T2, 06/07/2020 12:38

Biển miền Trung rộn ràng tôm cá

Chưa có đánh giá về bài viết

Sau nhiều nỗ lực khắc phục hậu quả sự cố ô nhiễm môi trường, đến nay biển miền Trung đã dần hồi phục, tôm cá trở về ngày một nhiều, ngư dân lại háo hức ra khơi. Cuộc sống của vùng biển dần bình yên trở lại.

Nhiều thuyền đánh bắt về bến với cá đầy khoang

Nhiều thuyền đánh bắt về bến với cá đầy khoang

Khai thác êm xuôi

Vùng biển miền Trung những ngày này đang tấp nập hoạt động đánh bắt hải sản cũng như các dịch vụ hậu cần nghề cá. Tại cảng Cửa Sót (xã Thạch Kim, huyện Lộc Hà, Hà Tĩnh), khi bình minh chưa tỏ mặt người, từng đoàn thuyền cá bạc đầy khoang đã hối hả nối đuôi nhau cập cảng. Trên bến, dưới thuyền tấp nập người mua, kẻ bán.

Ngư dân Lại Thế Sơn (xã Cẩm Nhượng, huyện Cẩm Xuyên) phấn khởi chia sẻ, thuyền của anh từ đầu năm đến nay đi biển chưa đầy 2 tháng, tổng thu nhập trên 150 tiệu đồng sau khi trừ chi phí, mỗi bạn thuyền thu 30 triệu đồng. Điều đáng mừng nhất là ngư trường vẫn dồi dào tôm cá, người dân đã quay lại sử dụng hải sản ngày càng nhiều. Không chỉ hoạt động khai thác của ngư dân đã khôi phục trở mà tình hình nuôi trồng của người dân cũng có nhiều dấu hiệu khả quan. Những người nuôi trồng thủy sản cũng đã rộn ràng xuống giống. Theo ông Nguyễn Công Hoàng, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Hà Tĩnh, không phải đến bây giờ, mà vụ nuôi cuối năm 2016, diện tích nuôi trồng thủy sản toàn tỉnh đạt 100% kế hoạch với 2.777 ha. Riêng vụ xuân năm nay, Hà Tĩnh đã thả nuôi 660 ha mặn lợ; trong đó, nhiều nhất là huyện Nghi Xuân với khoảng 250 ha. Tình hình nuôi tôm của người dân cũng phát triển ổn định; như chia sẻ của ông Hồ Quang Dũng, Giám đốc HTX Nuôi trồng và Chế biến, Xuất khẩu thủy sản Xuân Thành (Nghi Xuân, Hà Tĩnh), những ngày đầu tháng 3, thời tiết thuận lợi, HTX đã thả gần 7 triệu con tôm giống xuống 4 ao lắng. Việc thả tôm giống xuống ao lắng nhằm tăng tỷ lệ sống và ổn định môi trường nước cho tôm nuôi. Sau 20 – 30 ngày, tôm mới được thả vào các ao nuôi với mật độ 120 – 130 con/m2. Đến nay, tôm phát triển bình thường, hứa hẹn cho năng suất cao.

