T2, 06/07/2020 12:53

Băn khoăn lao động nghề biển

Chưa có đánh giá về bài viết

Lao động nghề biển chủ yếu theo kiểu cha truyền con nối, thậm chí nhiều người biết nghề trước cả biết chữ nên chuyện đón con nước, hướng gió, đến chuyện “nghe cá” thả câu họ thuộc nằm lòng. Tuy giỏi nghề truyền thống, nhưng lực lượng này ở thời điểm hiện tại không có nhiều cơ hội “mở mang” công nghệ đánh bắt mới nhằm tăng năng suất và giá trị sản phẩm.

Tàu cá đã hiện đại, nhưng trình độ lao động của ngư dân vẫn chưa cải thiện

Tàu cá đã hiện đại, nhưng trình độ lao động của ngư dân vẫn chưa cải thiện

Chất lượng lao động thấp

Những năm gần đây, sản lượng khai thác thủy sản ở Khánh Hòa liên tục tăng, năm sau luôn cao hơn năm trước. Nếu năm 2009 đạt hơn 74.300 tấn, đến năm 2016 tăng lên 89.350 tấn và chỉ trong 6 tháng đầu năm 2017 ước đạt 53.000 tấn. Mặc dù vậy, điều khiến ngành chức năng lo lắng chính là trình độ lao động của ngư dân vẫn còn rất thấp, chưa theo kịp với định hướng hiện đại hóa tàu cá. Trong khi đó, lực lượng lao động tri thức, được đào tạo bài bản trong ngành đánh bắt, khai thác ngày một ít dần. Chất lượng nguồn lao động trên biển đang trở thành vấn đề bức thiết, bởi phần lớn ngư dân vẫn đánh bắt theo kiểu truyền thống và dựa vào kinh nghiệm là chủ yếu.

Thực tế cho thấy, sản lượng khai thác trong vài năm qua liên tục tăng, bình quân 3,1%/năm, song lượng thủy sản có khả năng xuất khẩu chỉ chiếm khoảng 35 – 45%, chưa đúng với tiềm năng mà Khánh Hòa hiện có. Nguyên nhân chính là do trình độ khai thác còn hạn chế, công nghệ bảo quản, chế biến của ngư dân còn thấp. Dù rằng, mỗi năm, ngành Thủy sản tổ chức rất nhiều lớp tập huấn thuyền trưởng, máy trưởng. Bên cạnh đó, lứa lao động kế cận, có kiến thức đang ngày một giảm. Theo số liệu từ Trường Đại học Nha Trang – trung tâm đào tạo nghề thủy sản lớn trong cả nước, mỗi năm đơn vị chỉ tuyển được khoảng 20 sinh viên thuộc ngành công nghệ, kỹ thuật khai thác thủy sản.

Ông Nguyễn Trọng Chánh – Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Khánh Hòa cho biết: “Hiện nay, trình độ của ngư dân rất thấp, không đáp ứng được yêu cầu trong khai thác đánh bắt hiện đại. Do đó, chúng tôi phải tính đến việc thực hiện đào tạo, để ngư dân có thể tiếp cận công nghệ hiện đại, nâng cao giá trị đánh bắt. Nếu trình độ lao động nghề biển không được nâng lên thì ngành khai thác thủy sản sẽ gặp khó trong thời gian tới”.

Cần hỗ trợ đào tạo nghề

Hiện nay, UBND tỉnh đã có quyết định phê duyệt danh sách đóng mới 45 tàu cá theo Nghị định 67 (đã triển khai được 28 tàu). Tàu cá đóng mới có trang thiết bị hiện đại, đòi hỏi ngư dân đi theo những con tàu này phải có trình độ tương thích thì mới phát huy hết hiệu quả. Tuy nhiên, do phần lớn lao động vẫn còn ở trình độ thấp nên khi tiếp cận với tàu đóng theo công nghệ mới, ngư dân đều tự mày mò là chính. Cách vận hành con tàu chủ yếu vẫn dựa vào thói quen và kinh nghiệm. Ngư dân Nguyễn Văn Thành – xã Phước Đồng, TP. Nha Trang cho biết: “Do quen dùng tàu vỏ gỗ, nên chúng tôi vẫn thích sử dụng tàu này. Đối với tàu đóng mới thực sự chúng tôi chưa quen lắm. Đặc biệt là các tàu vỏ thép, với nhiều trang thiết bị hiện đại vận hành càng phức tạp. Để đánh bắt trên những con tàu mới, ngư dân chúng tôi phải học lại”.

Lao động khai thác thủy sản vẫn dựa vào kinh nghiệm là chính

Lao động khai thác thủy sản vẫn dựa vào kinh nghiệm là chính

Theo các chuyên gia trong ngành Thủy sản, trình độ ngư dân hiện nay vẫn chưa khai thác hết tiềm năng của biển. Điều này dẫn đến thu nhập của ngư dân không cao, nên ít người muốn gắn bó với nghề khai thác xa bờ. Đây chính là vấn đề mà tỉnh, Chính phủ cần phải xem xét, có hướng giải quyết. Ông Nguyễn Tử Cương – Trưởng ban Phát triển thủy sản bền vững, Hội Nghề cá Việt Nam cho biết: “Nâng cao trình độ ngư dân để làm chủ trang thiết bị trong khai thác lẫn chế biến thủy sản là điều rất bức thiết. Vì thế, chúng tôi kiến nghị Quốc hội có chính sách hỗ trợ, đối với ngư dân khai thác trên các tàu xa bờ phải được đào tạo miễn phí, thậm chí là có học bổng. Khi đó, ngư dân sẽ bám biển dài ngày hơn, lợi nhuận thu về cao hơn giúp họ gắn bó với nghề”.

Được biết, trong khi chờ những quyết sách mới của Chính phủ, UBND tỉnh cũng đã chủ động đưa ra một số giải pháp như: xây dựng chuỗi liên kết, có sự tham gia hỗ trợ của doanh nghiệp. UBND tỉnh cũng chỉ đạo ngành Nông nghiệp tiếp tục tăng cường giám sát dịch bệnh tại vùng nuôi, áp dụng các công nghệ tiên tiến nhằm tăng sản lượng và chất lượng thủy sản. Đồng thời, đẩy mạnh việc triển khai các chính sách hỗ trợ ngư dân vươn khơi, nhất là việc giải ngân vốn theo Nghị định 67 của Chính phủ về một số chính sách phát triển thủy sản.

Tuệ Minh

Báo Khánh Hòa

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!