T2, 06/07/2020 10:30

Bỏ lửng thị trường nội địa

Chưa có đánh giá về bài viết

Cá tầm Trung Quốc tràn ngập lãnh thổ Việt Nam đã gióng hồi chuông báo động ngành thủy sản về vấn đề thị trường nội địa. Dường như các doanh nghiệp Việt Nam đã quá ưu tiên xuất khẩu, không đặt chỉ tiêu tiêu thụ trong nước.

Thua trên sân nhà

Khi các phương tiện thông tin đại chúng cảnh báo, người ta mới biết thị trường cá tầm ở Việt Nam đã bị bỏ ngỏ. Việt Nam chỉ nuôi và cung cấp cho thị trường được khoảng 1.000 tấn/năm. Một số người ước tính, mỗi năm thị trường bị thiếu 4.000 – 5.000 tấn cá tầm, thúc đẩy nhập lậu xảy ra. Ngoài việc tiêu thụ với giá rẻ (nhờ trốn thuế), rõ ràng với thị trường 5.000 tấn cá tầm mỗi năm, các doanh nghiệp nước ngoài có điều kiện để hạ giá bán của họ. Người ta đã dùng đến chữ “Trung Quốc độc quyền tiêu thụ cá tầm ở Việt Nam”, như một lời báo động.

Một số doanh nghiệp Việt Nam cũng quan tâm cá tầm, nhưng cái khó của họ là “lấy giống từ đâu?”. Các doanh nghiệp cho biết, tại miền Bắc, chỉ Viện Nghiên cứu Nuôi trồng Thủy sản I cung cấp trứng cá tầm. Một nguồn tin cho biết, từ năm 2007 đến nay, chỉ mới 63kg trứng cá tầm được cung cấp cho thị trường Việt Nam (?). Nhiều ý kiến cho rằng thị trường cá tầm Việt Nam không lớn như một số dự báo; nhưng dù sao sự việc cá tầm nhập lậu cũng đã cho thấy trách nhiệm của các doanh nghiệp với thị trường trong nước.

Với thủy sản, thị trường nội địa vẫn chưa được ưu tiên – Ảnh: CTV

Theo Bộ NN&PTNT, giá trị xuất khẩu cá tra 6 tháng đầu năm 2013 đạt khoảng 800 triệu USD, giảm 7,3% so cùng kỳ năm 2012. Trong điều kiện kinh tế thế giới còn suy thoái, tiêu thụ thủy sản cũng gặp nhiều bất lợi, chưa kể việc các nước đẩy mạnh nuôi trồng thủy sản để chủ động nguồn thực phẩm. Thị trường nội địa cần được quan tâm hơn nữa, trong 6 tháng cuối năm và cả những năm kế tiếp.

Hiện, việc khai thác và nuôi trồng thủy sản chủ yếu hướng đến xuất khẩu. Trong nhiều lĩnh vực sản xuất đã đẩy mạnh chủ trương tiêu thụ nội địa, “người Việt dùng hàng Việt”; nhưng dường như với ngành thủy sản thì thị trường nội địa chưa là ưu tiên. Vào siêu thị, đã nhìn thấy sản phẩm được bày bán; nhưng trên các phương tiện truyền thông, không mấy khi thấy quảng cáo cá tra, basa hay tôm Việt Nam. Trong khi đó, có thể thấy ở Mỹ, các hãng nước ngọt như Coca-Cola và Pepsi đã đầu tư lớn thế nào để quảng bá sản phẩm ngay tại thị trường Mỹ. 

 

Trong nỗ lực tự cứu…

Với 86 triệu dân, Việt Nam là quốc gia đông dân không chỉ ở châu Á mà còn cả trên thế giới. Viện Kinh tế và Quy hoạch Thủy sản dự báo nhu cầu thủy sản nội địa tăng 30 – 40% trong thời gian tới. Và năm 2015, tiêu thụ thủy sản trong nước khoảng 790.000 tấn. Vậy tại sao các doanh nghiệp Việt Nam chưa quan tâm nhiều đến thị trường nội địa?

Điều dễ nhận thấy, giá xuất khẩu thường cao hơn bán nội địa. Việc xuất khẩu cũng ổn định với các hợp đồng lớn; trong khi đó tiêu thụ nội địa còn manh mún và rủi ro cao.

Một điểm yếu của các doanh nghiệp thủy sản là khả năng thích nghi với khách hàng trong nước không cao. Sản phẩm tiêu thụ thường chỉ bán dạng tươi sống chưa qua chế biến nên giá thường thấp mà lại nhiều rủi ro. Các sản phẩm chế biến không đa dạng và chưa hấp dẫn người tiêu dùng trong nước.

Một doanh nghiệp ở Hà Tĩnh đã mạnh dạn chế biến nguyên liệu thành sản phẩm sơ chế, như cá thu, tôm đóng gói, mực ống, rế, chả cá. Sản phẩm “rế” thực chất là loại nem cuốn có kết hợp với thịt lợn nạc, tôm mực xay, ớt tiêu, mộc nhĩ… thành một sản phẩm đa ngành. Sản phẩm này được người tiêu dùng tín nhiệm. Trong 5 tháng đầu năm 2013, cơ sở 200 công nhân này đã chế biến được 25 tấn hàng chả cá, rế và tôm đóng gói, tiêu thụ được 35 tấn cá thu.

Việt Nam đang trở thành một nước phát triển; do vậy việc tiêu thụ trong nước cũng phải được xem như một thứ nhiệt kế để thu hút khách hàng trên thị trường khác. Chỉ số tiêu dùng và chất lượng hàng tiêu thụ nội địa phải được đặt lên cao, trước hết là để đảm bảo sức khỏe và an toàn vệ sinh cho chính người dân trong nước, đồng thời đẩy lùi hàng hóa nhập lậu phẩm cấp thấp và tạo uy tín cho sản phẩm sản xuất tại Việt Nam.

Các khâu đầu tư vào sản xuất, tiếp thị, kiểm tra chất lượng sản phẩm xuất khẩu chặt chẽ bao nhiêu thì việc tiêu thụ trong nước lại đang bị buông lỏng bấy nhiêu. Người mua trong nước hầu như không truy xuất được nguồn gốc các loại thủy sản tươi sống, mặt hàng tiêu thụ lớn nhất. Việc kiểm tra chất lượng hàng thủy sản ở các chợ đầu mối không thể so sánh được với kiểm tra ngặt nghèo lô hàng xuất khẩu. Người dân các thành phố sẵn sàng bỏ ra số tiền đáng kể để sử dụng thủy hải sản trong các nhà hàng lớn, mà họ lại không yên tâm với tôm cua bán rong, bán dạo.

Có thể ví ngành thủy sản với cuộc thi người đẹp; trước khi đi thi quốc tế, bạn hãy là hoa hậu trong mắt người Việt Nam!

>> Theo Hiệp hội Cá nước lạnh Việt Nam, cá tầm nhập lậu từ Hà Nội vào TP Hồ Chí Minh qua sân bay Tân Sơn Nhất mỗi ngày 3 – 5 tấn. Giá bán cá lậu chỉ 120.000 – 130.000 đồng/kg, trong khi giá thành cá nội địa Việt Nam gần 200.000 đồng/kg.

Nguyễn Anh

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!