Cà Mau nâng cao sức cạnh tranh các mặt hàng thủy sản xuất khẩu

Chưa có đánh giá về bài viết

Với hơn 300 nghìn ha nuôi trồng thủy sản, tỉnh Cà Mau xác định đây là ngành kinh tế mũi nhọn, trong đó con tôm là sản phẩm xuất khẩu chủ lực, công nghiệp chế biến thủy sản xuất khẩu là động lực chính, đóng vai trò quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh.

Chế biến tôm xuất khẩu tại Công ty TNHH kinh doanh, chế biến thủy sản và xuất nhập khẩu Quốc Việt (TP Cà Mau, tỉnh Cà Mau). Ảnh: HUỲNH LÂM

Chế biến tôm xuất khẩu tại Công ty TNHH kinh doanh, chế biến thủy sản và xuất nhập khẩu Quốc Việt (TP Cà Mau, tỉnh Cà Mau). Ảnh: HUỲNH LÂM

Theo đó, việc nâng cao sức cạnh tranh của thương hiệu thủy sản trong bối cảnh hội nhập kinh tế được tỉnh Cà Mau quan tâm và có nhiều giải pháp như hỗ trợ các doanh nghiệp tham gia các hội chợ thủy sản quốc tế hằng năm. Bên cạnh đó, đẩy mạnh xúc tiến thương mại có trọng tâm, trọng điểm, hạn chế rủi ro nhằm tăng kim ngạch xuất khẩu. Hỗ trợ tư vấn pháp lý cho doanh nghiệp bảo đảm phù hợp thông lệ quốc tế với những cam kết mà Việt Nam đã ký. Hỗ trợ quảng bá sản phẩm hàng hóa thế mạnh, nhất là tôm xuất khẩu; hỗ trợ phát triển công nghiệp chế biến nông, lâm, thủy sản gắn với thị trường tiêu thụ ổn định. Kiểm soát chặt chẽ, xử lý nghiêm hoạt động buôn lậu và gian lận trong thương mại hàng hóa nông, lâm, thủy sản. Đầu tư áp dụng công nghệ tiên tiến trong chế biến thủy sản để nâng cao chất lượng sản phẩm…

Tỉnh Cà Mau có 29 doanh nghiệp chế biến thủy sản với 39 nhà máy, tổng công suất chế biến đạt 185.000 tấn/năm. Có 18 cơ sở đủ tiêu chuẩn xuất khẩu hàng hóa vào Liên minh châu Âu (EU), tỷ lệ hàng giá trị gia tăng chiếm 45,5%. Hiện nay, sản phẩm thủy sản chế biến vẫn là sản phẩm công nghiệp chủ lực của tỉnh, có khả năng cạnh tranh trên thị trường quốc tế; đã xuất khẩu sang 60 quốc gia và vùng lãnh thổ.

* Bình Thuận thu hút các nhà đầu tư có năng lực

Để khai thác tiềm năng thế mạnh phát triển kinh tế, tỉnh Bình Thuận đẩy mạnh thu hút các nhà đầu tư có năng lực thông qua các chính sách ưu đãi về thuế, miễn tiền thuê đất và được áp dụng khung giá tốt nhất. Ngoài ra, tỉnh hỗ trợ tín dụng dành cho việc đào tạo lao động, chuyển giao công nghệ, phát triển thị trường… Hiện toàn tỉnh có hơn 880 dự án đã hoàn thành đưa vào hoạt động, chiếm tỷ lệ 68,9%.

Đến tháng 8 năm nay, Bình Thuận có 1.167 dự án trong nước chấp thuận đầu tư còn hiệu lực với tổng vốn đầu tư 160.000 tỷ đồng. Có 24 quốc gia và vùng lãnh thổ đăng ký đầu tư trên địa bàn tỉnh, với 113 dự án và tổng vốn đầu tư khoảng 3,6 tỷ USD; trong đó, tập trung nhiều nhất ở lĩnh vực du lịch – dịch vụ (có 60 dự án), công nghiệp – xây dựng (tám dự án), nông – lâm nghiệp (tám dự án), nuôi trồng thủy sản (bốn dự án)…

Tiếp giáp khu vực kinh tế trọng điểm phía nam, tỉnh Bình Thuận có hệ thống giao thông liên vùng đang được cải thiện với nhiều dự án trọng điểm đang triển khai như quốc lộ 1A, cao tốc Dầu Giây – Phan Thiết, cao tốc Phan Thiết – Nha Trang, sân bay Phan Thiết…, trong đó tàu du lịch năm sao đã kết nối TP Hồ Chí Minh – Phan Thiết… Ngoài ra, cảng vận tải chuyên dụng Vĩnh Tân cũng đang được đầu tư xây dựng để tiếp nhận tàu tải trọng 30.000 DWT. Bình Thuận đang trở thành tâm điểm thu hút đầu tư các dự án lớn của khu vực Nam Trung Bộ.

Báo Nhân Dân

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!