T2, 06/07/2020 01:19

Bài học kinh nghiệm từ nghề cá Na Uy

Chưa có đánh giá về bài viết

Mới đây, trong một cuộc trao đổi với phóng viên Tạp chí Thủy sản Việt Nam, ông Christian Wormstrand, Giám đốc Chuyên môn Cục Khai thác và Nuôi trồng Thủy sản Na Uy đã chia sẻ những vấn để của nghề cá nước này như một kinh nghiệp với ngành thủy sản nước ta.

Ngành công nghiệp khai thác đã và đang là một ngành kinh doanh rất quan trọng ở Na Uy

Theo ông Christian Wormstrand, ngành công nghiệp khai thác đã và đang là một ngành kinh doanh rất quan trọng ở Na Uy. So với trước đây, số lượng ngư dân và tàu cá của Na Uy đã giảm đi nhiều. Na Uy có khoảng dưới 10.000 ngư dân chuyên đánh bắt quanh năm, số lượng người làm việc tại các cơ sở trên bờ cũng khoảng 10.000 người. Cả nước hiện có khoảng 6.000 tàu đánh bắt thương mại; trong đó có hơn 200 tàu chuyên đánh bắt xa bờ; sản lượng khai thác của đội tàu đánh bắt xa bờ chiếm khoảng 2/3 tổng sản lượng đánh bắt ở Na Uy.

Ông Christian Wormstrand cho rằng, sở dĩ số lượng ngư dân và tàu đánh cá giảm xuống thấp như hiện nay một phần là nhờ chính sách mà Chính phủ Na Uy áp dụng trong nhiều năm qua nhằm đảm bảo khả năng sinh lợi và tính bền vững của ngành thủy sản. Nhờ đó, thu nhập cao và lợi nhuận lớn đã trở thành đặc điểm của ngành thủy sản Na Uy.

Đặc điểm của hệ thống quản lý thủy sản ở Na Uy là sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan quản lý chuyên ngành, các nhà khoa học và hiệp hội ngư dân. Đây được coi là yếu tố quan trọng đảm bảo hoạt động quản lý chuyên ngành liên tục của nhà nước và thực hiện thành công các mục tiêu cơ bản là đảm bảo bền vững sinh thái, lợi nhuận và công ăn việc làm cho người dân.

Có một sự khác biệt lớn giữa các tàu cá của Na Uy, đó là có những tàu được trang bị công nghệ rất tiên tiến, ngư cụ phát triển với mức độ chuyên môn hóa cao. Các đội tàu đánh bắt xa bờ chủ yếu sử dụng lưới kéo tầng đáy, kéo nổi và kéo vây. Còn các đội tàu đánh bắt ven bờ thì sử dụng các ngư cụ truyền thống.

Thông thường, các chủ tàu thường lắp đặt hệ thống nước biển được làm lạnh (RSW) trên tàu để bảo quản hải sản khai thác. Đây là một phương pháp hiệu quả và tiết kiệm chi phí để bảo quản sản phẩm đánh bắt trước khi chế biến. Các hệ thống RSW đảm bảo việc làm mát sản phẩm đánh bắt gần với điểm đóng băng của nước biển, do đó có thể đảm bảo độ tươi và chất lượng của sản phẩm trong quá trình vận chuyển.

Những công nghệ này cũng có thể phù hợp với Việt Nam, nhưng có lẽ các cơ quan quản lý chuyên ngành và chủ tàu của Việt Nam sẽ là người đưa ra quyết định về việc sử dụng công nghệ nào.

Theo kinh nghiệm của Na Uy, tính bền vững phụ thuộc vào khả năng của Chính phủ trong việc xúc tiến một cơ chế quản lý hiệu quả nghề cá, tốt nhất là hợp tác với chính các ngư dân. Cơ chế quản lý đó phải bao gồm các nội dung cơ bản như: Nghiên cứu khoa học, biện pháp quản lý, kiểm soát và giám sát hiệu quả mọi hoạt động đánh bắt. Một hệ thống chế tài công bằng và hiệu quả để xử lý vi phạm cũng là yếu tố quan trọng.

“Nếu một hệ thống quản lý bao gồm tất cả những yếu tố nói trên, tính bền vững của ngành thủy sản sẽ được đảm bảo. Điều này đúng với cả Na Uy và Việt Nam”, ông Christian Wormstrand khẳng định.

Hồng Thắm (Ghi)

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!