Là một trong những tỉnh chịu ảnh hưởng nặng nhất từ ô nhiễm môi trường biển, ngư dân Quảng Bình đã và đang phục hồi hoạt động sản xuất ngày một hiệu quả hơn. Ông Hồ Đăng Chiến, Chủ tịch UBND xã Đức Trạch, huyện Bố Trạch cho biết, từ khi có chủ trương khuyến khích ngư dân đầu tư tàu các công suất lớn đánh bắt ngư trường xa theo Nghị định 67/CP, ngư dân địa phương đã mạnh dạn đầu tư tàu lớn, bước đầu mang lại hiệu quả kinh tế. Đức Trạch đã thành lập được 5 tổ hợp tác và 37 tổ đoàn kết trên biển. Hàng năm tổng sản lượng đánh bắt hải sản của xã đạt 8.000 tấn, trong đó có 65% số sản phẩm là mực ống, cá thu, cá hố và một số loại hải sản khác có giá trị kinh tế hàng hóa cao. Ông Phan Văn Vui, chủ tàu QB 8645 công suất 650 CV chia sẻ, trong các chuyến biển vừa qua chủ yếu đánh được cá trích, cá ngân, cá bạc má… Thời điểm đầu năm giá cá đã tăng đáng kể nên ngư dân có thêm thu nhập. Hiện tại, cá trích có giá 15.000 – 18.000 đồn/kg, cá ngân giá 70.000 – 80.000 đồng/kg, cá bạc má 65.000 – 85.000 đồng/kg, mực ống trên 100.000 đồng/kg… tăng gần gấp rưỡu so cuối năm 2016. Ngoài ra, một số ngư dân hành nghề thúng câu, cũng có thu nhập từ 500 nghìn đồng đến 1 triệu đồng mỗi đêm.

Ông Lê Văn Lợi, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Quảng Bình cho biết, tin vui là các tháng đầu năm 2017, tàu thuyền đánh bắt gần bờ cũng như xa bờ đều đạt sản lượng khá, ước 8.975 tấn, chỉ giảm 1,8% so cùng kỳ (thời điểm chưa xảy ra sự cố môi trường biển). Hiện nay, nhiều sản phẩm hải sản được tiêu thụ thuận lợi hơn do người tiêu dùng đã giảm bớt tâm lý e ngại, nhờ đó hoạt động đánh bắt hải sản đang dần trở lại bình thường.

Du lịch sôi động

Cùng với hoạt động khai thác hải sản, các dịch vụ kèm theo như du lịch, nhà hàng cũng theo đó mà phục hồi lại như khoác thêm một màu sắc tươi mới. Hàng chục nhà hàng, khách sạn, quán hàng tại các khu du lịch biển đã đầu tư sửa sang nhà cửa, hàng quán để chuẩn bị đón khách. Và, trên thực tế, lâu nay, khách đã về với các khu du lịch biển khá đông.

Tại các bãi tắm nổi tiếng tại Quảng Trị như Cửa Tùng (huyện Vĩnh Linh), Cửa Việt (huyện Gio Linh) đã có khá đông người dân xuống đây nghỉ ngơi, tắm biển. Đặc biệt, bãi tắm Cửa Việt những ngày này đón nhiều lượt khách du lịch cũng như người dân địa phương đến tắm biển và sử dụng các dịch vụ biển như ăn hải sản, nghỉ ngơi…; so với thời điểm này năm ngoái, lượng khách đã tăng lên nhiều. Ông Nguyễn Huy Hùng, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Quảng Trị cho biết, sau thời gian dài chịu sự ảnh hưởng nặng nề do hậu quả môi trường do Formosa gây ra, du lịch biển Quảng Trị đã có tín hiệu vui trở lại khi lượng khách du lịch bắt đầu tăng lên. Thời gian qua, ngành văn hóa, du lịch cũng tích cực tuyên truyền, quảng bá để người dân yên tâm tắm biển và sử dụng hải sản. Đồng thời, tiếp tục khảo sát, xây dựng các sản phẩm du lịch mới để khôi phục hoạt động du lịch sau sự cố môi trường biển.

Không chỉ Thiên Cầm mà các nhà hàng ven biển ở Xuân Thành, Vũng Áng, Kỳ Xuân, Thạch Hải của Hà Tĩnh cũng đón hàng trăm lượt khách về thưởng thức hải sản mỗi ngày.

>> Một năm sau sự cố môi trường, biển đã nhanh chóng hồi sinh. Từng đoàn thuyền đánh cá lại nối đuôi nhau bám biển lao động, sản xuất, bảo vệ chủ quyền Tổ quốc; các hoạt động liên quan đến biển đều trở lại bình thường sau một thời gian dài lao đao.

Xuân Thi - Hạnh Châu

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!