Bệnh KHV – rủi ro tiềm ẩn cho nghề nuôi cá chép

Chưa có đánh giá về bài viết

Trước đây, khi nuôi cá chép thương phẩm chủ yếu là nuôi ghép với tỷ lệ thả thấp dưới 10% tổng số cá thả và ít thấy dịch bệnh xuất hiện trên cá chép nuôi. Nhưng ngày nay cá chép đã trở thành đối tượng nuôi chính với tỷ lệ ghép cao, khi đó lại thấy xuất hiện nhiều bệnh trên cá chép nuôi như kênh mang do ấu trùng sán lá ruột Centrocestus formosanus gây ra.

Trong 3 – 4 năm gần đây cá chép nuôi ở khu vực phía Bắc có hiện tượng chết nhiều, có nhiều biểu hiện rất giống với bệnh KHV (Koi Herpesvirus) và lây lan mạnh quanh thời điểm trước và sau Tết âm lịch tại các vùng nuôi cá nước ngọt tập trung, trong đó có nhiều vùng bị bệnh đồng loạt, tỷ lệ chết cao, gây thiệt hại rất lớn cho người nuôi.

Trong năm 2018 – 2019, qua theo dõi các ao cá bị bệnh và mẫu gửi từ các hộ nuôi bị bệnh tại các tỉnh phía Bắc tới xét nghiệm tại Khoa Thủy sản, Học viện Nông nghiệp Việt Nam cho thấy, cá bị bệnh có các biểu hiện tập tính bất thường như thân chuyển màu đen hơn bình thường, nổi mặt ao, bơi lờ đờ, tách đàn và dạt bờ, bong vảy, xuất huyết và đôi khi thoảng bắt gặp hoại tử da. Kiểm tra mang rất nhiều nhớt, dịch nhớt có tính nhầy cao, dễ bám dính vào xương nắp mang. Khi mổ khám, dấu hiệu thường gặp nhất các nội quan dính vào màng bụng, gan, thận sưng to, có thể có xuất huyết và thay đổi màu sắc.

Từ kết quả điều tra gần 300 ao nuôi cá 5 tỉnh có nuôi cá chép nhiều ở khu vực phía Bắc (Hải Dương, Bắc Ninh, Hưng Yên, Hà Nam, Hà Nội) và lấy mẫu giám định bằng phương pháp PCR đã khẳng định cá chép nuôi ở khu vực phía Bắc đã bị bệnh do virus KHV gây ra với tỷ lệ số ao bị bệnh lên tới 37,1%. Cá chép nhỏ có khả năng kháng với KHV nhưng cá trưởng thành lại rất mẫn cảm. Đây có thể là lý do mà cá thường bị bệnh ở những ao nuôi thương phẩm từ 0,5 – 1,2 kg, làm thiệt hại từ dịch bệnh này càng nặng nề hơn, nhiều hộ cá chết hàng loạt và gần như mất trắng. Những ao cá bị bệnh cá có biểu hiện bệnh như bơi lờ đờ, bỏ ăn chiếm 100%, tỷ lệ chết ban đầu là 70 – 80%, nhưng sau đó có thể lên đến 100% do cá bị bệnh bị bội nhiễm vi khuẩn, ký sinh trùng, nấm. Theo báo cáo của một số quốc gia, khi đã phát hiện KHV thì dịch bệnh thường phát tán xa và vùng bị bệnh thường rất rộng lớn, gây thiệt hại cực kỳ nặng nề. Indonesia và Nhật Bản là hai nước có thiệt hại về kinh tế nặng nề nhất. Indonesia đã thiệt hại hơn 15 triệu USD trong 3 tháng xảy ra dịch KHV vào năm 2003, trong khi năm đầu tiên xảy ra dịch KHV, Nhật Bản đã thiệt hại hơn 2, 5 triệu USD và chủ yếu là cá chép cảnh. Với đặc tính của virus và khả năng tồn tại và phát tán rộng, cùng với việc quản lý nước ra vào và vấn đề an toàn sinh học khi bệnh xảy ra còn nhiều bất cập ở Việt Nam có thể chính là lý do làm cho bệnh KHV có thể lây lan nhanh chóng và gây bệnh trên diện rộng bởi ở miền Bắc.

Do vậy, để hạn chế dịch bệnh các ao nuôi trong những năm tới, khuyến cáo người nuôi cần hạn chế thả giống, vận chuyển con giống không rõ nguồn gốc trong thời điểm nhạy cảm hay xảy ra dịch bệnh, định kỳ khử trùng nước ao nuôi, cho cá ăn bổ sung Vitamin C nhằm tăng cường sức đề kháng. Đây là bệnh virus do vậy không thể điều trị, khi phát hiện khi cá bị bệnh tăng cường quạt nước để cung cấp ôxy do cá thường bị tổn thương mang nghiêm trọng, hạn chế lấy và thay nước không kiểm soát nhằm hạn chế lây lan dịch bệnh, tăng cường sức đề kháng cho cá để cá vượt qua dịch bệnh, nếu phát hiện sớm, mang chưa tổn thương nghiêm trọng, cá còn khỏe và vẫn bắt mồi thì tiến hành khử trùng nước để tiêu diệt mầm bệnh trong nước, bổ sung kháng sinh cho cá ăn để diệt vi khuẩn bội nhiễm qua các vết thương.

TS Trương Đình Hoài – Phó Trưởng khoa Thủy sản – Học viện Nông nghiệp Việt Nam

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!