T2, 06/07/2020 09:55

Bình Dương: Hồ Cần Nôm cá chết trắng bè

Chưa có đánh giá về bài viết

Nhận được thông tin từ đường dây nóng, chúng tôi đã kịp thời tiếp cận tìm hiểu hiện tượng một số bè cá nuôi của người dân chết hàng loạt tại hồ Cần Nôm (thuộc xã Thanh An, huyện Dầu Tiếng, tỉnh Bình Dương). Tại bè cá của vợ chồng ông Huỳnh Văn Hiền, nằm giữa lòng hồ Cần Nôm, khi chúng tôi đến vào sáng 9-11, cá chết được chủ bè vớt lên chất thành đống!

Để tìm hiểu nguyên nhân gây ra hiện tượng cá chết hàng loạt, chúng tôi phải mất khá nhiều thời gian tiếp cận nhiều bè cá khác nhau. Do bè nuôi cá của vợ chồng ông Hiền nằm giữa lòng hồ nên chúng tôi phải nhờ anh Phạm Kiều Phong, cán bộ quản lý hồ Cần Nôm dùng xuồng đưa ra bè cá. Theo anh Phong cho biết, hiện tại hồ Cần Nôm vẫn còn 2 hộ nuôi cá bè. Sau đợt mưa lớn kéo dài cách đây mấy hôm, hiện tượng cá chết bắt đầu diễn ra. Tuy nhiên, nghiêm trọng nhất là vào thời điểm chúng tôi nhận được thông tin từ đường dây nóng.

Bà Nguyễn Thị Nở thẫn thờ nhìn bè cá chết

Trao đổi với chúng tôi, bà Nguyễn Thị Nở, vợ ông Huỳnh Văn Hiền không cầm nổi nước mắt kể, chỉ 2 – 3 ngày nữa là lứa cá này được xuất bán, nhưng giờ thì không còn gì! Theo bà Nở, bè cá gia đình bà có 8 lồng, chủ yếu nuôi cá điêu hồng, với số lượng trên 160.000 con (bình quân mỗi lồng hơn 8.000 con). Tính đến thời điểm nay, cá đã được thả nuôi 8 tháng. Bao nhiêu tiền của, vốn liếng đổ vào đây giờ chỉ biết kêu trời! Bà Nở cho biết, vào sáng 8-11, sau khi ngủ dậy vợ chồng bà không tin nổi vào mắt mình vì cá nổi trắng bè. Bao nhiêu hy vọng, mong chờ bỗng chốc tan biến. Ước tính thiệt hại khoảng 8 tấn cá, với giá bán như hiện nay tương đương khoảng 400 triệu đồng. Điều đáng nói là vợ chồng bà Nở phải vay mượn từ ngân hàng và người thân để đầu tư cho bè cá. Cá chết đồng nghĩa với nợ nần chồng chất nên vợ chồng bà Nở càng tuyệt vọng!

Về nguyên nhân gây ra hiện tượng cá chết hàng loạt là do mưa lớn, lượng nước từ các con suối đổ vào hồ Cần Nôm rất lớn, làm lớp bùn dưới đáy hồ bị cuộn lên, phèn từ trong bùn hòa vào nguồn nước gây “xót” cá. Trong khi đó, cá điêu hồng kén nước, chỉ sống được trong môi trường nước trong và sạch, một khi nước nhiễm phèn sẽ gây ra hiện tượng cá chết hàng loạt. Đến sáng 9-11, qua quan sát chúng tôi thấy nước trong lòng hồ Cần Nôm không trong xanh như ngày thường mà vẫn còn đục do bùn đất hòa lẫn trong nước.

Theo anh Phong thì đây không phải là lần đầu tiên cá nuôi trong lòng hồ Cần Nôm bị chết hàng loạt. Những năm trước đây, hồ Cần Nôm có rất nhiều bè nuôi cá. Năm nào vào mùa mưa cá cũng chết hàng loạt do bùn phèn từ đáy hồ cuộn lên khi có mưa lớn. Nhiều hộ nuôi cá vì thế mà phá sản, đành tháo dỡ bè. Anh Lương Văn Thun, em ruột của bà Nở, cho biết trước đây cũng từng đầu tư bè nuôi cá bè với quy mô lớn, nhưng sau vụ cá chết hàng loạt anh Thun đành ngậm đắng nuốt cay từ bỏ nghề cá bè. Ngay vợ chồng bà Nở cũng từng một lần bị cá chết hàng loạt, ước thiệt hại khoảng trên 100 triệu đồng!

Do nhận thấy nghề nuôi cá bè trong lòng hồ Cần Nôm có sự rủi ro cao, bên cạnh đó là nguy cơ gây ô nhiễm nguồn nước hồ, UBND huyện Dầu Tiếng đã có chủ trương ngưng cấp giấy phép cho các hộ nuôi cá bè, tuy nhiên tình trạng đầu tư tự phát vẫn tái diễn. Trong thời gian tới, địa phương sẽ tiếp tục có biện pháp cưỡng chế đối các hộ nuôi cá trong lòng hồ Cần Nôm.

Hoàng Tiến

Báo Bình Dương

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!