Cà mau: Làm giàu từ xen canh lúa – tôm càng xanh toàn đực

Chưa có đánh giá về bài viết

Nhờ chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi với hướng đi an toàn và đúng hướng, huyện Thới Bình, tỉnh Cà Mau đã triển khai nhiều mô hình nông nghiệp mang lại giá trị kinh tế cao như mô hình nuôi tôm quảng canh cải tiến, sản xuất luân canh lúa – tôm và lúa giống chất lượng cao, trong đó tiêu biểu nhất là mô hình nuôi tôm càng xanh toàn đực trên ruộng lúa.

Nông dân Thới Bình thu hoạch tôm càng xanh     Ảnh: TL

Nông dân Thới Bình thu hoạch tôm càng xanh Ảnh: TL

Hiện, toàn huyện Thới Bình có khoảng 7.500 ha nuôi tôm càng xanh, trong đó, tôm càng xanh toàn đực trên 1.000 ha. Mô hình xen canh lúa – tôm càng xanh bước đầu được triển khai tại ấp Kinh 8 xã Tân Bằng với quy mô 50 ha có 47 hộ tham gia nuôi, mật độ thả 15.000 con/ha, cho thức ăn công nghiệp, lúa hoặc khoai mì. Kết quả ban đầu mô hình mang lại khá khả quan, sau 5 tháng nuôi, tôm đạt trọng lượng bình quân khoảng 20 con/kg, năng suất khoảng 250 kg/ha, với giá bán 120.000 – 135.000 đồng/kg bà con thu lại lợi nhuận khoảng 22 – 25 triệu đồng/ha cùng với xen canh lúa Một bụi đỏ đạt năng suất 3,5 – 4 tấn/ha.

Gia đình ông Đặng Văn Thinh, ấp Kênh 8, xã Tân Bằng, trồng lúa kết hợp nuôi tôm càng xanh từ nhiều năm qua, tuy nhiên năm nay ông thí điểm nuôi tôm càng xanh toàn đực, thu lại kết quả đáng mừng. Đợt thu hoạch vừa rồi, gia đình ông thu được lợi nhuận khoảng 25 triệu đồng.

Cũng giống như ông Thinh lần đầu thả nuôi thử 1 ha với 15.000 tôm càng xanh toàn đực, gia đình ông Phan Văn Dũng cùng ấp phấn khởi trước hiệu quả mình đạt được. “Năm đầu tiên gia đình tôi nuôi thí nghiệm thả nuôi 1 ha thu hoạch khoảng 250 kg với giá bán 120.000 đồng/kg, so với các mô hình khác thì mô hình này có nhiều triển vọng hơn, tới đây gia đình sẽ nhân rộng”, ông Dũng nói.

Tôm càng xanh toàn đực được đánh giá thả nuôi phát triển tốt và tăng trọng lượng nhanh hơn so với tôm càng xanh thường, kích thước và khối lượng lớn hơn tôm càng xanh thường, tỷ lệ sống sót sau thả nuôi cao. Nuôi tôm càng xanh toàn đực sẽ rút ngắn được thời gian nuôi, số lượng giống thả nuôi giảm hơn, hiệu quả cao hơn. Đây hiện là đối tượng nuôi được nông dân các vùng lúa – tôm lựa chọn. Tuy nhiên, để phát triển bền vững mô hình này, người dân cần liên kết với nhau, chủ động hợp tác với các đơn vị tiêu thụ; nhất là với các ngành chức năng, cần vào cuộc nhằm giúp nông dân hạ giá thành con giống, tìm đầu ra ổn định; có như thế lợi nhuận của nông dân mới được nâng lên, góp phần nâng cao thu nhập cho bà con.

>> Ông Nguyễn Hoàng Lâm, Trưởng phòng NN&PTNT huyện Thới Bình cho biết, từ năm 2017 trở đi sẽ phát triển mô hình tôm càng xanh toàn đực, giá trị tăng thêm mỗi ha tăng thêm trên 20 triệu đồng. Mô hình này giúp bà con tăng thu nhập trên cùng một đơn vị diện tích, hạn chế ô nhiễm môi trường, cách ly được mầm bệnh cho mô hình lúa – tôm, tạo ra sản phẩm an toàn cho người tiêu dùng.

Thùy Linh (Đài Truyền thanh Thới Bình)

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!