Bệnh liên cầu khuẩn trên cá rô phi và cá điêu hồng

Chưa có đánh giá về bài viết

Cá rô phi và điêu hồng có hiện tượng lồi 1 hoặc 2 bên mắt, cá bỏ ăn, bơi lờ đờ hoặc bơi quay tròn mất định hướng đâm xuống đáy bùn rồi chết. Khi mổ thấy ruột xuất huyết, gan tụ máu. Xin hỏi đây là bệnh gì và cách phòng trị ra sao?

Hỏi: Xin hỏi cách ủ EM tỏi và cách dùng trong NTTS?

(Phạm Văn Thao, phường Châu Phú A, thị xã Châu Đốc, tỉnh An Giang)

Trả lời:

Việc ủ EM tỏi làm thức ăn cho thủy sản là rất tốt, ngoài việc phòng một số bệnh do vi khuẩn và do virus gây ra thì nó còn tăng cường hấp thu các chất dinh dưỡng cũng như kích thích vật nuôi ăn nhiều hơn giúp sinh trưởng và phát triển tốt. Công thức ủ: 10 kg tỏi (bóc sạch vỏ) + 1 kg đường trắng hoặc 3 kg mật rỉ đường hoặc dùng 1 lít EM gốc +1 lít dấm và 16 lít nước đã tiệt trùng. Sau đó nghiền nhỏ tỏi, trộn lẫn đường, nước dấm và ủ. Lấy thùng nhựa hoặc vại sành ủ trong vòng 24 giờ (nếu mùa đông có thể kéo dài hơn). Khi nước có màu sánh nâu, thơm mùi rượu, lúc đó đã thành men và đưa ra cho các động vật thủy sản ăn.

Cho ăn phòng bệnh: Lấy 1 lít chế phẩm EM tỏi trộn với 10 kg thức ăn, sau khoảng 1 giờ và cho ăn. Ngày đầu tiên cho ăn thức ăn thương phẩm trộn với chế phẩm EM tỏi, cho ăn 2 lần một tuần cho đến trước khi thu hoạch. Xử lý tảo gây hại, dùng 20 lít EM tỏi xử lý cho 1.000 m3, xử lý vào chiều tối giúp ao nuôi khống chế tảo phát triển.

Hỏi: Cá rô phi và điêu hồng có hiện tượng lồi 1 hoặc 2 bên mắt, cá bỏ ăn, bơi lờ đờ hoặc bơi quay tròn mất định hướng đâm xuống đáy bùn rồi chết. Khi mổ thấy ruột xuất huyết, gan tụ máu. Xin hỏi đây là bệnh gì và cách phòng trị ra sao?

(Nguyễn Văn Hậu, xã Quang Hưng, huyện Phù Cừ, tỉnh Hưng Yên)

Trả lời:

Theo mô tả, cá có thể bị bệnh liên cầu khuẩn, bệnh do vi khuẩn Strepcoccus sp. G(+) gây ra. Bệnh thường xảy ra và gây chết nhiều vào mùa hè. Để hạn chế bệnh, người nuôi cần tuân thủ đúng quy trình nuôi. Theo đó, định kỳ 2 – 3 tuần/lần dùng vôi bột hòa nước té đều cho ao với lượng 2 – 3 kg/100 m3. Thay nước định kỳ hàng tháng khoảng 30 – 50% lượng nước trong ao. Sử dụng BKC, TCCA té đều khắp ao 1 lần/tháng để diệt khuẩn. Bổ sung máy phun mưa hoặc máy quạt nước để tạo ôxy cho ao nuôi. Điều chỉnh lượng thức ăn phù hợp, tránh cho cá ăn thức ăn dư thừa thức ăn gây ô nhiễm nguồn nước làm cho vật nuôi dễ nhiễm bệnh. Thuốc kháng sinh các dòng Amoxcilline, Florphenicol, Doxycycline đều có tác dụng bằng cách trộn thuốc vào thức ăn cho cá ăn với liều 30 – 50 mg thuốc/kg cá/ngày trong liệu trình 5 – 7 ngày. Khi xử lý bệnh cần quan tâm đến việc sát trùng kép tránh tái nhiễm bằng các loại thuốc sát trùng có tính axít, cần lưu ý đến việc giữ mát, tăng ôxy cho hệ thống nuôi mới mang lại hiệu quả điều trị. 


Hỏi: Biến đổi khí hậu đang ảnh hưởng lớn đến NTTS. Biện pháp nào để tránh rủi ro và giảm thiểu sự tác động này cho người nuôi?

(Nguyễn Trung Thành, xã Tân Đức, huyện Đầm Dơi, tỉnh Cà Mau)

Trả lời:

Người nuôi nên điều chỉnh mùa vụ nuôi; thay đổi đối tượng nuôi; thay đổi mô hình nuôi; tránh thả nuôi vào khoảng thời gian có nhiệt độ xuống quá thấp hoặc lên quá cao. Thả nuôi những loài rộng nhiệt hoặc ít mẫn cảm với nhiệt độ thay đổi như trắm cỏ, chép, cá măng…

Thay vì nuôi đơn (tôm sú, TTCT, cá rô phi…) với mật độ cao, người nuôi nên nuôi ghép các đối tượng với nhau (tôm – cá, tôm – lúa, tôm – rong câu…). Bên cạnh đó, nên áp dụng mô hình nuôi thủy sản lách vụ hay nuôi các loài thủy sản bản địa có sức đề kháng cao, chống chịu tốt với sự thay đổi môi trường. Quản lý tốt môi trường ao nuôi, thường xuyên theo dõi sức khỏe và hoạt động của cá, tôm nuôi để điều chỉnh lượng thức ăn phù hợp.      

      

Ban KHKT – Tạp chí Thủy sản Việt Nam

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!