T2, 06/07/2020 01:09

Cà Mau: Hướng đến nghề cá hiện đại

Chưa có đánh giá về bài viết

Những năm qua, sản lượng khai thác thủy sản tại Cà Mau không ngừng tăng lên, chỉ riêng năm 2017 đạt trên 200 nghìn tấn, đóng góp lớn vào giá trị xuất khẩu thủy, hải sản của tỉnh. Mang lại thành công đó chính là vào việc địa phương đã đẩy mạnh nâng cấp và đầu tư cho lĩnh vực này một cách bài bản và hiệu quả; giúp ngư dân khai thác tăng giá trị.


 Khai thác thủy sản đã góp phần tăng trưởng kinh tế, giải quyết việc làm cho hàng chục nghìn lao động

Nghề cá hiện đại

Vùng biển Cà Mau rộng trên 71.000 km2, nguồn hải sản phong phú, là ngư trường thuận lợi cho ngư dân khu vực ĐBSCL và các tỉnh Nam Trung bộ. Ngành khai thác thủy sản đã góp phần tăng trưởng kinh tế, giải quyết việc làm cho hàng chục nghìn lao động, bảo vệ chủ quyền an ninh trên biển và hải đảo.

Toàn tỉnh hiện có 4.722 tàu cá đăng ký, với tổng công suất 671.312 CV, trong đó, 3.478 tàu có công suất từ 20 CV trở lên. Để ngành khai thác biển phát triển bền vững, tỉnh Cà Mau đang quyết tâm hiện đại hóa đội tàu này.

Ông Trần Quốc Yên, Phó trưởng Phòng NN&PTNT huyện Phú Tân, cho biết, kinh tế biển đóng vai trò quan trọng trong cơ cấu phát triển kinh tế của huyện. Do đó, việc đầu tư cho lĩnh lực này được tỉnh, huyện rất quan tâm. Phú Tân đã xây dựng khu neo đậu tránh, trú bão cho tàu cá và bến cá tại thị trấn Cái Đôi Vàm. Hạng mục xây dựng trụ neo tàu đã nghiệm thu đưa vào sử dụng với chiều dài 2.600 m. Địa bàn huyện có trên 20 cơ sở thu mua hải sản, tập trung ở các xã Nguyễn Việt Khái, Phú Tân, Tân Hải và thị trấn Cái Đôi Vàm.

Thời gian qua, tỉnh Cà Mau đã tích cực hỗ trợ ngư dân đầu tư đóng mới, nâng cấp sửa chữa đội tàu cá có công suất lớn để phục vụ đánh bắt xa bờ và hậu cần nghề cá theo hướng tăng tỷ trọng sản lượng khai thác xa bờ từ 73% lên 80%. Cùng đó, Cà Mau tập trung củng cố, nâng cao hiệu quả hoạt động của đội tàu khai thác xa bờ; hình thành đội tàu dịch vụ hậu cần hiện đại đủ khả năng hoạt động thu mua trên biển và tương xứng với tiềm năng phát triển khai thác thủy sản của tỉnh. Ngoài ra, Cà Mau còn áp dụng khoa học công nghệ trong khai thác, bảo quản sản phẩm để giảm bớt tổn thất sau thu hoạch trong khai thác thủy sản từ trên 20% như hiện nay giảm xuống còn dưới 10% vào năm 2020. Quan tâm đầu tư phát triển thêm nhiều cơ sở phục vụ đóng mới và sửa chữa các loại tàu cá, xây dựng trên chục cảng cá và bến cá đưa vào hoạt động kết hợp làm khu neo đậu tránh trú bão an toàn cho tàu, thuyền. Việc đầu tư phát triển ngành nghề khai thác biển không chỉ nâng hiệu quả về lĩnh vực kinh tế biển của tỉnh trong thời gian tới, mà còn góp phần bảo vệ nguồn lợi thủy sản ven bờ đang đứng trước nguy cơ bị khai thác cạn kiệt.

