T2, 06/07/2020 02:00

Bàn giải pháp bảo vệ nguồn lợi thủy sản

Chưa có đánh giá về bài viết

Trước tình trạng nguồn lợi thủy sản đang bị suy giảm nghiêm trọng do nhiều nguyên nhân, ngày 19/12, tại Hà Nội, Bộ NN&PTNT tổ chức Hội nghị Bàn giải pháp thực hiện bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản theo Luật Thủy sản năm 2017.

Ông Lê Trần Nguyên Hùng, Phó Vụ trưởng Vụ Bảo tồn và Phát triển nguồn lợi thủy sản (Tổng cục Thủy sản) cho biết, Việt Nam được đánh giá là một trong 16 quốc gia có đa dạng sinh học cao trên thế giới với khoảng hơn 11.000 loài sinh vật; Cùng đó là đa dạng về cảnh quan tự nhiên, sinh thái và nguồn lợi hải sản, đóng vai trò quan trọng cho hoạt động khai thác hải sản, phát triển ngành kinh tế biển nói chung, kinh tế thủy sản nói riêng.

Tính đến ngày 30/9/2019, tổng số tàu cá cả nước là 96.609 chiếc đang hoạt động với tổng công suất trên 10 triệu CV; sản lượng khai thác đạt 3,59 triệu tấn; kim ngạch xuất khẩu toàn ngành đạt 9 tỷ USD (năm 2018). Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, ngành thủy sản Việt Nam cũng phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức như suy giảm nguồn lợi thủy sản ở cả vùng biển và vùng nội địa; ô nhiễm rác thải nhựa, môi trường nước, môi trường sống của các loài thủy sản do sự phát triển của một số ngành kinh tế (công nghiệp, du lịch…); suy thoái hệ sinh thái thủy sinh như: hệ sinh thái san hô, hệ sinh thái cỏ biển…

Toàn cảnh hội thảo

Để bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản, ông Lê Trần Nguyên Hùng đề ra một số giải pháp: Tổ chức nghiên cứu, xây dựng chính sách thực hiện đồng quản lý trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản; chính sách về bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản theo quy định pháp luật. Đồng thời, đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền sâu rộng bằng nhiều hình thức đến các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động trong lĩnh vực thủy sản; trong đó tập trung tuyên truyền đối với các cá nhân, tổ chức được giao quản lý nguồn lợi thủy sản, người dân làm nghề khai thác thủy sản tự nhiên, đặc biệt là những người dân làm nghề khai thác thủy sản trái phép như xung điện, chất nổ, chất độc, giã cào. Tổ chức cho ngư dân ký cam kết tuân thủ quy định pháp luật trong khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản; chủ cơ sở thu mua, chế biến, kinh doanh thủy sản cam kết không buôn bán, nuôi nhốt các loài thủy sinh nguy cấp, quý, hiếm có nguy cơ tuyệt chủng. Song song đó, cần tăng cường đào tạo cán bộ có chuyên môn nhằm kiện toàn hệ thống kiểm ngư, thanh tra, kiểm tra, giám sát các hoạt động liên quan đến công tác bảo vệ nguồn lợi thủy sản đồng bộ từ trung ương đến địa phương…

Bà Nguyễn Thu Huệ, Giám đốc Trung tâm bảo tồn sinh vật biển và phát triển cộng đồng, cho rằng: Quản lý nghề cá dựa vào hệ sinh thái là công cụ hỗ trợ phát triển bền vững và tạo ra các lợi ích về mặt sinh thái một cách tối đa trong các khu vực có hoạt động nghề cá. Việc quản lý dựa vào hệ sinh thái cần thông qua tăng cường năng lực và thể chế quản lý nguồn lợi ven bờ; tăng cường phục hồi hệ sinh thái và sáng kiến sinh kế bền vững.

PGS.TS Nguyễn Chu Hồi, Đại học Quốc gia Hà Nội cũng đưa ra một số khuyến nghị nhằm bảo vệ và nâng cao hiệu quả quản lý các khu bảo tồn biển. Theo đó, Bộ NN&PTNT, trực tiếp là Tổng cục Thủy sản cần xây dựng một đề án huy động nguồn lực từ Chính phủ, hợp tác quốc tế để “quản lý hiệu quả và mở rộng hệ thống khu bảo tồn biển đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”, góp phần thực hiện thành công Chiến lược biển 2030, Luật Thủy sản năm 2017.

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến phát biểu tại Hội nghị

Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến cho rằng, công tác bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản đã đạt được một số kết quả. Tuy nhiên, vẫn còn một số tồn tại, hạn chế như: đội ngũ cán bộ làm công tác bảo tồn, bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản còn thiếu, hạn chế về chuyên môn và kinh nghiệm; số lượng tàu cá khai thác thủy sản nhiều, chưa kiểm soát được cường lực khai thác phù hợp với khả năng cho phép của nguồn lợi; điều tra, nghiên cứu khoa học về nguồn lợi hải sản biển sâu chưa được triển khai. Một số địa phương mới chỉ quan tâm đến khai thác nguồn lợi thủy sản để phát triển kinh tế, du lịch mà chưa chú trọng đến bảo vệ, bảo tồn, phục hồi và tái tạo nguồn lợi thủy sản, các hệ sinh thái thủy sinh là nơi cư trú của thủy sản. Hướng dẫn kỹ thuật trong hoạt động cứu hộ các loài nguy cấp, quý, hiếm còn thiếu; các trung tâm cứu hộ chưa được xây dựng. Tình trạng khai thác, buôn bán, tiêu thụ trái phép các loài thủy sản nguy cấp, quý, hiếm vẫn còn diễn ra ở một số địa phương.

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến đề nghị, thời gian tới, yêu cầu UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; các đơn vị thuộc Bộ nỗ lực thực hiện tốt các nhiệm vụ để đạt mục tiêu bảo tồn 6% diện tích toàn vùng biển theo Nghị Quyết 36 của Trung ương về phát triển bền vững kinh tế biển.

Phương Ngọc

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!