T2, 06/07/2020 02:00

Bảo vệ nguồn lợi thủy sản: Trách nhiệm của cộng đồng

Chưa có đánh giá về bài viết

Việt Nam được đánh giá là một trong những quốc gia có đa dạng sinh học cao trên thế giới. Tận dụng lợi thế đó, những năm qua, ngành thủy sản đã tăng trưởng liên tục với tốc độ 6 – 10%/năm. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, nhiều vấn đề trong công tác khai thác, bảo vệ nguồn lợi thủy sản vẫn cần phải giải quyết để ngành phát triển bền vững và nâng cao đời sống của ngư dân.

Tiềm năng và thách thức

Ngày 19/12, tại Hà Nội, Bộ NN&PTNT tổ chức Hội nghị “Bàn giải pháp thực hiện bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản theo Luật Thủy sản năm 2017”. Tại Hội nghị, ông Lê Trần Nguyên Hùng, Phó Vụ trưởng Vụ Bảo tồn và Phát triển nguồn lợi thủy sản (Tổng cục Thủy sản) cho biết, Việt Nam được đánh giá là một trong 16 quốc gia có đa dạng sinh học cao trên thế giới với khoảng hơn 11.000 loài sinh vật. Bên cạnh đó, có mạng lưới sông ngòi vô cùng phong phú và tiềm năng, với tổng chiều dài hơn 41.900 km, 2.360 con sông có chiều dài từ 10 km trở lên; trong đó có 109 sông chính và hàng nghìn hồ chứa tự nhiên và nhân tạo, đây là hệ thống thủy vực có mức độ đa dạng sinh học nguồn lợi thủy sản cao. Tiềm năng thủy sản tự nhiên ở các vùng nước nội địa của Việt Nam rất lớn để phát triển khai thác, nuôi trồng và sinh kế cho người dân.

“Ngành thủy sản Việt Nam những năm qua đã có bước phát triển mạnh. Tính đến ngày 30/9/2019, tổng số tàu cá là 96.609 chiếc đang hoạt động với tổng công suất trên 10 triệu CV; sản lượng khai thác đạt 3,59 triệu tấn; kim ngạch xuất khẩu toàn ngành đạt 9 tỷ USD (năm 2018). Tuy nhiên, hiện ngành cũng đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức như: Sự suy giảm nguồn lợi thủy sản ở cả vùng biển và vùng nội địa; ô nhiễm rác thải nhựa, môi trường nước, môi trường sống của các loài thủy sản do sự phát triển của một số ngành kinh tế (công nghiệp, du lịch…); suy thoái hệ sinh thái (HST) thủy sinh như HST san hô, HST cỏ biển…”, ông Hùng cho biết thêm.

Thả cá tái tạo nguồn lợi tại Quảng Ninh – Ảnh: Trường Giang

Đồng quan điểm, Phó PGS.TS Nguyễn Chu Hồi cho rằng, các HST biển – ven biển đóng vai trò quan trọng trong việc duy dưỡng đời sống sinh vật, cung cấp nguồn lợi hải sản, điều hòa thời tiết khí hậu và là “cơ sở hạ tầng” tự nhiên chống đỡ thiên tai và biến đổi khí hậu. Đặc biệt, các HST đã tạo nên tiềm năng bảo tồn thiên nhiên biển rất to lớn và cung cấp các dịch vụ rất quan trọng để phát triển các ngành, nghề kinh tế biển theo hướng bền vững như nghề cá và du lịch biển… Tuy nhiên, hiện nay các HST đang đứng trước các nguy cơ đe dọa và rủi ro ngày càng tăng từ các hoạt động phát triển của con người và các quá trình tự nhiên. Chính vì thế, hệ thống các khu bảo tồn biển được thành lập không chỉ góp phần đảm bảo cân bằng sinh thái vùng biển, bảo vệ đa dạng sinh học, đảm bảo chức năng điều hòa môi trường, nguồn giống và nguồn lợi hải sản; mà còn có ý nghĩa rất lớn đối với phát triển kinh tế lâu dài, đối với nghiên cứu khoa học, giáo dục cộng đồng, giải trí và du lịch sinh thái.

 

Bàn giải pháp bảo vệ

Để đảm bảo nguồn lợi thủy hải sản được duy trì một cách bền vững, ông Lê Trần Nguyên Hùng đã đề ra một số giải pháp như: Tổ chức nghiên cứu, xây dựng chính sách thực hiện đồng quản lý trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản; chính sách bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản theo quy định pháp luật. Đồng thời, đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền sâu rộng bằng nhiều hình thức đến các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động trong lĩnh vực thủy sản. Tổ chức cho ngư dân ký cam kết tuân thủ quy định pháp luật trong khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản; chủ cơ sở thu mua, chế biến, kinh doanh thủy sản cam kết không buôn bán, nuôi nhốt các loài thủy sinh nguy cấp, quý, hiếm có nguy cơ tuyệt chủng. Song song đó, cần tăng cường đào tạo cán bộ có chuyên môn nhằm kiện toàn hệ thống kiểm ngư, thanh tra, kiểm tra, giám sát các hoạt động liên quan đến công tác bảo vệ nguồn lợi thủy sản đồng bộ từ trung ương đến địa phương…

Bà Nguyễn Thu Huệ, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn sinh vật biển và Phát triển cộng đồng cho rằng, quản lý nghề cá dựa vào HST là công cụ hỗ trợ phát triển bền vững và tạo ra các lợi ích về mặt sinh thái một cách tối đa trong các khu vực có hoạt động nghề cá. Việc quản lý dựa vào HST cần thông qua tăng cường năng lực và thể chế quản lý nguồn lợi ven bờ; tăng cường phục hồi HST và sáng kiến sinh kế bền vững.

PGS.TS Nguyễn Chu Hồi cũng đưa ra một số khuyến nghị nhằm bảo vệ và nâng cao hiệu quả quản lý các khu bảo tồn biển. Theo đó, Bộ NN&PTNT, trực tiếp là Tổng cục Thủy sản cần xây dựng một đề án huy động nguồn lực từ Chính phủ, hợp tác quốc tế để “quản lý hiệu quả và mở rộng hệ thống khu bảo tồn biển đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”, góp phần thực hiện thành công Chiến lược biển 2030, Luật Thủy sản năm 2017.

 >> Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến cho rằng, công tác bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản thời gian qua đã đạt được một số kết quả; tuy nhiên vẫn còn một số tồn tại, hạn chế. Theo đó, thời gian tới, yêu cầu UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; các đơn vị thuộc Bộ nỗ lực thực hiện tốt các nhiệm vụ để đạt mục tiêu bảo tồn 6% diện tích toàn vùng biển theo Nghị quyết 36 của Trung ương về phát triển bền vững kinh tế biển.    

Hồng Thắm

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!