Bạc Liêu: Chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu

Chưa có đánh giá về bài viết

Năm 2017 là năm Bạc Liêu phải đương đầu với nhiều khó khăn, thách thức, do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu (BĐKH). Những tác động tiêu cực ấy đã làm ảnh hưởng đến sản xuất, sinh hoạt của nhiều hộ dân và sự phát triển bền vững của tỉnh. Một trong những giải pháp quan trọng của tỉnh năm 2018 là chủ động ứng phó và tích cực thực hiện Nghị quyết 04 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về tăng cường ứng phó với BĐKH, phòng chống thiên tai (PCTT) đến năm 2020.

Triều cường gây ngập khu dân cư khu vực ven biển huyện Hòa Bình.

Triều cường gây ngập khu dân cư khu vực ven biển huyện Hòa Bình.

Với vị trí giáp biển, nên Bạc Liêu năm qua bị ảnh hưởng nặng nề từ triều cường dâng cao, nhất là tình trạng sạt lở ở những khu vực trọng yếu ven biển Bạc Liêu. Cụ thể trong những tháng đầu năm 2017, triều cường kết hợp với gió mạnh đã gây vỡ kè, sạt lở kè trên nhiều đoạn tại khu vực ven biển của huyện Đông Hải và TP. Bạc Liêu, làm hư hại nghiêm trọng các công trình hạ tầng, công trình phục vụ sản xuất và phải cần đến hàng trăm tỷ đồng để đầu tư nâng cấp, khắc phục. UBND tỉnh phải công bố lệnh khẩn cấp về thiên tai gây sạt lở nghiêm trọng, uy hiếp an toàn của người dân ở khu vực kè ven biển Bạc Liêu.

Cũng trong năm qua, đã xuất hiện nhiều đợt mưa kèm theo lốc xoáy làm sập và tốc mái 114 căn nhà, gây sạt lở đường giao thông về xã Hưng Thành (huyện Vĩnh Lợi)… Đặc biệt, nhiều vùng sản xuất bị động và làm xáo trộn lịch thời vụ do thiếu nước phục vụ phát triển sản xuất, nhiều tuyến đường chính ở các huyện, thị xã, thành phố thường bị ngập mỗi khi mưa lớn, triều cường dâng cao… Những tác động ấy đã gây thiệt hại nặng nề và ảnh hưởng không nhỏ đến phát triển sản xuất.

Nông dân huyện Hồng Dân thu hoạch tôm, cá đồng từ mô hình lúa - tôm. Ảnh: L.D

Nông dân huyện Hồng Dân thu hoạch tôm, cá đồng từ mô hình lúa – tôm. Ảnh: L.D

Theo kịch bản BĐKH của tỉnh Bạc Liêu, dự đoán đến năm 2050, nếu mực nước biển tăng từ 22 – 30cm sẽ có khoảng 180.113ha bị ngập, chiếm 69,4% tổng diện tích tự nhiên của tỉnh và nếu lấy ngưỡng mặn 4%o thì toàn tỉnh sẽ có khoảng 74,6% diện tích tự nhiên bị ảnh hưởng từ xâm nhập mặn.

Với thế mạnh kinh tế chủ yếu là sản xuất nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản, việc chủ động các giải pháp ứng phó không chỉ là vấn đề mang tính sống còn, mà còn cần đến những tư duy đột phá mới. Đó chính là biến các khó khăn, thách thức thành thời cơ thông qua việc tái cơ cấu và thay đổi mô hình tăng trưởng. Đồng thời, mạnh dạn thay đổi, bổ sung quy hoạch, thậm chí xây dựng cả quy hoạch mới gắn với việc chủ động và thích ứng với quá trình BĐKH, nhất là tình trạng xâm nhập mặn, nước biển dâng. Thực tiễn cũng đã chứng minh khả năng thích ứng này bằng việc Bạc Liêu đã quy hoạch sản xuất ở những vùng chuyển đổi và mạnh dạn thay cây lúa bằng con tôm, phát triển mạnh mô hình lúa – tôm ở vùng ngọt, nhằm tăng khả năng thích ứng. Mạnh dạn chuyển đổi từ mô hình trồng lúa ở những vùng sản xuất kém hiệu quả, cho năng suất thấp vì nhiễm mặn sang nuôi trồng thủy sản mà con tôm là đối tượng nuôi chủ lực…

Kim Trung

Bạc Liêu

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!