Cà Mau: Hiệu quả và bền vững mô hình tôm – lúa

Chưa có đánh giá về bài viết

Từ 1 – 2 hộ nuôi tiên phong, mô hình tôm càng xanh trên ruộng lúa xã Biển Bạch, huyện Thới Bình đã lan tỏa trong toàn xã, huyện. Từ đó Phòng Nông nghiệp huyện đã lập dự án hỗ trợ hộ dân thực hiện để nhân rộng.

Nhiều triển vọng

Tôm càng xanh tự nhiên gần như biến mất ở Cà Mau khi độ mặn ngày càng tăng do biến đổi khí hậu, thời tiết. Sau nhiều năm tôm sú ngự trị trên vùng ngọt hóa, vùng chuyển dịch của các huyện Thới Bình, Trần Văn Thời, Cái Nước…, môi trường nuôi ngày càng xấu đi do rác thải và người dân sử dụng thuốc bảo vệ thực vật trong nuôi tôm, dịch bệnh thường xuyên xảy ra. Nạn tôm chết kéo dài khiến người nuôi ngày càng khó khăn trong việc tìm đối tượng thay thế đảm bảo thích hợp với sự thay đổi môi trường. Và con tôm càng xanh là một đối tượng nuôi đầy triển vọng trên vùng đất nuôi kết hợp tôm – lúa của vùng nước lợ và ngọt hóa.

Ông Nguyễn Văn Khoái (ấp Trương Thoại, xã Biển Bạch, huyện Thới Bình), người tiên phong áp dụng chuyển đổi đối tượng này 3 năm nay, cho biết: Đây là một trong những mô hình nuôi kết hợp với tôm sú trên ruộng lúa mang lại hiệu quả cao, trong khi tôm sú đang đối diện dịch bệnh. Từ vụ nuôi năm 2011 thành công cho thu nhập từ 40.000 con tôm càng giống, lãi trên 70 triệu đồng, từ đó đến nay mô hình này đã nhân rộng trong toàn xã, cho thu nhập ổn định.

Anh Lê Minh Tài (ấp Trương Thoại) tự học hỏi kỹ thuật từ báo, đài, cán bộ khuyến nông – khuyến ngư cơ sở, đã mạnh dạn thực hiện mô hình tôm càng xanh trên ruộng lúa theo hình thức cho ăn ở mật độ 5 con/m2 trên diện tích 1 ha. Anh cho biết, qua 5 tháng nuôi, thu hoạch được hơn 300kg tôm thịt, lãi hơn 30 triệu đồng.

Nếu mô hình lúa – tôm thời gian qua đã khẳng định tính hiệu quả thì đối tượng tôm càng xanh kết hợp với trồng lúa sẽ bền vững hơn. Đó là do trong quá trình nuôi, tôm càng xanh không bị dịch bệnh, không cần cho ăn và có thể nuôi cùng tôm sú mà không bị ảnh hưởng dịch bệnh từ tôm sú. Nuôi 5-6 tháng mùa mưa là thu hoạch, cùng lợi nhuận cao hơn tôm sú, nên được người dân trong huyện hướng đến áp dụng mô hình này để từng bước thay cho mô hình tôm sú kém hiệu quả trong mùa mưa. Tôm càng xanh còn cho sản lượng cao hơn, khi hộ nuôi áp dụng thả theo mô hình nuôi công nghiệp 5 – 7 con/m2.

 

Cần nhân rộng

Ông Nguyễn Văn Lưu, Phòng Nông nghiệp huyện Thới Bình, cho biết: Thấy hiệu quả tôm càng xanh mang lại từ xã Biển Bạch, năm 2012, Phòng đã triển khai nuôi thí điểm 25 ha tại 3 xã Trí Phải, Trí Lực, Biển Bạch Đông. Kết quả, năng suất bình quân 120kg/ha, lợi nhuận 12 – 15 triệu đồng, có hộ 30 – 40 triệu đồng, lúa đạt 25 giạ/công. Năm 2013, mô hình tôm càng xanh trên ruộng lúa được nhân lên rất nhiều. 

Ảnh: Diệu Lữ

Chính hiệu quả mô hình tôm càng xanh mang lại cho vùng tôm lúa, đặc biệt hơn khi vào mùa mưa hiệu quả của tôm sú mang lại rất thấp; trong khi đó mùa mưa là thế mạnh của tôm càng xanh. Xét về hiệu quả khi áp dụng 2 đối tượng này trong năm thì thu nhập cao hơn độc canh tôm sú.

Tôm càng xanh phát triển mạnh cùng cây lúa. Với sản lượng 300 – 500 kg/ha, tôm càng xanh thu được trong mùa mưa thì tôm sú không sánh được. Hiện nay nhiều địa phương thuộc các huyện Thới Bình, Trần Văn Thời, U Minh, Cái Nước thực hiện mô hình tôm- lúa, rất đông người dân có nhu cầu áp dụng loại hình tôm càng xanh trên ruộng lúa.

Ông Lưu cho biết thêm, có thể khẳng định mô hình tôm càng xanh kết hợp với 1 vụ lúa mang lại hiệu quả cao và phù hợp môi trường vùng tôm – lúa. Có thả tôm là có thu hoạch, ít hay nhiều là do trình độ canh tác, kỹ thuật của người nuôi. Để mô hình thành công hơn nữa, nhu cầu giống chất lượng cần được tính đến.

Diệu Lữ

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!