Bình Định: Đưa công nghệ cao vào nuôi tôm

Chưa có đánh giá về bài viết

Tỉnh Bình Định đang chú trọng việc ứng dụng công nghệ cao trong nuôi tôm thương phẩm. Đây là bước đột phá trong nuôi trồng thủy sản tại địa phương nhằm mang lại lợi nhuận và gia tăng giá trị cho người dân.

Nuôi tôm công nghệ cao nhằm tạo sản phẩm đạt chất lượng

Tỉnh Bình Định không có nhiều diện tích nuôi trồng thủy sản, do đó, khi quy hoạch các vùng nuôi đến năm 2020, tỉnh đã chú trọng kêu gọi đầu tư nuôi theo hướng ứng dụng công nghệ cao để gia tăng giá trị sản phẩm. Theo xu thế này, Tập đoàn Việt – Úc đã vào Bình Định đầu tư xây dựng khu phức hợp sản xuất tôm thương phẩm ứng dụng công nghệ cao nhằm tạo sản phẩm đạt chất lượng yêu cầu của các thị trường xuất khẩu khó tính như Australia và Nhật Bản.

Khởi công xây dựng khu phức hợp sản xuất tôm chất lượng cao tại xã Mỹ Thành (huyện Phù Mỹ) vào tháng 10/2015, đến nay Công ty Việt – Úc Bình Định đã đưa vào sử dụng 2 khu nhà màng nuôi tôm siêu thâm canh. Theo ông Chế Thanh Hưng, Giám đốc điều hành Công ty Việt – Úc Bình Định, 2 khu nhà màng nói trên được xây dựng hoàn thành vào cuối năm 2017, vật tư xây dựng đều nhập từ nước ngoài. Mỗi nhà màng được xây dựng trên diện tích 1 ha, có chi phí đầu tư 8 – 9 tỷ đồng. Mỗi khu nhà màng có 14 ao nuôi với diện tích 500 m2/ao. Chung quanh mỗi nhà màng nuôi tôm còn được xây dựng nhiều công trình phụ trợ khác, như: Ao lắng, ao thải, nhà máy xử lý khí, nhà máy phát điện, hồ xử lý nước, đừng nội bộ… chiếm khoảng chừng 1 ha đất nữa.

Đầu năm 2018, hai khu nhà màng nói trên được đưa vào sử dụng và Công ty Việt – Úc Bình Định triển khai thả nuôi tôm thương phẩm trong 6 ao, mỗi ao thả 300 – 500 con giống. Hiện, tôm nuôi của Công ty Việt – Úc Bình Định đã cho thu hoạch 4 ao, đạt sản lượng đạt 2 tấn/ao/500 m2, tương đương 40 tấn/ha, cao hơn năng suất tôm nuôi bình thường gấp 5 – 7 lần.

“Quy trình nuôi hoàn toàn dùng men vi sinh và chế phẩm sinh học để con tôm đạt chất lượng tốt nhất, có thể làm hài lòng các thị trường nhập khẩu tôm thương phẩm khó tính như Australia và Nhật Bản. Nuôi tôm trong môi trường nhà màng chúng tôi có thể kiểm soát được nhiệt độ, ánh sáng, độ mặn… và các thông số khác về kỹ thuật. Ngoài ra, Tập đoàn còn mạnh dạn đầu tư thiết bị cho tôm ăn tự động. Thiết bị này có cảm biến đặt dưới ao nuôi, nó “cảm nhận” được khi nào tôm dưới ao muốn ăn và lập tức phun thức ăn cho tôm. Nhờ đó, thức ăn cho tôm được tiết kiệm tối đa và không làm ô nhiễm nguồn nước nuôi”, ông Chế Thanh Hưng, cho biết.

Cũng theo ông Hưng, từ nay đến hết năm 2018, Công ty sẽ tiếp tục xây dựng hoàn thành 8 nhà màng nuôi tôm thương phẩm cùng quy mô nói trên. Theo kế hoạch, bước sang năm 2019, Công ty tiếp tục xây dựng thêm 10 nhà màng nữa và xây dựng nhà máy chế biến cùng nhà máy sản xuất thức ăn thủy sản để hình thành khu nuôi tôm công nghệ cao khép kín chuỗi, theo quy hoạch mà UBND tỉnh đang trình Bộ NN&PTNT thẩm định trình Thủ tướng Chính phủ. Nhà máy sản xuất thức ăn cho tôm mà Công ty xây dựng tại xã Mỹ Thành có công suất 100.000 tấn/năm, mức đầu tư khoảng từ 150 – 200 tỷ đồng.

“Chúng tôi sẽ dùng bã mía nhân lên làm men vi sinh để thay thế cho bột cá, bởi nguyên liệu bột cá ngày càng hiếm. Thực tế nuôi tôm bằng thức ăn nói trên đã được áp dụng tại Bạc Liêu đã cho thấy hiệu quả tăng từ 30 – 35% so với thức ăn thông thường. Khi đã xây dựng hoàn tất khu nhà màng nuôi tôm thương phẩm, chúng tôi sẽ áp dụng phương pháp quan trắc môi trường online. Dưới các ao nuôi được gắn các đầu dò nối với máy điều hành. Đầu dò sẽ tự động báo nguồn nước nuôi thiếu thông số kỹ thuật gì thì chúng tôi điều chỉnh ngay”, ông Hưng cho hay.

>> Theo ông Võ Đình Tâm, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Bình Định, ngoài quy hoạch vùng nuôi với diện tích 406 ha tại xã Mỹ Thành (huyện Phù Mỹ) Bình Định còn giao 126 ha, quy hoạch vùng nuôi tôm công nghệ cao tại 2 xã Cát Thành và Cát Hải (huyện Phù Cát) với diện tích 220 ha.

Vũ Đình Thung

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!