Biển xanh thì thầm…

Chưa có đánh giá về bài viết

… Rồi mai, trên biển vắng, một người khách cứ ngại ngần bên lối cỏ, như đang cố lần về chốn hoài niệm tình xa…

Ảnh minh họa

Tôi lại nói về biển, dù đã không biết bao lần. Có lẽ, bởi biển không chỉ có thênh thang, rộng mở mà còn thăm thẳm, ẩn huyền. Thửa còn đi học, tôi mê như điếu đổ cuốn Ông già và biển cả của nhà văn Ernest Hemingway. Biển bí ẩn và dữ đội. Ông già cũng bí ẩn và dữ dội chẳng thua. Không những không thua, ông còn hơn biển: Lòng tin. “Đã tám mươi tư ngày rồi lão không bắt được một mống cá nào”. Nhưng ông vẫn đinh ninh tin, trải sẵn lòng đón một vận may sẽ tới. Người ta bảo, đôi mắt ông lão không già, chúng có cùng một màu với nước biển, vui vẻ và không bao giờ thất bại. Phải, đôi mắt bất khả chiến bại ấy sáng rực không chỉ khi ra biển mà ngay ở cuộc vật tay sống mái với một người da đen lực lưỡng ở quán rượu Casablanca. Cuối cùng rồi ông cũng thắng; thắng con cá kiếm khổng lồ, và thắng cả đàn cá mập hung hãn, bằng lòng tin của chính mình, dẫu chiến lợi phẩm chỉ là bộ xương của con cá kiếm.

Thật cảm động, cô độc giữa trùng khơi đầy bất trắc, để sống, để tồn tại, ông lão phải tự động viên cánh tay bị chuột rút của mình; tự an ủi cái đầu tháng chốc lại chở chứng xây xẩm của mình. Đôi khi, thấy mình có triệu chứng rã rời, ông còn tự mắng nhiếc mình nữa. Biển đã dành cho ông một cuộc sát hạch nghiệt ngã, mà mỗi sai lầm có thể phải trả giá bằng mạng sống. Nhưng ông đã vượt qua, bằng sự vượt qua những khoảnh khắc yếu mềm nhất của chính mình. Có vậy mới biết, sức mạnh ý chí của mỗi con người cũng đầy bí ẩn. Những lần ra với Trường Sa, tôi cứ ngắm mãi vóc dáng của một loài cây mang tên phong ba. Đến giời, khi nhắc đến cây phong ba, người ta lại nghĩ đến những người lính ở Trường Sa. Nói một cách không ngoa rằng, cây phong ba là một trong những biểu tượng tuyệt đẹp của Trường Sa, của những người lính Trường Sa. Mà đâu chỉ có phong ba, Trường Sa còn có cả cây bão táp nữa. Phong ba ư? Bão táp ư? Gió ở Trường Sa phóng túng. Sóng ở Trường Sa dữ dằn. Tự lâu rồi, thuyền bè qua lại cứ gọi nơi này là quần đảo bão tố, bởi ở đây giông gió triền miên, khốc hại. Nhiều loài cây thân cành trơ trọi, nhưng cây phong ba, cây bão táp lá vẫn cứ non tơ.

Trên vùng trời biển Trường Sa, một tối biển bàng bạc một màu trăng, tôi ngồi trên boong cao con tàu, vừa rượu, vừa nghe bác sĩ quân y Từ Công Tào kể chuyện Trường Sa bằng… thơ. Thơ anh không kiêu kỳ, mà đầy ắp nỗi niềm. Có chút hoan ca khi người lính lập được chiến công. Có niềm thương nhớ của những chàng trai xa nhà, xa bạn gái. Và cả bao nhiêu hồi tưởng về những đồng đội đã gửi hết thanh xuân vào lòng biển mẹ. Thinh không cứ vời vợi. Biển thì lặng lẽ. Dường như sau cơn dữ dội, biển dồn nén hết thảy xuống những tầng sâu, cho nỗi đau dần hóa thành trầm tích, lạnh lùng, bí ẩn. Tự những ngày nào, cha Lạc đưa bao nhiêu đồng bào tôi ra với biển. Để bây giờ, những đứa trẻ trên Trường Sa thuộc làu làu câu chuyện trăm con. Và những người đàn bà ở đảo không chỉ có sinh con mà ngày đêm dọc ngang bám biển, cùng chồng lo toan cho cuộc sống áo cơm trên biên viễn. Anh Tào đột nhiên cất giọng ngâm: Đụn mây giăng ở chân trời/ Nhấp nhô như thể núi đồi quê hương. Trên con tàu tôi đang đi, và cả trên những đảo nhỏ giữa trập trùng sóng biếc kia, có bao nhiêu con người có đôi mắt mang màu giống như mắt ông lão đánh cá? Tôi biết, có nhiều, rất nhiều. Không tính hết.

