Bà Rịa – Vũng Tàu: Ngành nông nghiệp chủ đồng ứng phó bão số 9

Chưa có đánh giá về bài viết

Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh và từ Văn phòng Ban chỉ huy PCTT&TKCN, về việc chỉ đạo các đơn vị và địa phương chủ động sẵn sàng ứng phó cơn bão số 9 có tên quốc tế Usagi, dự kiến đổ bộ vào khu vực từ Ninh Thuận đến Bà Rịa – Vũng Tàu, ngành nông nghiệp Bà Rịa – Vũng Tàu đang tích cực ứng phó.

Theo số liệu chính thức từ Chi cục Thủy sản Bà Rịa – Vũng Tàu, hiện trên địa bàn tỉnh có 5.900 tàu thuyền khai thác thủy sản, 400 cơ sở nuôi trồng lồng bè với 11.361 lồng chủ yếu các cơ sở nuôi các loài cá biển có giá trị kinh tế cao như cá giò (bớp), cá chẽm (vược), cá mú (song), cá chim trắng vây vàng, cá hồng, cá đù mỹ… và hàu. Trước tình hình bão dự kiến sẽ đổ bộ và ảnh hưởng trực tiếp đến địa phương, ngành nông nghiệp tỉnh đã nhanh chóng triển khai một số biện pháp khẩn cấp đến các tổ chức cá nhân nuôi trồng thủy sản một số biện pháp chủ động sẵn sàng ứng phó với bão số 9 trên Biển Đông, cụ thể như sau:

1. Đối với ao, đầm nuôi trồng thủy sản:

– Đề nghị người dân khẩn trương thu hoạch thủy sản nuôi đạt kích cỡ thương phẩm hoặc gần đến kích cỡ thương phẩm có thể xuất bán.

– Kiểm tra và gia cố chòi canh, gia cố bờ ao chắc chắn có khả năng chống chịu khi mưa lũ lớn, phát quang cây xung quanh bờ ao/đầm.

– Chuẩn bị đầy đủ các trang thiết bị, cơ sở vật chất, nguyên vật liệu như (lưới, đăng chắn, dụng cụ cọc tre, cuốc xẻng, máy phát điện, mô tơ quạt nước, tàu thuyền, phao cứu sinh…) để chủ động gia cố sửa chữa hệ thống bờ, cống.

– Đặt lưới chắn xung quanh bờ (độ cao lưới 40 – 50cm, ghim sâu 20 – 30cm dưới mặt đất) nhằm phòng chống giảm thất thoát thủy sản ra ngoài khi nước tràn bờ và chủ động nạo vét, khơi thông cống, rãnh, kênh mương đảm bảo thoát nước tốt khi xảy ra mưa lũ.

– Thường xuyên kiểm tra các yếu tố môi trường ao nuôi, sức khỏe thủy sản nuôi để có biện pháp xử lý kịp thời.

2. Đối với nuôi trồng thủy sản lồng, bè:

– Khẩn trương thu hoạch thủy sản nuôi khi đạt hoặc gần đạt kích cỡ thương phẩm có thể xuất bán.

– Kiểm tra, gia cố hệ thống dây neo, hệ thống phao lồng, lưới lồng nuôi, các công trình phụ như nhà ở, nhà kho, tàu thuyền… để đảm bảo an toàn và sức chống chịu khi có mưa to gió lớn.

– Chuẩn bị sẵn đủ số lưới che chắn mặt lồng nuôi nhằm không để thủy sản nuôi lọt ra ngoài khi có thiên tai, chủ động vệ sinh lồng sạch sẽ, thông thoáng để nước lưu thông tốt, bố trí neo đậu tuân thủ nghiêm các yêu cầu về phòng chống lụt bão của cơ quan quản lý và địa phương.

– Đề nghị các tổ tự quản sẵn sàng các phương án ứng phó, hỗ trợ nhau giữa các thành viên. Chuẩn bị sẵn các loại trang thiết bị, vật liệu và dụng cụ như máy phát điện, dầu chạy máy, quạt nước, tàu thuyền, phao cứu sinh đủ dùng cho người lao động trên bè nhằm đối phó kịp thời với các loại hình thời tiết xấu có thể xảy ra.

3. Đối với nuôi nhuyễn thể tại các địa phương ven biển:

– Nhanh chóng thu hoạch nhuyễn thể nuôi đã đạt hoặc gần đạt kích cỡ thương phẩm.

– Cần gia cố chắc chắn lưới, đăng chắn tránh để ngao/nghêu thất thoát, gia cố các chòi canh, kiểm tra và gia cố phao, neo đối với các nhà tạm trên các bè hàu, đảm bảo an toàn cho người lao động ở trên chòi, chấp hành nghiêm lệnh của ban chỉ huy phòng chống lụt bão, của chính quyền địa phương và cơ quan chuyên môn về lệnh sơ tán người lao động về nơi trú ẩn an toàn trong đất liền khi có thiên tai.

Hữu Thi

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!