T2, 06/07/2020 12:04

Bỡ ngỡ mô hình cá ngừ theo chuỗi

Chưa có đánh giá về bài viết

Việc thí điểm tổ chức khai thác, thu mua, chế biến, tiêu thụ cá ngừ theo chuỗi doanh nghiệp và ngư dân vẫn còn bỡ ngỡ. Nhận định này được đưa ra tại Hội nghị (do Bộ NN&PTNT tổ chức) tổng kết Đề án “Thí điểm tổ chức khai thác thu mua, chế biến, tiêu thụ cá ngừ theo chuỗi năm 2015” (ảnh).

vụ khai thác thủy sản

Đề án này bước đầu đã thu được nhiều kết quả; tuy nhiên, số mô hình chuỗi liên kết từ khai thác, thu mua, chế biến, tiêu thụ chỉ đếm trên đầu ngón tay.

 

Hợp tác trên biển

Theo báo cáo tại Hội nghị, lượng tàu khai thác cá ngừ đến tháng 12/2015 là 3.040, tập trung tại 3 tỉnh Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa. Sản lượng khai thác cá ngừ đến tháng 11/2015 là 91.356 tấn; trong đó, sản lượng cá ngừ vây vàng và mắt to 17.206 tấn, cá ngừ vằn 74.150 tấn. Hiệu quả kinh tế, đối với nghề câu cá ngừ chỉ khoảng 70% tàu đủ chi phí và có lãi, 30% tàu bị lỗ. Kim ngạch xuất khẩu cá ngừ đến 15/11 đạt 408,672 triệu USD, giảm 4,1% so cùng kỳ 2014. Thị trường xuất khẩu dẫn đầu vẫn là Mỹ, EU, ASEAN, Nhật Bản…

Thực hiện Đề án “Thí điểm tổ chức khai thác, thu mua, chế biến, tiêu thụ cá ngừ theo chuỗi”, Bộ NN&PTNT đã trình Thủ tướng phê duyệt nâng cấp các cảng cá Tam Quan (Bình Định), Đông Tác (Phú Yên), Đá Bạc (Khánh Hòa) thành cảng cá loại I. Triển khai chuyên giao công nghệ vào sản xuất như: thử nghiệm ứng dụng công nghệ bể hạ nhiệt có gắn thiết bị lạnh phục vụ bảo quản trên tàu khai thác cá ngừ; kỹ thuật khai thác và bảo quản cá ngừ sau thu hoạch; mô hình bể hạ nhiệt và hầm bảo quản bằng công nghệ xốp thổi (PU); tổ chức học tập kinh nghiệm của các nước.

khai thác cá ngừ

Hiện chỉ khoảng 70% tàu khai thác cá ngừ đủ chi phí và có lãi – Ảnh: Xuân Trường

Tại Bình Định, UBND tỉnh bỏ trên 10,3 tỷ đồng tổ chức lại mô hình, xây dựng và triển khai Dự án “Chuyển giao công nghệ, ngư cụ của Nhật để khai thác, tiêu thụ nội địa và xuất khẩu cá ngừ dại dương của tỉnh Bình Định” để hỗ trợ ngư dân cải tạo, nâng cấp hầm bảo quản và hỗ trợ thuyền viên; phía Công ty Kato – Yamada (Nhật Bản) cũng hỗ trợ khoảng 1 triệu USD. Qua đó, tổ chức một chuyến biển thử nghiệm ngư cụ Nhật trên 3 tàu câu cá ngừ ở vùng biển gần bờ, đạt kết quả khả quan. Hiện, có 11/25 tàu cải hoán theo công nghệ Nhật thành công.

Tại Phú Yên, đã xây dựng và triển khai mô hình chuỗi liên kết, khai thác, thu mua, chế biến và tiêu thụ cá ngừ của Công ty CP Bá Hải với sự tham gia của 8 tàu khai thác, hoàn thiện quy trình khai thác, xử lý, sơ chế theo công nghệ, kỹ thuật tiên tiến kết hợp áp dụng phương pháp ngủ đông. Qua đó, Công ty thử nghiệm 4 chuyến của 2 tàu câu, sản phẩm chất lượng tốt.

