Bảo vệ môi trường trong nuôi trồng thủy sản: Hướng đến phát triển bền vững

Chưa có đánh giá về bài viết

Nuôi trồng thủy sản (NTTS) được xác định là ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh Bạc Liêu và hiện đang tập trung phát triển theo chiều sâu. Tuy nhiên, ngành nghề này cũng đặt ra nhiều thách thức và tác động không nhỏ đến môi trường, nhất là việc lạm dụng các hóa chất trong cải tạo xử lý ao đầm và phát thải trong xử lý tôm nuôi khi phát sinh dịch bệnh…

Kênh thủy lợi phục vụ nuôi tôm ở huyện Đông Hải cạn kiệt nước do nắng hạn kéo dài. Ảnh: L.D

Với tổng diện tích NTTS hơn 130.000ha gắn với nhiều mô hình sản xuất như: nuôi tôm thâm canh – bán thâm canh, mô hình quảng canh, quảng canh cải tiến kết hợp, mô hình nuôi tôm trên đất lúa… đã tạo nên những áp lực nặng nề lên môi trường. Một trong những áp lực đó là việc lạm dụng và xử lý các loại hóa chất cấm, độc hại bị cấm sử dụng trong cải tạo và xử lý ao đầm. Cụ thể, nhiều nơi nông dân vẫn dùng các loại thuốc bảo vệ thực vật để diệt giáp xác trong các ao nuôi, sử dụng các chất kháng sinh trong xử lý bệnh cho tôm…, không chỉ gây tác động xấu đến môi trường sản xuất mà còn làm ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm.

Bên cạnh lạm dụng các loại hóa chất cấm và kháng sinh, nhiều nơi nông dân vẫn chưa có ý thức trong việc cải tạo ao nuôi, còn bơm bùn thải trực tiếp ra các kênh nội đồng, hay khi tôm chết cũng thải nước trực tiếp ra các kênh thủy lợi, làm lây lan dịch bệnh trên diện rộng nếu các hộ khác lấy phải nguồn nước ô nhiễm vào nuôi tôm, ảnh hưởng đến lợi ích chung. Đó là chưa nói đến nạn khai thác nguồn nước ngầm quá mức ở các khu vực nuôi tôm cũng làm cạn kiệt và gây ô nhiễm nguồn tài nguyên này.

Tất cả những bất cập này đã gây tác động xấu đến môi trường và làm ảnh hưởng đến sự phát triển bền vững, đặc biệt là làm cạn kiệt, gây ô nhiễm nguồn nước ngầm trong điều kiện nguồn tài nguyên nước ngọt đang rất cần cho phát triển sản xuất. Thực tế những năm gần đây cho thấy, nhiều vùng nông thôn của tỉnh phải đối đầu với nạn thiếu nước ngọt phục vụ sản xuất và cả sinh hoạt.

Bảo vệ môi trường sản xuất để phát triển bền vững được xem là quan điểm chỉ đạo nhất quán và được cụ thể hóa bằng nhiều giải pháp của Tỉnh ủy, UBND tỉnh. Vì vậy, các địa phương cần tập trung làm tốt công tác vận động, tuyên truyền để nâng cao ý thức, trách nhiệm của cộng đồng cho công tác bảo vệ môi trường. Đây cũng là điều kiện cần để chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu và để phát triển ổn định, bền vững hiện nay.

Một số thông tin cần biết trong nuôi trồng thủy sản:

Các hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động NTTS:

1. Vi phạm các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường đối với môi trường sống của các loài thủy sản.

2. Vi phạm các quy định về quy hoạch phát triển NTTS.

3. Nuôi trồng giống thủy sản mới khi chưa được Bộ NN&PTNT cho phép và các loại thủy sản thuộc danh mục nuôi trồng.

4. NTTS không theo quy định làm cản trở dòng chảy, cản trở hoạt động khai thác thủy sản, ảnh hưởng xấu đến các hoạt động của ngành, nghề khác.

