Bangladesh đổi thay nhờ “Cách mạng trắng”

Chưa có đánh giá về bài viết

Cuộc “Cách mạnh trắng” đưa nuôi trồng thủy sản (NTTS) thành ngành kinh tế mũi nhọn và làm thay đổi diện mạo toàn bộ nền kinh tế Bangladesh. Nhưng giờ đây Chính phủ (Bangladesh) đang làm mọi cách để khắc phục hậu quả cuộc cách mạng này.

Phát triển quá nóng

79 năm trước, Manik Bandopadhyay, nhà văn người Begali đã mô tả bức tranh về cuộc chiến của ngư dân trong tác phẩm nổi tiếng “Thuyền đánh cá trên dòng Padma”. Cuộc chiến sinh tồn ấy đã đi sâu vào tiềm thức của nhiều thế hệ ngư dân trên toàn thế giới. Vài thập kỷ trước, câu chuyện tương tự mang tên “cách mạng trắng” đã xảy ra ở Bangladesh. Đó chính là sự nỗ lực của Chính phủ nhằm đưa ngành NTTS phát triển mạnh và sự vươn lên thoát nghèo của hàng triệu nông dân. Nhờ đó, Bangladesh trở thành nước NTTS lớn thứ 5 thế giới.

Nhìn lại quy mô hoạt động NTTS ở Bangladesh đầu những năm 1970 khá nhỏ, hoàn toàn tự phát, trình độ khoa học kỹ thuật non yếu. Cuộc “Cách mạng trắng” đánh dấu bằng sự ra đời của các trung tâm NTTS ở Đông Bắc tỉnh Mymensingh cùng hàng loạt chương trình khuyến nông của chính phủ thông qua dự án “100 trại giống” trải dài khắp đất nước dựa trên nguồn hỗ trợ tài chính của Ngân hàng Thế giới (WB). Theo WB, từ giữa 1985 tới 2005, số vốn rót vào ngành NTTS ở Bangladesh lên tới 317 triệu USD.

Nhiều thành phần tư nhân bắt đầu tham gia phát triển NTTS, xây dựng thêm nhiều cơ sở nhân giống, trại ương nuôi ở các quận Jessore, Bogra, Mymensingh và Comilla. Sau đó, nghề nuôi cá được mở rộng ở các tỉnh thành khác, “kỹ nghệ” nuôi thủy sản được truyền bá khắp nơi. Hiện, số trại giống trên toàn quốc đã tăng lên 936 trại, cung cấp nhiều loại giống thủy sản cho nông dân.

 

Cái giá phải trả

Người ta đua nhau nuôi thủy sản ở Bangladesh khiến thị trường tiêu thụ thêm sôi động. Những tầng lớp nghèo, người lao động dư sức tiêu dùng mặt hàng này bởi giá của chúng đã rẻ hơn rất nhiều so với thập kỷ trước. Hiện, mức tiêu thụ thủy sản trung bình tại Bangladesh là 49,5 gram/người/ngày, tăng 15 gram so với mức tiêu thụ những năm 1990. Nhiều tầng lớp lao động thoát nghèo bằng nghề NTTS, còn người chế biến và sản xuất thu lời lớn. Bangladesh hoàn toàn tự chủ được nguồn lương thực từ thủy hải sản, chỉ nhập khẩu khoảng 2% thủy sản từ Myanmar theo yêu cầu đặc biệt của các khách sạn, nhà hàng. Đó là lý do các nhà quản lý thấy “mãn nguyện” vì cho rằng “Cách mạng trắng” là một bước đi thức thời và khôn ngoan. Nhưng họ đã nhầm vì không phải mọi thành phần kinh tế đều được hưởng lợi nhờ cuộc cách mạng này. Điển hình, người nông dân nuôi cá quy mô nhỏ vẫn nghèo do không có khả năng bám sát thị trường – nơi các hãng kinh doanh lớn thống trị và tranh giành lợi nhuận.

Thu hoạch cá ở Bangladesh – Ảnh: FAO

Không những vậy, mối lo ngại về chất lượng thủy sản giống và an toàn vệ sinh thực phẩm bắt đầu hiện hữu. Những nghiên cứu gần đây đều chỉ ra rằng chất lượng con giống ở Bangladesh đang đi xuống, dịch bệnh, tỷ lệ chết gia tăng. Cơ sở hạ tầng marketing non yếu. Hệ thống kho lạnh, kho bảo quản chưa phát triển tương xứng, tạo khoảng cách lớn giữa người nuôi cá và thị trường tiêu thụ. Chính phủ vẫn chưa đưa ra quy chuẩn cụ thể cho việc xử lý cá, sơ chế, phân loại, bảo quản, gây ra sự rối loạn trên thị trường bán lẻ. Người bán vẫn sử dụng hóa chất độc hại để giữ cá tươi lâu, tiềm ẩn nhiều rủi ro liên quan tới sức khỏe người tiêu dùng. Trong khi đó, nguồn lương thực từ lúa gạo, hoa màu thiếu hụt do đất đai trồng trọt được chuyển đổi sang ao NTTS.

 

Sớm thay đổi

Vài năm trước, Bangladesh đã xây dựng hệ thống luật áp dụng cho các trung tâm giống và cơ sở sản xuất thức ăn chăn nuôi để thắt chặt quản lý chất lượng. Cục Thủy sản cũng đứng ra quản lý toàn bộ hoạt động của các trại giống thông qua giấy phép hoạt động. Năm 2013, Chính phủ ban hành Luật an toàn thực phẩm nhằm đảm bảo ATVSTP. Tuy nhiên, nhiều cơ quan quản lý cho biết, ban hành luật chưa chắc giải quyết triệt để vấn đề bởi nút thắt chính là nhận thức của người nuôi và người bán cần phải được tháo gỡ dần.

Trước kia, phòng thí nghiệm kiểm tra chất lượng thuộc nhà nước chỉ chịu trách nhiệm chất lượng cá xuất khẩu, một số cơ sở thiếu dụng cụ kiểm tra vi sinh phát hiện hóa chất trừ sâu OP và OC. Nhiều phòng thí nghiệm chỉ đầu tư thiết bị kiểm tra kim loại nặng. Do đó, việc nâng cấp cơ sở vật chất phòng thí nghiệm, đổi mới, hiện đại hóa thiết bị kiểm tra là việc cần thiết để đảm bảo giám sát chất lượng hàng hóa nội địa và xuất khẩu. Bên cạnh đó, Bangladesh cũng thắt chặt lệnh cấm nuôi cá ngoại lai độc hại như cá piranha, cá da trơn châu Phi (African magur) và thực hiện các quy hoạch tổng thể, nhằm làm giảm những tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu lên hệ thống NTTS ven biển như xây dựng đập ngăn nước, tái tạo nguồn nước cho lồng nuôi. Khuyến khích nông dân gia tăng trồng cây ăn trái và rau củ quả xung quanh đê bảo vệ trang trại để chống xói mòn, gió xoáy. Xây dựng hàng rào bảo vệ chắc chắn nhằm hạn chế sự thất thoát và ngăn sự xâm nhập của các loài ăn thịt…

Bangladesh đã nhận thấy vai trò quan trọng của việc cải tiến toàn bộ chuỗi giá trị, đảm bảo nguồn cung ổn định các sản phẩm chất lượng, an toàn cho toàn bộ thị trường trong và ngoài nước. Đó mới là cách giữ vững được vị thế trong ngành công nghiệp NTTS trên toàn thế giới.

Tuấn Minh

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!