Bây giờ, mỗi lần nhắc về em, tôi lại gọi là biển. Khi nhỏ, học môn Sinh vật, cô giáo bảo, những giọt sống đầu tiên trên trái đất sinh ra từ biển. Và, biển tự lúc đó đã dưỡng nuôi vô lượng, bao dung những mầm sinh, cho nên hình, nên hài, cho thành loài, thành lớp. Biển, như tình em, đem cho nhân sinh bao nhiêu mật ngọt, và anh không thể không nói thêm rằng, cũng bấy nhiêu mật đắng. Có người ví em như sóng biển. Lúc vỗ về như câu hát ầu ơ. Khi hờn dỗi là cơn động đất. Ngư dân hay nói: Biển giả. Được đó rồi mất đó. Mất đó lại được đó. Vô thường. Em hồn nhiên trong mỗi sớm hồn nhiên. Trong những thanh âm rộn ràng của một ngày mới, tôi nghe có giọng cười khúc khích, và câu hát đa tình. Em ưu tư trong bao chiều ưu tư. Có chút nắng vàng tiếc nuối cùng những lời hẹn hò vàng đá, nghe bâng khuâng như gió chiều hoang hoải trên thảo nguyên ngút ngát đầy hoa dại. Rồi mai, trên biển vắng, một người khách cứ ngại ngần bên lối cỏ, như đang cố lần về chốn hoài niệm tình xa. Biển vẫn đó. Sóng vẫn đó. Mà dấu vết xưa cũ ở nơi nào…

Tôi đã từng đi đánh cá lưới vây, lưới cản ngoài biển xa; từng đi câu cá bò gù ngoài đại dương, hơn nửa tháng mới vào bờ; và đã mấy lần lênh đênh ngót nghét đến trên dưới ba trăm hải lý ra đến tận quần đảo Trường Sa. Đến một lần, tôi quyết thử lặn ngắm cảnh vật trong lòng biển. Nhìn tôi mang lích kích đồ lặn, anh hướng dẫn viên cười. “Được! Ra dáng lắm!”. Tôi cũng cười. Nhưng hơi… run. Dưới kia, biển sâu quá, nước cứ xanh đen, thăm thẳm. Mà khả năng bơi lội của tôi thì… “Có lặn được không?”, bất giác trong tôi thoáng có câu hỏi ấy. Không hiểu sao, tôi lại hình dung màu mắt ông lão đánh cá. Và nghe mình từ từ chìm xuống, theo kim đồng hồ báo độ sâu cứ nhích dần, nhích dần. Hai mét… Ba mét… Mười mét… Rồi hai mươi mét… Lòng biển vô cùng lộng lẫy. Đẹp quá! Nhưng im ắng quá! Tôi cố lắng nghe. Không một tiếng động. Chỉ có tiếng u u kéo dài, nghe xa, xa lắm. Tôi đang sống trong một không gian khác, với một cảm xúc không sao tả được. Có vậy mới hiểu được vì sao có người nước ngoài đến Nha Trang chỉ được có năm ngày đã dành hết ba ngày đi lặn biển.

Biển mênh mông và sâu thẳm vậy. Nhưng, cần nhớ, không phải là không cùng. Biển đang cần những bàn tay săn sóc, để được mãi bình yên xanh; để những người nặng tình với biển ngày ngày xanh thêm những ước mong về đời sống an lành. Tôi ngồi nghe, ở đâu đó ngoài biển xa có tiếng thì thầm. Hình ảnh những con tàu dũng mãnh lướt sóng, với tôi, đẹp tựa khát vọng bỏng cháy vươn ra khơi xa của những người đi biển.

Tùy bút của Phong Nguyên

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!