Bến Tre: Thúc đẩy Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển

Chưa có đánh giá về bài viết

Tỉnh Bến Tre vừa đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2030 trở thành một trong những tỉnh phát triển mạnh và bền vững về kinh tế biển, trọng tâm là phát triển năng lượng tái tạo, du lịch và thủy sản; từng bước hình thành văn hóa sinh thái biển, thích ứng với biến đổi khí hậu (BĐKH), nước biên dâng, đảm bảo vệ sinh môi trường, ngăn chặn tình trạng sạt lở bờ biển, bảo tồn và phát huy hệ sinh thái biển hiện có.

Tập trung phát triển đô thị các huyện ven biển bền vững, đô thị thông minh gắn với đảm bảo và nâng cao chất lượng cuộc sống người dân

Chi cục trưởng Chi cục Biển và Hải đảo, Sở TN&MT tỉnh Bến Tre Dương Vĩnh Thịnh cho biết, qua hơn 10 năm thực hiện Nghị quyết về Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020, tỉnh Bến Tre đã triển khai các chương trình, nghị quyết về phát triển kinh tế biển theo hướng bền vững, đồng thời quan tâm lập quy hoạch tổng thể thực hiện khai thác và sử dụng bền vững tài nguyên và môi trường vùng ven biển.

Đến nay, tỉnh Bến Tre đã triển khai thực hiện hai dự án, đó là Dự án “Phân vùng chức năng đới bờ tỉnh Bến Tre” và Dự án “Thiết lập hành lang bảo vệ bờ biển tỉnh Bến Tre”. Hai dự án này làm cơ sở cho việc phân vùng chức năng quy hoạch vùng biển của tỉnh, bảo vệ hệ sinh thái và cảnh quan tự nhiên của vùng bờ, giảm thiểu sạt lỡ bờ biển, ứng phó với BĐKH và nước biển dâng, đảm bảo quyền tiếp cận của người dân với biển.

Theo ông Dương Vĩnh Thịnh, để thực hiện Chương trình hành động số 38-CTr/TU của Tỉnh ủy Bến Tre về thực hiện Nghị quyết 36-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Khóa XII về “Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”, mới đây, UBND tỉnh Bến Tre đã xây dựng Kế hoạch để triển khai thực hiện trên địa bàn tỉnh.

Trong đó, đến năm 2030, Bến Tre sẽ phát triển thành công, tạo đột phá một số ngành kinh tế biển, từng bước theo thứ tự ưu tiên như: Năng lượng tái tạo; Phát triển du lịch biển; Khai thác, nuôi trồng, chế biến thủy sản và dịch vụ hậu cần nghề cá; Phát triển công nghiệp, đô thị ven biển; Phát triển thương mại dịch vụ.

Cụ thể, tập trung đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án đầu tư hạ tầng các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn 03 huyện ven biển Ba Tri, Bình Đại và Thạnh Phú. Tổ chức rà soát quy hoạch phát triển khu, cụm công nghiệp trên địa bàn các huyện biển để có đề xuất chủ trương điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp với điều kiện phát triển mới. Đồng thời, nghiên cứu các phương án phát triển đô thị ven biển bền vững, đô thị thông minh gắn với đảm bảo và nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân.

Việc bảo vệ môi trường, bảo tồn, phát triển bền vững đa dạng sinh học biến; chủ động ứng phó và thích ứng với BĐKH, nước biển dâng và phòng, chống thiên tai, UBND tỉnh Bến Tre giao cho Sở TN&MT, Sở NN&PTNT, cùng với UBND các huyện Bình Đại, Ba Tri, Thạnh Phú chủ động phối hợp triển khai tốt công tác bảo tồn đa dạng sinh học, phục hồi các hệ sinh thái, đặc biệt là rừng ngập mặn, rừng phòng hộ ven biển.

Nhiều dự án xây kè giảm sóng bảo vệ bờ biển Bến Tre được hình thành

Về các nhiệm vụ cụ thể hàng năm, ông Dương Vĩnh Thịnh cũng cho rằng, Sở TN&MT sẽ làm nòng cốt trong việc triển khai kế hoạch thiết lập hành lang bảo vệ bờ biển tỉnh Bến Tre; bảo vệ hệ sinh thái, duy trì giá trị dịch vụ của hệ sinh thái và cảnh quang tự nhiên ở vùng bờ; giảm thiểu sạt lở bờ biển, ứng phó với BĐKH, nước biển dâng; đảm bảo quyền tiếp cận của người dân với biển; khai thác, sử dụng hiệu quả tài nguyên vùng bờ theo hướng bền vững.

Bên cạnh đó, xây dựng và triển khai các chương trình, dự án ưu tiên giai đoạn từ nay đến năm 2030 và định hướng đến năm 2045 để từng bước triển khai kế hoạch phân vùng tập trung vào các lĩnh vực: Bảo tồn và phát triển các hệ sinh thái vùng bờ; nâng cao nhận thức cộng đồng về việc khai thác và sử dụng hợp lý không gian vùng bờ; kiểm soát việc thực hiện phân vùng giữa các ngành, các lĩnh vực theo đúng chương trình, kế hoạch đã đề ra.

Đồng thời, nâng cao nhận thức dự báo, cảnh báo giám sát BĐKH, nước biển dâng thông qua việc ứng dụng khoa học, công nghệ tiên tiến, đặc biệt là các mô hình thông minh có khả năng thích ứng, chống chịu với tác động tiêu cực của BĐKH; lồng ghép thích ứng BĐKH vào các chương trình, dự án phát triển kinh tế biển; mở rộng hợp tác, tạo mạng lưới liên kết các tỉnh ven biển vùng ĐBSCL, hợp tác quốc tế trong ứng phó BĐKH và nước biển dâng.

“Trước mắt, từ nay đến đến năm 2020, tỉnh Bến Tre sẽ xây kè giảm sóng bảo vệ bờ biển khu vực Cồn Bửng, xã Thạnh Phong (Thạnh Phú) và khu vực Cồn Ngoài, xã Bảo Thuận (Ba Tri). Hoàn thành và đưa vào sử dụng khu neo đậu trú bão cho tàu cá kết hợp cảng cá Ba Tri. Xây dựng đê bao ngăn mặn kết hợp đường giao thông nối liền các huyện biển, giai đoạn 1. Điều chỉnh, xây dựng quy hoạch đa dạng sinh học tỉnh Bến Tre giai đoạn 2020-2025 và định hướng đến năm 2035…”, ông Dương Vĩnh Thịnh cho hay.

Bạch Thanh

Theo Báo TNMT

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!