Bạc Liêu: Người nuôi tôm đối mặt với nhiều khó khăn

Chưa có đánh giá về bài viết

Trước đây, nuôi tôm thâm canh, siêu thâm canh được xem là mô hình đem lại thu nhập cao cho người dân. Tuy nhiên, những năm gần đây, tôm nuôi gặp nhiều rủi ro do dịch bệnh, tôm nguyên liệu liên tục rớt giá, chi phí đầu vào tăng cao… Từ đó đẩy nhiều hộ nuôi tôm vào cảnh khó khăn.


Ông Kim Văn Tiêu (giữa), Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia tham quan mô hình nuôi tôm siêu thâm canh của một hộ dân ở huyện Hòa Bình.

Tôm nuôi liên tục bị dịch bệnh

Toàn tỉnh hiện có 125.859 ha nuôi trồng thủy sản, trong đó, diện tích nuôi tôm là 114.599 ha. Hình thức nuôi tôm thâm canh, siêu thâm canh đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Đó là ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, áp thấp nhiệt đới, bão diễn ra với tần suất nhiều hơn và cường độ ảnh hưởng lớn hơn; môi trường nước bị ô nhiễm do việc xả thải trực tiếp từ các ao nuôi tôm; tình hình dịch bệnh vẫn còn diễn biến phức tạp; chất lượng con giống, vật tư đầu vào khó kiểm soát triệt để; kết cấu hạ tầng nhiều nơi vẫn chưa đáp ứng, đặc biệt là hệ thống điện; nguồn vốn để người dân đầu tư sản xuất còn hạn chế. Với những khó khăn này, mô hình nuôi tôm thâm canh, siêu thâm canh phát triển chậm, chưa tương xứng với tiềm năng và lợi thế của tỉnh; năng suất thu hoạch không đồng đều ở các địa phương; sản lượng tôm nuôi giữa các mô hình không có nhiều khác biệt.

Ông Nguyễn Bá Phụng (xã Vĩnh Hậu, huyện Hòa Bình) chia sẻ: “Khoảng 2 – 3 năm nay, người nuôi tôm gặp rất nhiều khó khăn. Một số hộ nuôi tôm siêu thâm canh xả thải trực tiếp ra môi trường làm nguồn nước ô nhiễm; tôm nuôi liên tục bị dịch bệnh; giá tôm nguyên liệu biến động trong khi chi phí đầu vào như thức ăn, thuốc thủy sản, giá điện… liên tục tăng. Giờ đây, bà con chỉ nuôi tôm cầm chừng chứ không ai tính chuyện làm ăn lớn”.

Theo thống kê của ngành Nông nghiệp tỉnh, diện tích nuôi trồng thủy sản trong tháng 8/2019 bị thiệt hại trên 5.300 ha (thiệt hại khá cao so với cùng kỳ năm ngoái). Tôm bị thiệt hại chủ yếu ở giai đoạn 35 – 80 ngày tuổi chiếm hơn 3.000 ha. Nguyên nhân là do ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng thời tiết, bệnh phân trắng, bệnh hoại tử gan tụy cấp, bệnh đốm trắng…

Trước tình hình trên, tỉnh đã ban hành nhiều giải pháp, định hướng phát triển nuôi tôm thâm canh, siêu thâm canh. Đó là tăng cường công tác kiểm tra, giám sát chất lượng thức ăn, hóa chất, vật tư nuôi trồng thủy sản, đảm bảo sản phẩm đạt chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm, đáp ứng nhu cầu của thị trường. Giám sát, xử lý để giảm thiểu các nguồn xả thải ảnh hưởng môi trường nuôi tôm; tăng cường công tác giám sát, phòng ngừa dịch bệnh; hướng dẫn người dân thực hiện tốt các quy định về quản lý, phòng ngừa khi có dịch bệnh xảy ra, kiên quyết không để dịch bệnh lây lan diện rộng.


Người dân xã Vĩnh Hậu (huyện Hòa Bình) phản ánh về việc nguồn nước bị ô nhiễm do hộ nuôi tôm thâm canh xả thải. Ảnh: C.L

 

Cần sự đồng hành từ ngành chức năng

Để gỡ khó cho nông dân, thiết nghĩa các đơn vị chuyên môn tăng cường hơn nữa các giải pháp như: tập huấn kỹ thuật, chuyển giao công nghệ cho người dân, đẩy mạnh việc nhân rộng mô hình nuôi tôm có hiệu quả, nhất là mô hình nuôi tôm thâm canh, siêu thâm canh áp dụng quy trình tuần hoàn khép kín; nuôi tôm 2 giai đoạn… Hướng dẫn người nuôi áp dụng các tiêu chuẩn về chất lượng trong nuôi tôm như VietGAP, GlobalGAP, ASC… để nâng cao chất lượng sản phẩm, đáp ứng yêu cầu về an toàn vệ sinh thực phẩm. Khuyến khích và tạo điều kiện cho các cơ quan, doanh nghiệp đầu tư nghiên cứu nâng cao chất lượng giống, các biện pháp giảm thiểu ô nhiễm môi trường và phòng ngừa dịch bệnh; ứng dụng các công nghệ nuôi hiệu quả, thân thiện môi trường như Biofloc, nuôi kết hợp với cá rô phi, sử dụng chế phẩm vi sinh học. Thực hiện tốt công tác thông tin, dự báo về thị trường, giá cả, những cảnh báo về rào cản kỹ thuật, thương mại của các nước nhập khẩu. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam – chi nhánh tỉnh cần tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo các ngân hàng thương mại trên địa bàn thực hiện tốt việc cho vay tín dụng thông qua liên kết chuỗi giá trị theo quy định tại Điều 14, Nghị định 55/NĐ-CP của Chính phủ về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp – nông thôn, tạo điều kiện cho người dân tiếp cận nguồn vốn để tái sản xuất…

Ông Kim Văn Tiêu, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, cho rằng: “Bạc Liêu là tỉnh có tiềm năng và thế mạnh để phát triển nghề nuôi tôm thâm canh, siêu thâm canh. Để mô hình này phát triển và phát triển bền vững, ngoài yếu tố tự nhiên, tỉnh cần đồng hành cùng bà con nuôi tôm ngay từ khi bắt tay vào vụ (chọn quy trình nuôi, cải tạo ao vuông, chọn giống, hướng dẫn kỹ thuật…). Bên cạnh đó, kiểm soát tốt khâu đầu vào để giúp người nuôi tôm có một vụ mùa thành công”.

Sau hơn một năm thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc xây dựng Bạc Liêu trở thành trung tâm công nghiệp ngành tôm cả nước, nghề nuôi tôm tại Bạc Liêu đã có bước phát triển đáng kể. Song, để ngành nuôi tôm phát triển bền vững, rất cần sự đồng hành, những định hướng kịp thời của ngành chức năng để người dân có thể làm giàu từ con tôm.

Chí Linh

Theo Báo Bạc Liêu

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!