Cá chép lai 3 dòng máu

Chưa có đánh giá về bài viết

(Thủy sản Việt Nam) – Cá chép không chỉ đơn thuần là thực phẩm mà còn là vị thuốc quý bổ dưỡng cho sức khỏe, nên hiện nay, nhu cầu về cá chép trên thị trường khá cao.

Loài cá mang 3 dòng máu của 2 châu lục

Giống cá chép V1 là kết quả lai ghép 3 dòng (cá chép trắng Việt Nam, cá chép vảy Hungari với cá chép vàng Indonesia). Cá chép V1 tập hợp được những đặc điểm di truyền quý như chất lượng thịt thơm ngon, khả năng chống chịu bệnh tốt của cá chép Việt Nam; thân ngắn và cao cùng tốc độ tăng trưởng nhanh của cá chép Hungary; đẻ sớm và trứng ít dính của cá chép Indonesia.

Cá chép V1 sống ở tầng đáy, ăn tạp, thức ăn chủ yếu là nhuyễn thể cỡ nhỏ như trai, ốc, mùn bã hữu cơ… Nguồn thức ăn tự nhiên này trong ao bị cạn kiệt theo thời gian vì thế khi nuôi ghép với các loại cá khác trong ao phải bổ sung thêm thức ăn tự chế biến nếu không cá sẽ chậm lớn.

 

Dễ nuôi như cá lai

Cá chép V1 có khả năng chịu đựng tốt hơn so với cá trắm cỏ, rô phi, mè, trôi. Cá chép V1 có thể sống được ở ngưỡng ôxy hòa tan là 3mg/l nhưng không nên thả nuôi với mật độ cao. Mật độ thả nuôi vừa thường là 1-1,5 con/m2, ao nuôi cần có độ sâu từ 0,8-1,2m là tốt nhất, vì ao sâu hơn cá sẽ chậm lớn. Bờ ao nuôi cần được gia cố chắc chắn, tránh bị rò rỉ, mất nước, thậm chí là vỡ bờ gây thất thoát cá.

Trong giai đoạn đầu thả giống, người nuôi cần chú ý bón phân cho ao (phân chuồng + phân xanh, dùng 20-30kg/100m2) để gây màu nước kích thích các sinh vật trong ao phát triển làm gia tăng thức ăn tự nhiên cho cá. Thả cá giống có kích cỡ từ 4 – 6cm là tốt nhất, chọn cá không bị dị hình, cụt râu, rách đuôi, vây; cá khỏe mạnh bơi lội tốt và không bị ký sinh trùng bám như trùng mỏ neo, rận cá… Có thể nuôi đơn hoặc nuôi ghép với cá mè, cá trắm… để tận dụng diện tích và nguồn thức ăn. Hàng ngày, cho cá ăn 2 bữa với thức ăn chứa 60% cám gạo, 30% bột cá nhạt và 10% khô đỗ tương, khô dầu. Cho ăn vào sáng và lúc chiều mát. Nên cho thức ăn vào sàng đặt xung quanh ao để có thể kiểm soát lượng thức ăn.

Mùa vụ nuôi cá chép có thể bắt đầu từ tháng 2-3 hàng năm. Bên cạnh việc nuôi thương phẩm, người dân có thể cho cá chép V1 sinh sản tự nhiên trong ao để tạo nguồn giống, hoặc ương giống phục vụ cho các vùng nuôi.

>> Cho cá ăn bằng thức ăn tự chế biến và chăm sóc tốt, sau 6-8 tháng nuôi cá chép có thể đạt cỡ thương phẩm trung bình từ 0,5-0,7 kg/con.

Vừa qua, tại Thái Nguyên đã diễn ra Hội thảo đánh giá kết quả nhân rộng mô hình ứng dụng khoa học công nghệ nuôi cá chép lai thương phẩm ở huyện Đồng Hỷ. Mô hình thử nghiệm với mật độ 1,5-2 con/m2, sau 7 tháng nuôi, sản lượng đạt 6-7 tấn/ha, cho thu nhập từ 300-350 triệu đồng/ha.

Quốc Minh

 

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

error: Content is protected !!