Cà Mau: Đồng bào Khmer Đá Bạc A : Khởi sắc làng nghề cá bổi

Chưa có đánh giá về bài viết

Hiện nay, trên địa bàn xã Khánh Bình Tây, huyện Trần Văn Thời có trên 140 hộ nuôi cá bổi, trong đó có nhiều hộ vừa kết hợp nuôi, vừa làm khô. Tiêu biểu phải kể đến là 14 hộ dân tộc Khmer ở ấp Đá Bạc A.

Ông Trần Văn Hùng, 59 tuổi, là người sinh ra và lớn lên ở địa phương này, cho biết, ngày trước dân ở đây nghèo khổ lắm, cá thiên nhiên nhiều nhưng bán không ai mua. Giao thông đi lại khó khăn, từ ấp Ðá Bạc A muốn ra trung tâm xã chỉ 5 km nhưng cũng phải bơi xuồng mất 2-3 tiếng đồng hồ. Bây giờ thì khoẻ rồi, điện – đường – trường – trạm đầy đủ, xe gắn máy nhà ai cũng có nên đi đâu cũng tiện.

 

Cán bộ Đồn Biên phòng Sông Đốc thường xuyên đến thăm hỏi bà con làng cá Khmer.

Ông Hùng cho biết thêm, kinh tế gia đình ông và các gia đình trong vùng phát triển là nhờ làm ruộng, mấy năm gần đây phát triển nghề nuôi cá bổi và làm khô. Cá giống tự lai tạo tại địa phương nên giá thành rẻ. Thời gian nuôi từ 6-7 tháng cá sẽ đạt cỡ 8 con/kg. Với diện tích ao nuôi 1.300 m2, ông thả 7.000 con cá bổi giống, mỗi vụ cá thu lãi gần 30 triệu đồng.

Ngoài trồng lúa, gia đình ông Danh Col và bà Thạch Thị Cum, dân tộc Khmer, ngụ cùng ấp Ðá Bạc A, còn nuôi cá sặt bổi và làm khô để bán ra thị trường, mỗi năm thu lợi nhuận gần 200 triệu đồng. Cùng chung tay xây dựng nông thôn mới, ông bà là người đi đầu trong ấp tham gia hiến đất làm đường.

Gần nhà ông Danh Col là gia đình anh Danh Sách, chị Trần Thuỳ Linh cũng đang nuôi 15.000 con cá bổi được 4 tháng tuổi. Ngoài làm ruộng, nuôi cá bổi, hằng ngày anh chị đi thu mua cá bổi từ các hộ dân trong vùng đem về làm khô. Bình quân mỗi ngày anh thu mua được từ 200-250 kg cá tươi, khi đưa cá về nhà anh chị thuê thêm 3 người làm các công đoạn sản xuất cá khô. Cũng theo anh Danh Sách, cứ 2,2 kg cá tươi sẽ làm được 1 kg cá khô. Ðể tránh phụ thuộc thời tiết, những hộ làm khô ở đây đều sử dụng lò sấy. Thời gian cho mẻ sấy kéo dài khoảng 12 giờ, sau khi cá khô sẽ bó thành từng bó, đóng bao chở ra Cà Mau bán cho các vựa.

Nghề nuôi cá bổi và làm khô ở ấp Ðá Bạc A đang đem lại hiệu quả kinh tế cao và ổn định. Người dân trong “làng cá” đoàn kết, thường xuyên chia sẻ kinh nghiệm với nhau. Bà con ở đây cũng rất an tâm về tình hình an ninh trật tự, vì cán bộ Ðồn Biên phòng Sông Ðốc và cán bộ địa phương thường xuyên tuần tra địa bàn, tuyên truyền, vận động bà con nêu cao ý thức cảnh giác bảo vệ tài sản, đề phòng trộm cắp, giữ gìn an ninh trật tự và bảo vệ môi trường.

Chị Trần Thuỳ Linh, vợ anh Danh Sách, khoe, nhờ làm ăn phát đạt mà con em trong ấp nói chung, làng cá nói riêng đều được học hành tử tế. Các con của ông Danh Col người thì làm công an, người làm cán bộ ở huyện, tỉnh. Gia đình chị Thuỳ Linh cũng có 2 đứa con, đứa lớn vừa đậu đại học tại TP Hồ Chí Minh, đứa nhỏ đang học lớp 9 nhiều năm liền là học sinh khá.

Tuy nhiên, để làng cá của đồng bào Khmer ở ấp Ðá Bạc A phát triển bền vững, bà con đang cần được các cơ quan chức năng tư vấn kỹ thuật nuôi, cách phát hiện và điều trị bệnh cho cá, đồng thời có cơ sở thu mua khô ngay tại địa phương để đảm bảo giá và đầu ra ổn định./.

Bài, ảnh: Lê Khoa

Báo Cà Mau

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!