Tỉnh Khánh Hòa tổ chức sản xuất chuỗi giá trị cá ngừ đại dương đông lạnh do 3 ngư đội thực hiện gồm: Ngư đội Trường Sa Lớn (5 tàu), Ngư đội Sinh Tồn (4 tàu) và Ngư đội Hải Vương (2 tàu mẹ thuộc Công ty TNHH Hải Vương). Với hình thức tàu mẹ – tàu con, Công ty đã nhập 2 tàu mẹ trang bị hệ thống cấp đông sâu – 500C theo công nghệ Nhật Bản. Bên cạnh đó, Công ty Yanmar (Nhật Bản) đóng mới 1 tàu cá composite để giới thiệu, đào tạo, chuyển giao công nghệ cho ngư dân Khánh Hòa và đã đánh bắt thử nghiệm 7 chuyến. Công ty này dự kiến xây dựng mô hình sản xuất theo tổ đội tàu câu với hình thức góp vốn liên doanh giữa Công ty và ngư dân, đóng mới 10 tàu dịch vụ hậu cần. Ngoài ra, Công ty TNHH Lê Trứ ở Khánh Hòa cũng đang xây dựng mô hình liên kết sản xuất, tiêu thụ cá ngừ vằn theo chuỗi gồm: đầu tư đóng mới tàu vỏ thép dịch vụ hậu cần và tàu lưới vây khai thác cá ngừ.

 

Chuỗi liên kết đánh bắt cá ngừ

Theo Tổng cục Thủy sản, mặc dù có nhiều tín hiệu đáng mừng nhưng số mô hình chuỗi liên kết khai thác, thu mua, chế biến, tiêu thụ còn ít. Các chính sách đầu tư nâng cấp tàu, hầm bảo quản, chất lượng sản phẩm… chưa được quan tâm triển khai. Đa số ngư dân chưa được đào tạo, hướng dẫn vận hành tàu vỏ thép, vỏ vật liệu mới; chưa được hướng dẫn kỹ thuật khai thác, bảo quản sản phẩm theo công nghệ mới; công tác dự báo ngư trường đã có cải tiến nhưng vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu của ngư dân…

Ông Nguyễn Văn Trung, Vụ trưởng Vụ Khai thác Thủy sản (Tổng cục Thủy sản) nhận định: Nguyên nhân chính do thiếu sự gắn kết giữa các hoạt động, nhiệm vụ trong Chương trình công tác của Ban chỉ đạo; thiếu nhân sự, kinh nghiệm nên còn lúng túng trong tổ chức thực hiện. Chưa thể hiện hết vai trò hỗ trợ của nhà nước, còn tình trạng khoán trắng cho đơn vị cấp dưới và doanh nghiệp tự thực hiện… Theo đó, Tổng cục đề nghị Bộ bố trí nguồn lực đầu tư cho Đề án. Tăng cường hợp tác quốc tế với các nước tiêu thụ sản phẩm để quảng bá thương hiệu, đặc biệt là tìm đầu ra cho cá ngừ Việt Nam.

Phương thức sản xuất cá ngừ theo chuỗi giá trị, chuỗi này là quá trình kết hợp một loạt hoạt động gồm: khai thác ngư trường, bảo quản sản phẩm trên tàu khai thác, vận chuyển về đất liền và đến nhà máy, thu mua, chế biến và tiêu thụ sản phẩm (xuất khẩu hoặc tiêu thụ nội địa). Mỗi mắt xích đều phải hoạt động đồng bộ, từ nó nâng cao hiệu quả đánh bắt, giá trị kinh tế của cá ngừ. Có 2 liên kết dọc và ngang:

Liên kết dọc: chuỗi do doanh nghiệp trực tiếp đầu tư và tổ chức thực hiện; doanh nghiệp hợp tác với chủ tàu khai thác; cơ sở thu mua, nậu vựa làm trung gian liên kết giữa chủ tàu khai thác và doanh nghiệp chế biến tiêu thụ sản phẩm.

Liên kết ngang: tàu cá tổ đội hợp tác sản xuất trên biển, luân phiên đưa cá về bờ; liên kết khai thác với dịch vụ hậu cần thu mua; thu mua và bao tiêu sản phẩm; cung ứng dịch vụ hậu cần phục vụ khai thác cá ngừ.

>> Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Vũ Văn Tám: năm 2016, Đề án cần tập trung thực hiện tốt chính sách phát triển thủy sản; đẩy mạnh chuyển giao công nghệ khai thác và bảo quản cá ngừ tiên tiến cho địa phương và ngư dân; hỗ trợ doanh nghiệp, ngư dân nhập khẩu, ứng dụng, chuyển giao công nghệ mới trong khai thác, sơ chế, bảo quản, chế biến cá ngừ…

Quang Đức

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!