T2, 06/07/2020 11:38

Bảo hiểm cho người đi biển

Chưa có đánh giá về bài viết

Đi biển là một trong những nghề nguy hiểm nhất, nhưng việc mua bảo hiểm cho người đi biển còn chưa được quan tâm. Bảo hiểm hàng hải đôi khi được quan tâm nhiều đến bảo hiểm tàu, thuyền, hàng hóa với giá trị cao, hơn là mua bảo hiểm cho những người điều khiển chúng.

Khi vụ chìm tàu thương tâm ở Cần Giờ (TP. HCM) xảy ra thì mới vỡ chuyện trong số 9 người bị thiệt mạng chỉ có 1 người mua bảo hiểm với giá trị bảo hiểm tối đa 100 triệu đồng/người. Kết quả là 8 nạn nhân xấu số, chỉ được cơ quan bảo hiểm hỗ trợ 5 triệu đồng/người. Vì chủ tàu không mua bảo hiểm trách nhiệm dân sự chủ tàu, những người ngồi trên tàu không được hưởng quyền lợi bảo hiểm nếu không có bảo hiểm cá nhân. Nhiều người đặt ra giả thiết là nếu các nhà bảo hiểm đã tham gia bảo hiểm, khuyến cáo việc giữ an toàn cho người tham gia bảo hiểm thì tai nạn sẽ giảm nhiều.

Có một số ý kiến cho rằng hiện việc mua bảo hiểm đường biển nói chung hiện còn mang tính đối phó, thậm chí một số trường hợp nhằm trục lợi. Điển hình là việc mua bảo hiểm gian dối, sau khi tai nạn đã xảy ra mới mua để hợp pháp hóa chứng từ. Cùng một trang thiết bị mà mua bảo hiểm nhiều nơi để hưởng lợi đền bù. Khai khống những thiệt hại không có thực… khiến cho việc thẩm định khó khăn và nhiều doanh nghiệp không mặn mà.

Lao động trên biển là một trong những nghề nguy hiểm – Ảnh: Xuân Trường

Các chủ tàu thường kêu ca tiến độ thẩm định rất chậm, cá biệt ở miền Trung có trường hợp hàng năm sau tiền đền bù bảo hiểm vẫn chưa đến được tay người dân. Còn ở Nam bộ, người dân phàn nàn rằng đã mua bảo hiểm tính mạng trên tàu, nhưng quá trình đánh bắt trên biển, khi người công nhân rời tàu đi làm các hoạt động khác mà thiệt mạng thì không được bảo hiểm bồi thường, vì lý do… chỉ bảo hiểm khi nạn nhân ở trên tàu!

Nhiều người dân cho rằng bảo hiểm người đi biển khác hẳn các mô hình bảo hiểm khác. Chẳng hạn bảo hiểm người đi xe máy thì dĩ nhiên chỉ thực hiện khi người mua bảo hiểm đang điều khiển xe máy. Song với nghề đi biển thì khác, người lao động thường xuyên phải rời tàu bè để lao động sản xuất, vì vậy việc bảo hiểm cần linh động hơn để sát với thực tế.

Vụ việc Công ty Bảo hiểm Bảo Việt từ chối bồi thường cho nạn nhân Trương Văn Xây (Cà Mau) mới đây với lý do: “Lúc bị tai nạn không có mặt trên tàu cá CM-99903-TS, mà đang ở trên chòi canh giữ hàng đáy ngoài biển khơi của ông Ngô Văn Năm. Do đó, tai nạn không thuộc phạm vi bảo hiểm, vì thế Công ty Bảo hiểm Bảo Việt không thể giải quyết bồi thường cho ông được”, đã khiến người dân bức xúc.

Bảo hiểm cho con người và phương tiện đánh bắt xa bờ hiện được đặt ra khá cấp thiết, sau khi chương trình nâng cấp tàu sắt được triển khai. Tàu trị giá 5 tỷ đồng thì tiền mua bảo hiểm khoảng 50 triệu đồng, là khoản tiền không nhỏ khi mà đánh bắt xa bờ rất bấp bênh. Trả lời báo chí, ông Lê Kim Thái, Giám đốc Chi nhánh Bảo Việt Đà Nẵng, cho biết: “Trong số 260 tàu đánh bắt xa bờ của Đà Nẵng thì chỉ có 60 tàu mua bảo hiểm. Trong đó chỉ số ít mua bảo hiểm toàn bộ thân vỏ và máy tàu, số còn lại là mua với tỷ lệ thấp”.

Việc triển khai bảo hiểm cho người đi biển là hết sức cần thiết bởi cả nước có khoảng 127.000 tàu cá, trong đó khoảng 28.000 tàu cá đánh bắt xa bờ. Triển khai bảo hiểm trên biển, nếu được thực hiện đồng bộ và khoa học, chắc chắn cũng đem lại nhiều bước tiến triển tích cực. Người dân đa số ủng hộ việc mua bảo hiểm, vấn đề họ còn băn khoăn đó là giá cả và thủ tục đền bù như thế nào trong thực tế hàng ngày.

>> Thống kê tại Nghiệp đoàn Nghề cá Bình Châu (Quảng Ngãi), “cả trăm tàu ở xã Bình Châu chưa có bảo hiểm”. Ông Phan Huy Hoàng, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Quảng Ngãi đề nghị Nhà nước hỗ trợ 50% bảo hiểm thân tàu, 100% bảo hiểm thuyền viên vì nghề cá còn quá bấp bênh.

Nguyễn Anh

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!