Biển Đông và nỗi lo trước mùa mưa bão

Chưa có đánh giá về bài viết

Ngày 1/4 vừa qua, chúng ta đã kỷ niệm ngày truyền thống nghề cá Việt Nam trong bối cảnh Trung Quốc ngày càng leo thang với những hoạt động ngăn cản ngư dân đánh bắt ngay trên vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam. Trao đổi với Sài Gòn Tiếp Thị, nguyên bộ trưởng Thuỷ sản Tạ Quang Ngọc cho rằng:

Hình ảnh ngư dân trong xã hội ngày nay khác nhiều so với trước, có sự đùm bọc, tôn trọng của cộng đồng xã hội. Đây là điều rất tốt. Chỉ có điều ta làm thế nào để biến sự tôn trọng đó thành hành động hữu ích, khắc phục khó khăn cho ngư dân để người làm nghề biển cảm thấy yêu biển hơn…

Từ việc bắt giữ ngư dân trước đây nay phía Trung Quốc lại dùng tàu rượt đuổi, dùng vòi rồng, ném đá… để uy hiếp, không cho ngư dân ta khai thác hải sản trên vùng biển Việt Nam. Phải chăng, Trung Quốc đổi thủ đoạn, thưa ông?

Đó là những biểu hiện mới, có chủ ý, mang tính leo thang xâm lấn của Trung Quốc. Ở đây, không chỉ là vấn đề cướp bóc, làm hư hại tài sản của ngư dân, mà trên hết là sinh mạng của ngư dân ta. Tuy nhiên, phải thấy rằng, mọi hành động của Trung Quốc trên biển đều nhằm mục đích xâm lấn. Ngư dân ta đánh bắt trên những vùng biển mà Trung Quốc tuyên bố áp đặt chủ quyền hiện đang bị o ép rất lớn. Trung Quốc đã không loại trừ hành động nào với ngư dân Việt Nam, những người đã nhiều đời khai thác trên các ngư trường truyền thống đó.

Giữa tháng 5 tới đây, Trung Quốc sẽ lại bắt đầu thực hiện việc cấm đánh bắt hàng năm (từ giữa tháng 5 đến hết tháng 7) tại những vùng biển phía nam của họ, thậm chí, họ còn áp đặt lệnh cấm ấy lên cả những vùng biển đang tranh chấp và những nơi không phải của họ. Điều đó, động chạm đến ta rất lớn, nhất là ngư dân. Đồng thời, giữa tháng 5 cũng là lúc bắt đầu những cơn bão. Sự trùng lặp này khiến cho ngư dân ta càng gặp nhiều khó khăn hơn. Những hành động không thể chấp nhận được của phía Trung Quốc như trên lại càng đáng lo ngại hơn.

Theo ông, chúng ta cần phải làm gì trong bối cảnh hiện nay?

Tôi thấy dư luận xã hội đã phản ứng mạnh mẽ trước diễn biến leo thang của Trung Quốc, nhưng việc làm thì chưa đủ mạnh. Và tới đây, khi tổng kết 5 năm thực hiện chiến lược biển đến năm 2020, việc này chắc sẽ được bàn thảo kỹ hơn. Lâu nay, thường thì mỗi khi sự việc xảy ra rồi ta mới bắt đầu lên tiếng, bắt đầu hành động. Bây giờ, chúng ta phải có kịch bản, để biết và ngăn chặn trước khi mọi sự việc xảy ra. Trong chiến lược biển và kịch bản triển khai, phải tính trước những việc này, phải bằng mọi hình thức đấu tranh để hạn chế đến mức thấp nhất việc xảy ra các sự việc đó.

Vai trò của ngư dân trên biển cần được đặt ra một cách đúng mức hơn. Ở đây họ là chủ thể để xây dựng và thực hiện mọi chính sách nghề cá. Nền kinh tế chúng ta có nhiều thành phần, thì đi ra biển cũng phải tính nhiều thành phần, trong đó có vai trò quan trọng của các tổ chức kinh tế nhà nước. Đến cuối thập niên 1990, chúng ta có tới 16 đơn vị quốc doanh có những đội tàu đi đánh cá, có tàu thuyền khác đi dịch vụ thu mua. Nhưng bây giờ, gần như chỉ có ngư dân ra biển đánh cá và tự tổ chức tiêu thụ là chủ yếu. Rất ít đơn vị làm dịch vụ hậu cần nghề cá, kể cả việc làm công ích. Những việc đó cũng chỉ nhỏ nhoi so với con số khoảng 130.000 con tàu, với hơn 600.000 ngư dân và hàng triệu người lao động gắn với nghề cá. Ngư dân ra khơi không chỉ cần lực lượng bảo vệ mình mà quan trọng là có hình thức tổ chức chắc chắn, để bám biển có hiệu quả và tham gia giữ được biển.

>> “Bây giờ, đi đến các làng chài, làng ven biển dọc đất nước, nhiều nơi còn tiêu điều, cuộc sống ngư dân nghèo khổ và trong cái nghèo của cộng đồng nghề cá, thì trẻ em là thiệt thòi nhất. Tôi nghĩ, trẻ em nghèo vùng biển cần được hưởng chế độ giáo dục đặc biệt hơn như ở nước khác. Bởi vì, đó là những thế hệ ngư dân mới, gắn bó và bảo vệ vùng biển chủ quyền của ta”.

Nguyên Bộ trưởng Thủy sản Tạ Quang Ngọc

Châu An (thực hiện)

Sài Gòn Tiếp thị

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!