T2, 06/07/2020 12:41

Bức bối tàu giã cào tàn phá biển ven bờ

Chưa có đánh giá về bài viết

Gần đây, vùng biển ven bờ và vùng lộng Quảng Bình xuất hiện nhiều tàu cá lớn đánh bắt hải sản bằng hình thức giã cào. Điều này gây lo ngại về cạn kiệt nguồn lợi, bởi đây là mùa mà các loài cá vào bờ sinh sản.

Tàu giã cào bẻ hướng đâm thẳng ca nô tuần tra   Ảnh: H.C

Tàu giã cào bẻ hướng đâm thẳng ca nô tuần tra Ảnh: H.C

Ngành chức yếu thế

Đêm ngày 19/5, chúng tôi lên tàu số hiệu VN 94429 KN của lực lượng thanh tra thuộc Chi cục Thủy sản Quảng Bình ở cảng Gianh để ra khơi nhằm kiểm soát tàu đánh giã cào trong vùng lộng. Theo ông Lê Ngọc Linh, Chi cục trưởng, từ sau tháng 2 âm lịch, các loài tôm, cá vào các rạn đá ven biển địa phương sinh sản. Thời gian này được cấm khai thác tận diệt như hình thức đánh giã cào; nhưng vì lợi nhuận mà nhiều tàu công suất lớn đã bất chấp để khai thác.

Thuyền trưởng Hoàng Anh Long chỉ tay ra vùng tối: “Tàu đánh giã cào thường tắt đèn nên rất khó nhận ra. Chỉ có kinh nghiệm quan sát tàu trong đêm mới biết được”. Tàu tuần tra đi hơn 2 giờ đồng hồ, vượt qua vùng biển của ngư dân câu mực. Qua tuần tra, phát hiện tàu cá số hiệu QNg 97258TS do anh Nguyễn Thanh Diêu (trú tại xã Nghĩa An, TP Quảng Ngãi) làm thuyền trưởng; khi lưới giã cào được kéo lên, gần tấn cá đủ các loại từ nhỏ đến lớn được đổ xuống sàn tàu; hay tàu QNg 91748 TS và QNg 91847 cùng có công suất 640 CV do Lê Văn Hiền (trú tại Sơn Tịnh, Quảng Ngãi) sau thời gian truy đuổi của lực lượng chức năng đã bị bắt giữ. Còn một số tàu khác, khi bị phát hiện đã dùng vòi nước xịt thẳng vào ca nô tổ công tác nếu đến gần và cắt lưới bỏ chạy. Theo các lực lượng chức năng, do tàu tuần tra có công suất yếu, không đuổi kịp, ca nô cũng chỉ chạy được ngang với tàu họ nên cũng khó làm được gì vì lực lượng mỏng. Vả lại, nếu tàu vi phạm có hành vi chống đối thì cũng chịu vì cũng chỉ có trên tàu lá cờ hiệu chứ chẳng có gì để buộc tàu vi phạm chấp hành hiệu lệnh.

Khó ngăn chặn

Đại úy Trần Văn Thiết, thuyền trưởng Hải đội 2 cho hay, lực lượng Bộ đội Biên phòng cũng đã bắt 6 cặp tàu đánh giã cào ven biển Quảng Bình và tất cả tàu đều của ngư dân tỉnh Quảng Ngãi. Cũng theo lãnh đạo Chi cục Thủy sản Quảng Bình, từ đầu tháng 4 đến nay, hàng chục vụ tàu giã cào đã được tàu tuần tra phát hiện, xử lý và phần lớn cũng là tàu của tỉnh Quảng Ngãi. Tuy nhiên, con số bắt giữ được còn quá ít với thực tế đang diễn ra trên biển gần bờ của địa phương.

 Theo ngư dân Nguyễn Văn Hải (Bảo Ninh, TP Đồng Hới), có ngày trên vùng ven biển Quảng Bình có hơn chục cặp tàu công suất trên 600 CV đánh giã cào. Khi nghe tin tàu tuần tra là họ kéo lưới dong tàu ra khơi để trốn tránh. Anh Hải bức xúc: “Trong khi ngư dân trong tỉnh chấp hành tốt, tàu có công suất trên 300 CV đã ra khơi đánh bắt, thì tàu của các tỉnh công suất lớn lại cứ càn quét đánh bắt kiểu tận diệt. Như vậy, tôm, cá làm sao sinh sản kịp”. Nhiều ngư dân có thuyền nhỏ được đánh bắt ven bờ cũng lo lắng thực sự. Sau hơn một năm xảy sự cố môi trường biển thì mới có được dấu hiệu hồi sinh của cá, tôm; các rạn đá đã trở lại vùng sinh sản cho các loài cá. Do đó, hình thức đánh bắt giã cào đã trực tiếp đe dọa sự hồi sinh của biển.