5. Sử dụng thuốc, phụ gia, hóa chất thuộc danh mục cấm sử dụng NTTS.

6. Thả giống thủy sản nuôi trồng bị nhiễm bệnh vào nơi nuôi trồng hoặc nguồn nước tự nhiên.

7. Xả nước thải, chất thải hoặc nước thải, chất thải mang mầm bệnh từ các cơ sở sản xuất giống thủy sản, cơ sở NTTS mà chưa qua xử lý, hoặc xử lý chưa đạt chuẩn quy định vào môi trường xung quanh.

8. Xả thải trực tiếp đất, bùn khi sên, vét cải tạo ao, đầm ra sông, kênh, rạch.

9. Xây dựng khu NTTS tập trung trên bãi bồi đang hình thành vùng cửa sông, ven biển.

10. Phá rừng ngập mặn, rừng phòng hộ để NTTS.

Quy định về xử lý nước thải và chất thải

Xử lý nước thải: Hệ thống cấp nước, thoát nước thải phải luôn thông thoáng, được sên vét, cải tạo thường xuyên đảm bảo không để bồi lắng, tồn đọng gây tác hại xấu đến môi trường và hoạt động sản xuất, canh tác của khu vực. Nước thải phải được thu gom và xử lý bằng biện pháp, công nghệ hợp lý không để rò rỉ, phát tán vi sinh vật, mầm bệnh gây ô nhiễm môi trường; hệ thống xử lý nước thải phải được vận hành thường xuyên, nước thải sau xử lý đạt quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về nước thải công nghiệp trước khi thải vào nguồn tiếp nhận.

Xử lý nước thải rắn: Chất thải phát sinh trong NTTS phải được thu gom, xử lý triệt để bằng biện pháp thích hợp; đối với lượng bùn thải và xác vật nuôi phải thu gom xử lý triệt để theo quy định của pháp luật về chất thải rắn thông thường và chất thải nguy hại, đảm bảo không để phát tán mầm bệnh, vi sinh vật làm ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, canh tác trong khu vực.

Quy định đối với hoạt động sên, vét đất, bùn cải tạo ao, đầm nuôi thủy sản

Hoạt động sên, vét đất, bùn cải tạo ao nuôi được thực hiện quanh năm (hay theo lịch thời vụ, lịch điều tiết nước của khu vực). Đối với các địa bàn giáp ranh với tỉnh khác, UBND xã, phường, thị trấn có trách nhiệm báo cáo với UBND các huyện, TX. Giá Rai, TP. Bạc Liêu quyết định thời gian cụ thể, đảm bảo việc sên, vét đất, bùn cải tạo ao đầm NTTS không tác động xấu đến môi trường vùng nuôi của các khu vực lân cận và cả vùng nuôi. Phòng NN&PTNT các huyện, Phòng Kinh tế TX. Giá Rai, TP. Bạc Liêu, Phòng Tài nguyên – Môi trường các huyện, TX. Giá Rai, TP. Bạc Liêu phối hợp chặt chẽ với UBND cấp xã giúp UBND các huyện, thị xã, TP. Bạc Liêu thống nhất với UBND các địa bàn của tỉnh giáp ranh về thời gian sên, vét đất, bùn cải tạo ao đầm NTTS cho phù hợp. Các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân có nhu cầu sên, vét đất, bùn cải tạo ao đầm NTTS bằng cơ giới phải báo cáo UBND cấp xã nơi có ao đầm cần sên, vét cải tạo để được xem xét, hướng dẫn bảo vệ môi trường trong quá trình sên, vét; trường hợp sên, vét bằng phương pháp thủ công không phải báo cáo nhưng khi thực hiện phải đảm bảo không để bùn, đất, chất thải khác trong ao đầm chưa được xử lý thoát ra môi trường bên ngoài…

K.T (trích Quy định bảo vệ môi trường trong hoạt động NTTS trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu của UBND tỉnh)

Báo Bạc Liêu

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!