Khai thác đúng quy định

Sở NN&PTNT Cà Mau đã đề nghị và được UBND tỉnh thống nhất kế hoạch thanh tra, kiểm tra, kiểm soát nghề cá theo hướng dẫn của Ủy ban châu Âu (EC); nhằm phát hiện, ngăn chặn và xử lý đối với các trường hợp vi phạm. Ngành chức năng ưu tiên tập trung kiểm tra các tàu làm nghề khai thác có nguy cơ thực hiện hoạt động khai thác thủy sản trái phép (như nghề lưới kéo, sử dụng xung điện, chất nổ, các nghề xâm phạm đến môi trường và nguồn lợi hải sản). Ngăn chặn việc khai thác sai nội dung ghi trong giấy phép khai thác. Đồng thời, từng bước thực hiện giám sát đối với các tàu cá đang hoạt động trên biển. Bên cạnh đó, Ban quản lý các cảng cá thực hiện hoạt động kiểm tra, đối chiếu các thông tin khai báo về hành trình, vùng biển, ngư trường khai thác.

Ngoài ra, nhiều địa phương tích cực thực hiện Chỉ thị số 11-CT/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về các nhiệm vụ và giải pháp cấp bách tăng cường quản lý, ngăn chặn, chấm dứt tình trạng tàu cá và ngư dân tỉnh Cà Mau khai thác bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài. Ông Lê Phong, Chủ tịch UBND huyện Trần Văn Thời thông tin, để siết chặt quản lý, Huyện ủy, UBND huyện chỉ đạo, yêu cầu tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp chính quyền, các đoàn thể chính trị – xã hội trên địa bàn huyện, tạo chuyển biến mạnh mẽ trong cộng đồng ngư dân về ý thức chấp hành các quy định của pháp luật Việt Nam và các nước lân cận trong khai thác hải sản. Quản lý chặt địa bàn có tàu cá khai thác hải sản xa bờ, kiểm soát chặt chẽ tàu cá, thuyền trưởng, thuyền viên khi xuất nhập biển; kiên quyết cấm ra khơi đối với tàu cá không có hoặc có ngư cụ không đúng với đăng ký, đăng kiểm.

Ông Châu Công Bằng, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT cho biết, tỉnh đã triển khai nhiều kế hoạch, chỉ thị nhằm tăng cường quản lý, ngăn chặn, chấm dứt tình trạng tàu cá và ngư dân của tỉnh khai thác bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài. Sở có chương trình cụ thể nhằm khắc phục “thẻ vàng” của EC; trong đó, có kế hoạch chuyên đề truyền thông nhằm nâng cao nhận thức, giúp ngư dân nhận rõ việc tuân thủ quy định của EC cũng như những khó khăn khi sản phẩm khai thác của tỉnh không thể xuất khẩu sang thị trường châu Âu vì vướng khai thác IUU. Mặt khác, không chỉ hành vi khai thác bất hợp pháp vùng biển nước ngoài mà những hoạt động khai thác trái pháp luật trên vùng biển trong nước cũng bị cấm. Tất cả các sản phẩm trao đổi thương mại với EC, bao gồm các sản phẩm được chế biến phải có giấy chứng nhận khai thác được phê chuẩn, nếu không sẽ bị từ chối nhập khẩu.

Ngoài ra, mục đích của quy trình cấp giấy chứng nhận khai thác bao gồm: đảm bảo truy xuất nguồn gốc sản phẩm trong tất cả các giai đoạn sản xuất, từ khai thác đến marketing, bao gồm chế biến và vận chuyển; cho phép nước treo cờ có thể quản lý tốt hơn hoạt động khai thác của các tàu cá và hỗ trợ việc tuân thủ những quy định về quản lý và bảo tồn; cung cấp căn cứ pháp lý cho sự hợp tác giữa nước treo cờ và nước chế biến, nước chào bán và nước quản lý thông tin. Theo ông Châu Công Bằng, việc triển khai các giải pháp trên không chỉ nhằm khắc phục “thẻ vàng”, mà về lâu dài đây là điều kiện để định hướng, phát triển nghề khai thác biển trở nên hiện đại, phù hợp với các quy chuẩn quốc tế, giúp kinh tế biển phát triển hiệu quả, bền vững hơn.

>> Tỉnh Cà Mau quyết tâm đến năm 2020 sẽ nâng cao hiệu quả ngành nghề khai thác biển. Mục tiêu giảm tàu có công suất dưới 20 CV từ 29% xuống khoảng 11%; tăng dần loại tàu có công suất từ trên 20 CV đến 90 CV từ 37% lên 40%, tăng tàu có công suất từ 90 CV trở lên từ 34% đến 49%. Tuy số lượng tàu khai thác thủy sản giảm khoảng 300 chiếc nhưng sản lượng khai thác hàng năm vẫn không giảm; dự kiến, đến năm 2020, sản lượng khai thác đạt 160.000 tấn; trong đó, có 10.000 tấn tôm.

Vân Anh

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!