Bệnh mới trên tôm

Chưa có đánh giá về bài viết

Mới đây, nhiều ao tôm trên địa bàn tỉnh Trà Vinh xuất hiện hện tượng tôm sú bị một căn bệnh mới, tạm gọi là bệnh vênh mang.


Biểu hiện

Qua kiểm tra tôm ở những ao xuất hiện bệnh, tôm sú có các biểu hiện bệnh như: Vỏ hơi mềm, đóng rong nhẹ; vỏ nắp mang bị bong ra và vênh lên, bị mòn tạo sắc tố màu đen; mang dơ; một số tôm vỏ sần sùi giống rễ tre. Theo tài liệu của Hội đồng Nghiên cứu Nông nghiệp Ấn Độ, các biểu hiện này tương tự với một hệ thống bệnh nghiêm trọng do vi khuẩn gây ra. Các vi khuẩn gây bệnh này là Vibrio alginolitucus, Vibrio anguillarum và Vibrio parahaemolyticus. Tôm nhiễm khuẩn có triệu chứng lờ đờ, hôn mê và bơi lội không bình thường. Các chân bơi và chân chèo có thể xuất hiện các đốm đỏ do quá trình gia tăng tổng hợp sắc tố, các đốt bụng có thể bị biến dạng nhẹ. Trường hợp tôm nhiễm bệnh nặng, nắp mang tôm sẽ bị vênh lên và bị ăn mòn. Trong các trường hợp nặng hơn, có thể nhìn thấy các đốm đen trên vỏ đầu và bụng tôm. Bệnh xuất hiện cả ở tôm thẻ và tôm sú.

Bộ môn Bệnh học thủy sản (Khoa Thủy sản, ĐH Nông lâm TP Hồ Chí Minh) đã tiến lấy mẫu nước ao, bùn đáy ao, gan tôm và ruột tôm thu thập và kiểm tra. Kết quả (vi khuẩn được phân lập trên môi trường Chromagar Vibrio) cho thấy mật độ vi khuẩn rất cao, nhất là với 2 khuẩn Vibrio alginolyticus và khuẩn Vibrio vulnificus/Vibrio cholerae. Đối chiếu giữa khảo sát của Bộ môn Bệnh học thủy sản với tài liệu của Hội đồng Nghiên cứu Nông nghiệp Ấn Độ, tôm sú bị vênh mang ở Trà Vinh có những triệu chứng tương tự với căn bệnh nhiễm khuẩn do Vibrio ở Ấn Độ.

Giải pháp

Bệnh tôm có nhiều nguyên nhân, hơn nữa đây là bệnh rất mới trên tôm ở Việt Nam nên chưa có tài liệu, nghiên cứu nào liên quan đến căn bệnh này, chưa thể kết luận được nguyên nhân gây ra bệnh, mới chuẩn đoán dựa trên một số tài liệu. Vì vậy, cần nêu cao biện pháp phòng và trị bệnh. Sử dụng biện pháp ngăn ngừa đối với bệnh nhiễm khuẩn do Vibrio là duy trì chất lượng nước tốt và giảm lượng chất hữu cơ thông qua việc tăng cường thay nước cho ao nuôi. Biện pháp điều trị là tăng cường thay nước bằng nguồn nước mặn và sạch; cho tôm ăn thức ăn có chứa các chất kháng sinh (đã được xác định độ nhạy cảm của mầm bệnh bằng kháng sinh đồ). Ví dụ: Cho ăn thức ăn có chứa Oxytetracyline với hàm lượng 1,5 g/kg, tỷ lệ 2 – 10% trọng lượng tôm trong vòng 10 – 14 ngày, kết hợp quản lý nước ao hợp lý. Lưu ý, cần có thời gian cách ly trước thu hoạch (25 – 30 ngày) để bất hoạt và làm vô hiệu tác dụng có hại của kháng sinh.

Nguyễn An

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!