Bến Tre: Đồng quản lý thủy sản theo HTX

Chưa có đánh giá về bài viết

Bến Tre là tỉnh có nhiều lợi thế về nguồn lợi thủy sản, với 65 km chiều dài bờ biển và 4 cửa biển là hạ nguồn của 4 nhánh sông Mê Kông, tạo nhiều bãi bồi thuận lợi cho việc đánh bắt và nuôi thủy sản. Trong đó, nghề khai thác nghêu tại các cửa biển mang lại giá trị kinh tế cao và ổn định cho người dân tại 3 huyện giáp biển là Ba Tri, Bình Đại, Thạnh Phú.

Khai thác nghêu tại HTX Rạng Đông, Bến Tre Ảnh: Huy Hùng

Để quản lý tốt hơn nguồn lợi này, tỉnh Bến Tre đã quy hoạch quản lý nghêu thành 3 vùng gồm: Vùng lõi (390 ha, vùng nghêu bố mẹ phân bố được bảo vệ 100%), vùng đệm (383 ha, vùng có nguồn lợi nghêu giống tự nhiên hàng năm thường xuyên xuất hiện được bảo vệ, chăm sóc và khai thác hợp lý), vùng phát triển (4.631 ha, vùng thích hợp để nuôi nghêu thương phẩm, có kế hoạch chăm sóc thường xuyên và định kỳ kiểm soát thu hoạch). Theo bà Trần Thị Thu Nga, Chủ tịch Hội Thủy sản Bến Tre, phương thức khai thác nghêu tại vùng đồng quản lý ở Bến Tre cũng được xây dựng rõ ràng từ công cụ đến từng đối tượng khai thác. Theo đó, khai thác bằng công cụ thủ công có mắt lưới phù hợp với kích cỡ của từng vùng quy hoạch; khai thác có chọn lọc: tại khu vực quy hoạch vùng phát triển khi thu hoạch nghêu lớn (5 – 6 cm) được chừa lại trên bãi bồi để bổ sung đàn nghêu bố mẹ, nghêu giống chỉ được khai thác khi đạt cỡ gần bằng 5.000 con/kg (trường hợp cá biệt phải có ý kiến của UBND tỉnh); khai thác có bảo tồn: Ước khoảng 5 – 10% sản lượng thường xuyên lưu bãi và tuyệt đối không khai thác vùng lõi.

Thống kê đến 11 tháng năm 2017, sản lượng khai thác nghêu thịt ở Bến Tre đạt 3.373 tấn, nghêu giống đạt 228 tấn. Bình quân sản lượng nghêu thịt các năm giai đoạn trước ước trên 4.700 tấn/năm, mang lại giá trị kinh tế hàng trăm tỷ đồng. Nghêu thịt được ngư dân vùng ven biển Bến Tre coi như một sản vật của thiên nhiên ban tặng, người dân nơi đây coi nghêu là tài sản chung, cùng khai thác cùng bảo vệ.

Hiệu quả đồng quản lý thủy sản tại Bến Tre chính là nhờ vào sự linh hoạt của chính quyền trong việc xây dựng các cơ chế, hệ thống phù hợp, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các tổ chức cộng đồng ngư dân sử dụng được quyền lợi và trách nhiệm của mình trên tư cách là người hưởng lợi trực tiếp. Bà Nga cho biết, với hệ thống quản lý phù hợp, diện tích nghêu giống và nghêu bố mẹ phát triển ngày càng nhiều, tính hệ thống và tổ chức cộng đồng ngư dân ngày càng rõ nét, tính dân chủ, công khai minh bạch được phát huy. Bến Tre đã xây dựng mô hình thí điểm giao quyền cho cộng đồng quản lý, khai thác, sử dụng đất bãi bồi và nguồn lợi tự nhiên tại HTX Thủy sản Rạng Đông (xã Thới Thuận, huyện Bình Đại). Để hoạt động hiệu quả, mô hình đã thực hiện nghiên cứu, kiện toàn khung pháp lý chính sách, quy hoạch vùng quản lý, cơ chế quản lý phát triển bền vững, phương thức khai thác, quy trình kiểm soát thu hoạch và tiêu thụ sản phẩm, xây dựng thể chế, chính sách và chiến lược phát triển, cơ chế phân phối thu nhập của HTX, xây dựng hệ thống quan trắc môi trường, xây dựng tiêu chuẩn thị trường – nhãn sinh thái phát triển bền vững và chuỗi cung ưng tiêu thụ sản phẩm.

Hội Thủy sản Bến Tre

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!