Báo động an toàn thực phẩm nông sản

Chưa có đánh giá về bài viết

Vấn đề an toàn thực phẩm ngành nông nghiệp luôn được chú trọng, tuy nhiên, đến nay, sản phẩm nông sản của Việt Nam bộc lộ nhiều điểm yếu. Vấn đề nằm ở đâu?

Báo động

Thời gian qua, nhiều sản phẩm thủy sản Việt Nam bị không ít thị trường cảnh báo về chất lượng và “từ chối” nhập khẩu. Nhiều lý do đã được viện dẫn, trong đó có việc kiểm soát lưu thông thuốc thú y, chất xử lý, cải tạo môi trường trong nuôi trồng thủy sản chưa chặt chẽ, dẫn đến tình trạng mua bán, sử dụng chất cấm. Ngoài ra, còn do một số doanh nghiệp dùng thủ thuật riêng…

Theo ông Nguyễn Như Tiệp, Cục trưởng Cục Quản lý Chất lượng Nông Lâm sản và Thủy sản (NAFIQAD), trong số các lô hàng bị trả về, một số do sai quy cách đóng gói, một số do không đáp ứng tiêu chí chất lượng, chỉ số an toàn thực phẩm (ATTP) của nước nhập khẩu. Quy định về ATTP của các thị trường nhập khẩu không giống nhau; nhiều khi hàng bị thị trường này trả về lại được thị trường khác chấp nhận. Cùng đó, tình hình hàng nông, thủy sản xuất khẩu bị trả về, nếu xử lý vấn đề chưa tốt và sự cải thiện không rõ thì rất có thể bị thị trường nhập khẩu tăng cường kiểm, thậm chí bị đình chỉ nhập khẩu.

Sẽ tự hại mình, nếu còn doanh nghiệp làm ăn không tử tế, hàng kém chất lượng. Như tại EU, 9 tháng đầu năm nay 27 lô hàng thủy sản Việt Nam bị cảnh báo nhiễm hóa chất, kháng sinh (tăng 1,28 lần so cả năm 2014). Phía EU đã chỉ rõ 24 doanh nghiệp chế biến thủy sản của Việt Nam có lô hàng bị phát hiện vi phạm; đồng thời cảnh báo, nếu tình hình không cải thiện rõ thì sẽ áp dụng biện pháp chặt chẽ hơn.

báo động an toàn thực phẩm nông sản

Thủy sản Việt Nam bị nhiều thị trường cảnh báo về chất lượng – Ảnh: Huy Hùng

Tính chung ngành nông nghiệp, theo NAFIQAD, 9 tháng qua đã có gần 1.200 trường hợp bị xử phạt, tổng tiền phạt gần 22 tỷ đồng. Trong đó, đã phát hiện và tiêu hủy 20 kg chất bột trắng không nhãn mác (nghi là thuốc tăng trọng Salbutamol) và 13,3 kg hóa chất Vàng ô trộn trong thức ăn chăn nuôi để tạo màu vàng cho gà. Đây chỉ là con số rất nhỏ trong “biển” hóa chất đang lưu hành. Cùng đó, tỷ lệ mẫu giám sát vi phạm ATTP còn cao, một số chỉ số ATTP chưa có cải thiện so năm 2014. Trong đó 1,01% mẫu thủy sản nhiễm dư lượng hóa chất, kháng sinh cấm sử dụng, quá ngưỡng cho phép; 10,3% mẫu rau có dư lượng hoạt chất thuốc bảo vệ thực vật vượt chuẩn quy định; 7,6% mẫu thịt có dư lượng hóa chất, kháng sinh cao đến mức không cơ quan chưc năng nào chấp nhận…

 

Không thể cạnh tranh

Tại “Hội nghị trực tuyến triển khai đợt cao điểm hành động vệ sinh ATTP trong nông nghiệp” do Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam chủ trì mới đây tại Hà Nội, đại diện các bộ, ngành, địa phương đều thừa nhận: Việc buôn bán, sử dụng chất cấm trong chăn nuôi chưa được ngăn chặn; tồn dư thuốc bảo vệ thực vật trong rau, quả; kháng sinh, chất bảo quản trong thịt gia súc, gia cầm, thủy sản nuôi còn ở mức cao, gây bất an cho người tiêu dùng; uy tín của doanh nghiệp, của hàng nông sản Việt Nam bị ảnh hưởng.

Một thực tế khác, trong khi Việt Nam nỗ lực xây dựng, củng cố hình ảnh sản phẩm nông sản của mình thì còn phải đối diện việc Trung Quốc tăng nhập khẩu sản phẩm nông, lâm, thủy sản từ Việt Nam. Theo VASEP, tháng 10/2015, Trung Quốc nhập khẩu thủy sản tăng gần 19% (cá tra tăng hơn 50%). Thương lái Trung Quốc còn thu gom tôm nguyên liệu, kể cả tôm chất lượng thấp, tôm bị bơm tạp chất. Tình trạng này khiến doanh nghiệp trong nước thiếu trầm trọng nguyên liệu xuất khẩu, nhất là nguyên liệu sạch. Nguy hiểm hơn, thương lái Trung Quốc đang “điều khiển” việc thu mua thủy sản Việt Nam một cách bài bản, với “mạng lưới” được giăng đến tận các vùng nuôi.

Việt Nam đang hội nhập ngày càng sâu rộng vào thị trường thế giới. Để đứng vững và tạo giá trị thì việc cải thiện chất lượng hàng nông, thủy sản phải được quan tâm hàng đầu và cần những biện pháp quyết liệt hơn.

>> Bộ trưởng NN&PTNT Cao Đức Phát: Thời gian tới, các tỉnh, thành phố cần tăng cường hơn nữa việc giám sát, kiểm tra, thanh tra chuyên ngành, nhằm kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các vi phạm về chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm theo quy định của pháp luật.

Nguyên Chi

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!