Mỗi cặp tàu giã cào thường có công suất từ 500 CV trở lên. Vàng lưới giã cào rộng đến cả trăm mét được hai tàu kéo quét sát cả tầng đáy. Lưới này bắt được cả những loài cá mới nhỏ bằng ngón tay người lớn. Mỗi giã kéo thường diễn ra 4 – 7 giờ. Trung bình mỗi tàu thu 2 – 3 tấn cá, mực các loại và cho thu nhập khoảng 20 – 30 triệu đồng/giã lưới. Qua đó, mỗi tàu giã cào có thu nhập khoảng 40 – 60 triệu đồng/ngày. Đó cũng là lý do để tàu giã cào vi phạm có hệ thống.

Có những chủ tàu sau khi bị phạt được giải thích, tuyên truyền và yêu cầu không tái phạm; nhưng ngày liền sau đó đã quay lại vùng biển để đánh bắt. Cặp tàu đôi do thuyền trưởng Nguyễn Thanh Diêu vừa bị bắt và phạt 48 triệu đồng cách đây đúng 10 ngày, lần này bị xử phạt nặng thì mới tính chuyện rời biển Quảng Bình. Riêng cặp tàu của thuyền trưởng Nguyễn Đình Tây (Nghĩa An, TP Quảng Ngãi) mang số hiệu QNg 02665TS và QNg 92662TS đánh giã cào cách bờ biển Quảng Bình khoảng 5 hải lý đã bị tàu tuần tra phát hiện và xử phạt 48 triệu đồng vào ngày 9/5. Hai ngày sau, cặp tàu này đã tái phạm cũng trên cùng tọa độ và bị lực lượng Bộ đội Biên phòng Quảng Bình bắt giữ, xử phạt tiếp 48 triệu đồng.

Tăng cường cho quản lý

Theo anh Lê Ngọc Linh, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Quảng Bình, tàu sắt của lực lượng thanh tra thủy sản tỉnh chỉ có công suất 380 CV, sử dụng nhiều năm và qua nhiều lần sửa chữa lớn. Mỗi lần truy đuổi với tàu giã cào có công suất 600 CV trở lên gặp rất nhiều khó khăn. “Sóng cấp 5 – 6 là tàu chúng tôi nằm bờ nhìn tàu giã cào tung hoành mà không làm gì được”, anh Hoàng Viết Thông, Phó chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Quảng Bình, bộc bạch. Chiếc ca nô cũng công suất nhỏ. Chỉ đuổi theo kịp tàu giã cào có công suất dưới 500 CV để ghi lại số hiệu tàu vi phạm mà thôi. Chính vì tàu yếu, công cụ hỗ trợ không có nên tàu giã cào của các địa phương khác xâm hại vùng biển ven bờ cũng khá coi thường tàu tuần tra.

Theo quy định, những tàu vi phạm chỉ bị lập biên bản xử phạt hành chính chứ không có hình phạt bổ sung nào khác. Theo anh Lê Ngọc Linh, cần bổ sung hình phạt kèm theo là lực lượng chức năng được quyền tịch thu ngư lưới cụ vi phạm. Bởi trên thực tế, tàu vi phạm chỉ chạy ra vùng biển khơi. Đợi khi tàu tuần tra đi khỏi lại quay vào tiếp tục thả lưới đánh bắt ở khu vực cấm. “Có được thẩm quyền tịch thu lưới giã cào thì các tàu vi phạm buộc phải quay về bến vì không có ngư cụ đánh bắt. Qua đó, hạn chế được tình trạng này”, anh Linh nhấn mạnh.

>> Để ngăn chặn tình trạng tàu giã cào xâm hại vùng biển lộng táo tợn và liều lĩnh, UBND tỉnh Quảng Bình đã giao Sở NN&PTNT chủ động lên kế hoạch phối hợp với các lực lượng Bộ đội Biên phòng, Cảnh sát Giao thông đường thủy… tăng cường tuần tra, kiểm soát và ngăn chặn có hiệu quả, tiến tới chấm dứt hoạt động khai thác tận diệt này. Hạnh Châu

Hạnh Châu

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!