Bến Tre: Lùng nhùng mặn ngọt Ba Lai

Chưa có đánh giá về bài viết

Con sông Ba Lai dài khoảng 55 cây số, nằm trọn trong tỉnh Bến Tre. Từ năm 2000 – 2002, cống đập Ba Lai được xây dựng tốn hơn 84 tỷ đồng, chặn sông Ba Lai tại xã Thạnh Trị (Bình Đại) cách biển chục cây số. Mục tiêu nhằm ngăn mặn để “ngọt hóa” gần 100.000 ha đất nông nghiệp mạn trên.

Tôm, cá chết

Ông Nguyễn Ngọc Hải, Giám đốc Hợp tác xã Nuôi cá tra Thới An lừng danh bên thành phố Cần Thơ, cùng bạn bè sang đây xây dựng cơ sở sản xuất cá tra giống và nuôi tôm đều thất bại. Trại sản xuất cá tra giống rộng chừng 30 ha, mở ra nơi trước đây đào lấy đất đắp đập Ba Lai, ở huyện Bình Đại, đầu năm nay nước mặn quá nên không sản xuất được. Còn nuôi tôm, ông cùng bạn bè mướn 70 ha đất ở huyện Ba Tri nằm bờ bên kia sông Ba Lai, mới hơn năm đã lỗ 5 tỷ đồng vì mặn và ngọt lùng nhùng lại thêm ô nhiễm.

Gia đình ông Nguyễn Văn Thiệt ở ấp 4, xã Bình Thới (Bình Đại), nuôi tôm công nghiệp gần 2 ha. Ông kể, nuôi tôm đã 18 năm, trước kia khá thuận lợi vì có nước mặn dưới sông Ba Lai bơm lên, xử lý làm sạch rồi thả giống. Từ ngày có cống đập Ba Lai, nước dưới sông không ra mặn không ra ngọt, không nuôi tôm được nữa mà phải khoan giếng để lấy nước mặn. Nước mặn từ giếng khoan bị nhiễm kim loại, phải cho qua ao lắng lọc, xử lý kỹ mới nuôi tôm được. Gia đình ông nuôi tôm công nghiệp nhưng thả giống mật độ thưa, tôm giống mới đỡ chết.

“Nuôi tôm được như ông Thiệt, bây giờ ở đây hiếm lắm. Vùng này trước đây người dân nuôi tôm tương đối khá, mấy năm nay chỉ khoảng 1% có lời, còn lại thua lỗ”, láng giềng với ông Thiệt là ông Hồng nói. Ông Hồng giải thích, từ ngày đắp đập xây cống Ba Lai, sông Ba Lai trở thành như một cái ao tù đọng khổng lồ, môi trường bị ô nhiễm, làm ăn rất khó khăn.

bắt cá dưới cống đập ba lai

Anh Điệp tung chài bắt cá dưới cống đập Ba Lai – Ảnh:SN

“Tôi có đứa cháu rể tên là Hà, kỹ sư thủy sản từ Nha Trang vô đây làm quản lý cho một doanh nghiệp, mướn 3 ha đất nuôi tôm. Mấy năm đầu thu hoạch cũng đỡ nhưng gần đây thua lỗ nên nghỉ rồi. Ở đây, nuôi tôm chưa bị lỗ như gia đình bà Hà láng giềng của tôi là hiếm hoi lắm. Không chỉ tôm chết mà năm nay nhiều nhà nuôi cá cũng lỗ vì cá chết, do nước ô nhiễm và quá mặn”, ông Ba Hồng kể một thôi một hồi rồi buông tiếng thở dài não nề.

 

Day dứt

Tổ trưởng quản lý cống đập Ba Lai, anh Trần Hữu Hiệp cho biết, năm nay, nước trên cống cũng có độ mặn 5,5 g/lít. Nguyên nhân, nhiều cửa sông mạn trên chưa có cống nên nước mặn lấn vô “tập hậu”. Theo anh Hiệp, sắp tới, đầu tư tiếp các hạng mục như đê và cống dưới đê ở hai bờ sông Ba Lai, nhất là làm hai âu thuyền An Hóa và Bến Tre để trữ nước ngọt, hoàn chỉnh dự án ngọt hóa bắc Bến Tre.

Hai âu thuyền chính là hai nửa con sông lớn cắt ngang sông Ba Lai, nửa đổ ra sông Mỹ Tho gọi là sông An Hóa, nửa chảy qua thành phố Bến Tre đổ ra sông Hàm Luông gọi là sông Bến Tre. Đầu năm nay, nước mặn từ sông Mỹ Tho và Hàm Luông hai ngả ập vào khiến sông Ba Lai mặn đắng. Để biến hai nửa con sông lớn thành hai túi trữ nước ngọt, phải xây cống ở cửa ra sông Mỹ Tho và Hàm Luông.

Nhưng đắp nhiều cống đập sẽ đẩy con sông Ba Lai và cả cửa biển Ba Lai vào chỗ bị bồi lấp, biến mất. Nghiên cứu của ông Nguyễn Thọ Sáo và Nguyễn Minh Huấn ở Khoa Khí tượng Thủy văn và Hải dương học của Trường Đại học Khoa học Tự nhiên (Đại học Quốc gia Hà Nội) cho biết: “Nếu không có lưu lượng sông đủ lớn để đẩy dòng chảy ra xa, dòng bùn cát sẽ thâm nhập vào cửa sông hoặc xa hơn, gây bồi lấp”. Cửa Ba Lai sâu 5 – 7 m, từ ngày có cống đập Ba Lai đã cạn đi nhanh chóng. Viện Địa chất của Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam kết luận: “Cửa sông này đã ngừng chảy do bồi tụ và xây dựng công trình giao thông thủy lợi”. Còn nghiên cứu của Trường Đại học Cần Thơ: “Cửa Ba Lai là một ví dụ về sự tàn lụi của một cửa sông do tác động của con người (…) hệ thống cống đập ở cửa sông Ba Lai được xây dựng, hệ quả làm cho quá trình bồi lấp xảy ra nhanh hơn và đến nay thì cửa sông này đã ngừng chảy”.

Ở chân cống đập Ba Lai có anh Đinh Hồng Điệp 38 tuổi, dân xã Thạnh Trị, đang vung chài bắt cá. Anh chỉ bắt cá mạn dưới, không lên phía “ngọt hóa” mạn trên và giải thích: “Trên đó ít cá lắm”. Xa xa theo dòng sông, mạn dưới thấy có thuyền đánh cá còn mạn trên, vắng hoe. Từ ngày xây cống đập Ba Lai đến nay đã 16 năm, chỉ mới thấy những thiệt hại về kinh tế, môi trường. Nếu tiếp tục đầu tư thêm nhiều công trình lớn nữa thì bao giờ đạt được hiệu quả mong muốn và thực ra, cơ sở nào để khẳng định sẽ có hiệu quả?

>> TS Dương Văn Ni, Trường Đại học Cần Thơ: “Với giải pháp công trình, muốn xây cống, đắp đê ở đâu cần hỏi dân và nếu khuyến khích được tư nhân đầu tư càng tốt. Quan điểm của tôi, ngân sách chưa nên đầu tư quá lớn cho việc đắp đập ở các cửa sông lớn vì hiệu quả đến đâu chưa đánh giá được, mà gây hại thì lại rõ như cống đập Ba Lai”.

Sáu Nghệ

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!