Bạc Liêu với kinh nghiệm quản lý nuôi tôm thẻ chân trắng

Chưa có đánh giá về bài viết

Ông Lương Ngọc Lân (ảnh), Giám đốc Sở NN&PTNT Bạc Liêu trao đổi với phóng viên Tạp chí Thủy sản Việt Nam về những kinh nghiệm của tỉnh này trong quản lý sản xuất tôm thẻ chân trắng.

Thời gian qua, tôm thẻ chân trắng (TTCT) không chỉ được nuôi ở vùng nam quốc lộ 1A, mà còn phát triển ồ ạt tại vùng nuôi tôm quảng canh cải tiến (QCCT), tôm – lúa… Nhận định của ông về điều này?

Từ năm 2008 đến 2011, diện tích nuôi TTCT mỗi năm tăng vài trăm ha. Đến năm 2012, diện tích TTCT theo hình thức TC – BTC tăng lên 1.300 ha. Đặc biệt, năm 2013 diện tích này phát triển nhanh chóng cả vùng nam, vùng bắc quốc lộ 1A của tỉnh Bạc Liêu trên 13.000 ha, tăng 10 lần so với năm 2012.

Nguyên nhân của tình trạng này: Thứ nhất, cuối năm 2012, dịch bệnh trên TTCT ở một số nước bùng phát, dẫn đến nguồn cung khan hiếm; giá thương phẩm được đẩy lên, kích thích người dân đầu tư nuôi đối tượng này. Thứ hai, TTCT có thời gian nuôi ngắn (2,5 – 3 tháng), giúp nông dân thu hồi vốn nhanh. Thứ ba, khả năng thích ứng môi trường của TTCT tốt. Thứ tư, năm 2013 trên địa bàn tỉnh tình hình dịch bệnh đối với tôm nuôi nước lợ tương đối ổn định nên người dân rất yên tâm đầu tư phát triển diện tích nuôi.

 

Trước tình trạng nuôi TTCT ồ ạt như hiện nay, ngành nông nghiệp có nắm được diện tích, cũng như dự báo được diện tích này sẽ tăng thế nào?

Đầu năm 2013, Sở NN&PTNT đã báo cáo Bộ NN&PTNT và xin ý kiến các viện, trường, về việc phát triển nuôi TTCT tại Bạc Liêu; Đồng thời, ban hành nhiều công văn chỉ đạo các địa phương dự báo khả năng phát triển nhanh diện tích nuôi TTCT và tăng cường quản lý hoạt động nuôi. 4 tháng đầu năm 2014, diện tích nuôi TTCT đã tăng 15.000 ha; trong đó, 4.000 ha nuôi tôm TC – BTC ở vùng nam quốc lộ 1A và gần 11.000 ha nuôi theo hình thức QCCT kết hợp vùng bắc quốc lộ 1A. Phần lớn người dân chỉ nuôi TTCT xen canh tôm sú, hoặc nuôi luân canh trên cùng đơn vị diện tích được quy hoạch nuôi tôm nước lợ; chưa xảy ra tình trạng người dân tự phát chuyển đổi diện tích trồng lúa sang nuôi TTCT… Do đó, không thể xảy ra việc phá vỡ quy hoạch. Tuy nhiên, vấn đề này được chúng tôi đặc biệt quan tâm.

 

TTCT được ngành NN&PTNT quy hoạch thế nào? Diện tích nuôi ngoài vùng quy hoạch sẽ bị xử lý ra sao?

Thực hiện quy hoạch sản xuất nông, lâm, diêm nghiệp và thủy sản tỉnh Bạc Liêu đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030 thì TTCT được quy hoạch cho phép nuôi ở vùng nuôi tôm TC – BTC ở phía Nam quốc lộ 1A. Đối với diện tích nuôi TTCT vùng bắc quốc lộ 1A bùng phát như hiện nay, ngành NN&PTNT tỉnh không khuyến khích phát triển. Chúng tôi đang tăng cường tuyên truyền cho người dân hiểu về đặc điểm thích nghi, điều kiện sống của TTCT; người dân cần tăng kiểm soát, trường hợp người dân đang nuôi, tránh lây lan ra môi trường, ảnh hưởng đến điều kiện sinh thái cả vùng. Cùng đó, ngành NN&PTNT sẽ theo dõi sát tình hình, đồng thời khuyến cáo các rủi ro có thể xảy ra cho người dân biết. Với diện tích người dân đã thả nuôi, Sở sẽ chỉ đạo các đơn vị trực thuộc tăng cường quản lý chất lượng đầu vào (giống, thức ăn, thuốc thú y thủy sản, thuốc xử lý môi trường…), nhằm hạn chế rủi ro, nâng cao hiệu quả sản xuất.

Mặt khác, để nuôi TTCT hiệu quả, cần rà soát, điều chỉnh lại theo quy hoạch; tránh tình trạng tự phát, dẫn đến nhiều rủi ro, thiệt hại. Tiếp tục triển khai xây dựng các công trình thủy lợi, tăng cường đầu tư cơ sở hạ tầng cho vùng nuôi tôm. Định hướng cho người nuôi tôm xây dựng các tổ, đội sản xuất, áp dụng mô hình quản lý cộng đồng, nhằm hỗ trợ, giúp đỡ nhau trong sản xuất.

>> Năm 2014, tỉnh Bạc Liêu sẽ phát triển diện tích nuôi tôm công nghiệp khoảng 16.000 ha; trong đó cơ cấu nuôi TTCT chỉ chiếm 30% so tôm sú. Tuy nhiên, tính đến tháng 4/2014, diện tích nuôi TTCT đã chiếm hơn 60% cơ cấu nuôi trồng, tập trung ở huyện Đông Hải, Hòa Bình và TP Bạc Liêu.

Trần Thiện (ghi)

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!