Bình Thuận: Tăng cường đồng quản lý hoạt động thủy sản

Chưa có đánh giá về bài viết

Là địa phương có nghề cá phát triển, thời gian qua, tỉnh Bình Thuận đã triển khai nhiều biện pháp nhằm nâng cao chất lượng thủy sản thông qua hoạt động quản lý, bảo vệ nguồn lợi thủy sản ven biển với sự tham gia của cộng đồng ngư dân.

Các đại biểu tham dự lễ khởi động dự án Ảnh: Lê Thành

Sáng 7/5/2018, tại UBND xã Tân Thành, Hội Nghề cá tỉnh Bình Thuận phối hợp với UBND huyện Hàm Thuận Nam tổ chức Lễ khởi động Dự án “Thúc đẩy trao quyền và xây dựng năng lực cho cộng đồng trong quản lý, bảo vệ, phát triển và sử dụng bền vững nguồn lợi thủy sản ven biển tại huyện Hàm Thuận Nam, tỉnh Bình Thuận”.

Dự án được UBND tỉnh phê duyệt tạiQuyết định số 754/QĐ-UBND ngày 19/3/2018 và văn bản thỏa thuận dự án do Chương trình GEF/SGP tài trợ được ký kết ngày 23/3/2018 giữa Chương trình Phát triển Liên hợåp quốc (UNDP) tại Việt Nam và Hội Nghề cá tỉnh Bình Thuận. Dự án này là tiếp nối sự thành công của Dự án đồng quản lý nguồn lợi Sò Lông tại xã Thuận Quý được triển khai từ năm 2015.

Dự án có sự tham gia của cộng đồng tại 3 xã Thuận Quý, Tân Thành và Tân Thuận do UBND huyện Hàm Thuận Nam và Hội Nghề cá tỉnh Bình Thuận làm chủ Dự án. Tổng kinh phí của Dự án là 3 tỷ đồng (trong đó Quỹ UNDP tài trợ 1.137.500.000 đồng). Thời gian thực hiện trong 3 năm (2018 – 2020). Dự án thực hiện với các mục tiêu cụ thể: Bảo vệ, phục hồi các bãi đẻ của các loài thủy sản, cải thiện chất lượng các hệ sinh cảnh và nguồn lợi tại các khu vực điển hình; cải thiện, nâng cao trên 20% mức thu nhập so với hiện tại và tạo được các mô hình sinh kế bền vững, ổn định, lâu dài cho ngư dân; xây dựng Hàm Thuận Nam trở thành mô hình mẫu (về mô hình tiếp cận hệ sinh thái, mô hình quản lý nguồn lợi thủy sản, mô hình tham quan hiện trường chia sẽ kinh nghiệm thực tiễn) cho các địa phương trong và ngoài tỉnh Bình Thuận.

Bước đầu, hai xã trong vùng Dự án là Tân Thành, Tân Thuận đã vận động gần 100 ngư dân tham gia bảo vệ nguồn lợi thủy sản ven bờ. Tại đây, hình thành 20 điểm chà rạn nhân tạo đánh dấu vùng biển, tạo nơi sinh sống, sinh sản nguồn lợi thủy sản; không đánh bắt thủy sản còn non. Lực lượng chức năng như Đồn Biên phòng Tân Thành, Kiểm ngư trong khu vực phối hợp ngư dân địa phương tăng cường ngăn chặn tàu giã cào bay vào tuyến bờ khai thác… Những ngư dân tham gia nguồn lợi cũng sẽ được Quỹ cộng đồng bảo vệ nguồn lợi thủy sản của Dự án cho vay vốn không lãi suất (10 triệu đồng/hộ) để mua sắm ngư lưới cụ, làm thêm các nghề trên bờ như chăn nuôi, buôn bán nhỏ…

Sau khi Dự án hoàn thành sẽ góp phần quản lý, bảo vệ, phát triển và tổ chức khai thác bền vững nguồn lợi thủy sản tại vùng biển ven bờ huyện Hàm Thuận Nam, góp phần mang lại lợi ích thiết yếu phục vụ cho phát triển kinh tế, xã hội và cải thiện thu nhập cho cộng đồng các xã ven biển của địa phương.

Tại Lễ khởi động, Hội Nghề cá tỉnh Bình Thuận đã trao tặng 100 phao tròn, 10 phao bè cứu sinh hỗ trợ bà con ngư dân các xã, góp phần đảm bảo an toàn cho người và tàu cá khi hoạt động trên biển.

Lý Bảo - Thành Chi cục Thủy sản Bình Thuận

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!