T2, 06/07/2020 11:17

Bệnh đốm đen trên TTCT

Chưa có đánh giá về bài viết

Người nuôi tôm ở nhiều nơi đang chia sẻ thông tin về một loại bệnh ở tôm thẻ chân trắng (TTCT), tạm gọi là bệnh đốm đen. Bệnh gây thiệt hại không nhỏ nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời.

Bệnh đốm đen

Nhiều người nuôi tôm cho biết, bệnh đốm đen làm cho tôm chết đến 80 – 90% nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời; nếu điều trị được thì tôm cũng trở nên “xấu mã”, giảm giá trị.

Khi bị bệnh đốm đen, tôm có biểu hiện bỏ ăn hoặc giảm ăn, lờ đờ, hoạt động chậm. Trên thân tôm xuất hiện nhiều đốm đen nhỏ nằm riêng biệt hoặc chụm thành từng đám. Mang có màu tối hoặc đen, đuôi mỏng, phụ bộ bị tổn thương, như mòn đuôi, cụt râu.

Tôm chậm lớn; khi bệnh nặng trên thân có nhiều đốm đen, ruột rỗng, gan tụy nhợt nhạt nhưng không phải là bệnh hoại tử gan tụy (EMS). Đến nay, nguyên nhân bệnh đốm đen cũng chưa được xác định rõ. Tuy nhiên, theo nhiều người nuôi tôm lâu năm, bệnh đốm đen có nhiều điểm giống bệnh hoại tử vỏ.

Bệnh hoại tử thường gặp nhất là dạng vỏ bị tổn thương do vi khuẩn. Những vi khuẩn này thường xuất hiện và gây nhiễm trùng khi vỏ bị tổn thương hay không cứng được (bệnh mềm vỏ). Có nhiều loại vi khuẩn có khả năng ăn mòn lớp kitin ở vỏ tôm và gây lở loét, tạo ra các vết lõm làm cho vỏ bị nhăn nheo. Với những tổn thương trên vỏ, nếu để lâu, kéo dài sẽ bị đen hóa, tạo ra những đốm đen hay nâu. Vì thế nhiều người cho rằng bệnh đốm đen hiện nay là bệnh hoại tử vỏ.

Không chỉ có vi khuẩn mà nhiều loại sinh vật khác như nấm và động vật nguyên sinh cũng có thể xâm nhập và gây tổn thương cho vỏ. Nấm có thể tác động đến mang hoặc vỏ tôm và có khuynh hướng kích thích phản ứng tạo nên những mảng đen trên vỏ. Những động vật nguyên sinh có thể gây ra hiện tượng đen hóa nghiêm trọng trên mang, còn được gọi là bệnh đen mang.

Bệnh đốm đen trên tôm gây thiệt hại lớn cho người nuôi – Ảnh: Máy Cày

 

Nguyên nhân và giải pháp

Thiếu Vitamin C hoặc hàm lượng Vitamin C không đủ cũng có thể là nguyên nhân gây bệnh đốm đen. Tôm thiếu Vitamin C có xuất hiện các đốm đen ở phần bụng, vỏ ngực và phía dưới vỏ kitin ở chân phụ. Tôm bị bệnh thường chán ăn, cơ thịt có màu đục, vào thời kỳ cuối tôm bị bại huyết nhiễm khuẩn.

Thời điểm xảy ra bệnh đen mang từ giai đoạn 20 đến 90 ngày tuổi. Các ao nuôi có tôm bị bệnh đốm đen thường có hàm lượng khí độc NH3 hoặc NO2 vượt ngưỡng, hàm lượng ôxy hòa tan thấp, chất lượng nước ao kém.

Một dấu hiệu đi kèm những mảng đen trên tôm là phần phụ bộ bị tổn thương. Thực tế cho thấy các phụ bộ của tôm có thể bị tổn thương do tôm tấn công nhau hoặc điều kiện đáy ao xấu. Vì vậy, trong nhiều trường hợp cải thiện được nền đáy ao nuôi cũng có thể xử lý, giảm được bệnh hoại tử vỏ tôm và đốm đen.

Bệnh đốm đen cũng hay xảy ra vào thời điểm giao mùa nên người nuôi tôm cần lưu ý để có biện pháp tránh tôm bị stress khi môi trường thay đổi đột ngột.

Để phòng ngừa bệnh đốm đen, cần làm tốt các biện pháp chung như: chú ý cải tạo ao, sát trùng ao nuôi đúng kỹ thuật và an toàn. Nguồn nước lấy vào ao nuôi phải đảm bảo yêu cầu về các thông số: pH, độ mặn, hàm lượng kim loại nặng,… Chọn tôm giống chất lượng tốt, không bị bệnh nấm, ký sinh trùng, vi khuẩn, virus. Thả nuôi với mật độ vừa phải. Luôn đảm bảo mực nước trong ao (1,2 – 1,5 m); hệ thống cung cấp ôxy cho ao luôn hoạt động tốt.

Quản lý tốt thức ăn, tăng cường bổ sung canxi, khoáng giúp tôm lột vỏ và tăng cường sức khỏe cho tôm. Thường xuyên kiểm tra khí độc trong ao như: NH3, H2S, NO2 để có biện pháp xử lý kịp thời.

Định kỳ sử dụng chế phẩm sinh học giúp phân hủy các chất độc, bùn đáy ao tôm tạo môi trường an toàn và thuận lợi giúp tôm phát triển.

>> Để ngăn ngừa và phòng trị bệnh đốm đen có thể bổ sung Vitamin C vào thức ăn cho tôm (trộn Bestot-C, liều lượng 3 – 5 g/kg thức ăn). Tăng cường bổ sung dinh dưỡng cho tôm, nhất là vào thời điểm tôm lột xác, thời tiết thay đổi.

Trọng Nam

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!