp hữu hiệu nuôi được tảo và giữ mật độ tảo biển cần thiết là phải cung cấp đủ khoáng vi lượng, áp dụng đúng quy trình nuôi tôm.

TS Bùi Quang Tề

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!