Cà Mau: Sức bật thủ phủ ngành tôm

Chưa có đánh giá về bài viết

Là một trụ trong “Tứ giác động lực” phát triển ĐBSCL, Cà Mau được đánh giá là địa phương có nhiều tiềm năng lợi thế để phát triển, nhất là trong lĩnh vực nuôi trồng, khai thác và chế biến thủy sản mà đặc biệt là ngành hàng tôm. Để phát huy tiềm năng, thế mạnh là vựa tôm của cả nước, thời gian qua, tỉnh Cà Mau đã thực hiện nhiều giải pháp, cùng những định hướng phát triển mang tính chiến lược.

Cùng lắng nghe chia sẻ của ông Lê Văn Sử (ảnh), Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau với Thủy sản Việt Nam để hiểu thêm về những điều này.

Thưa ông, ông có thể cho biết về mục tiêu phấn đấu ngành tôm của tỉnh đến năm 2030 trở thành trung tâm lớn nhất của vùng ĐBSCL và cả nước như thế nào?

Tỉnh Cà Mau xây dựng Đề án Nâng cao hiệu quả và phát triển bền vững ngành tôm tỉnh Cà Mau đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030, đang trình Bộ Kế hoạch và Đầu tư thẩm định để trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; theo đó, mục tiêu chung phấn đấu phát triển ngành tôm Cà Mau trở thành trung tâm lớn nhất của vùng ĐBSCL và cả nước với mô hình tổ chức sản xuất phù hợp, áp dụng công nghệ tiên tiến để nâng cao năng suất, sản lượng, chất lượng và sức cạnh tranh của sản phẩm tôm Cà Mau, đồng thời thích ứng với biến đổi khí hậu và bảo vệ môi trường sinh thái; mang lại lợi ích cho người dân, doanh nghiệp và nền kinh tế của tỉnh và đất nước. Mục tiêu cụ thể cho từng giai đoạn như sau:

Đến năm 2025:

– Tổng diện tích nuôi tôm 280.000 ha (trong đó, diện tích nuôi tôm nước lợ 260.000 ha; tôm càng xanh 20.000 ha);

– Sản xuất tôm giống đảm bảo chất lượng đáp ứng trên 70% nhu cầu nuôi của tỉnh, sản xuất thức ăn trong tỉnh đáp ứng trên 50% và sản xuất các loại vật tư khác đáp ứng 30% nhu cầu;

– Tổng sản lượng tôm đạt 328.000 tấn (trong đó, sản lượng tôm nước lợ 320.000 tấn; tôm càng xanh 8.000 tấn);

– Giá trị kim ngạch xuất khẩu 2,5 tỷ USD.

 Đến năm 2030:

– Tổng diện tích nuôi tôm 265.000 ha (trong đó, diện tích nuôi tôm nước lợ 245.000 ha; tôm càng xanh ổn định 20.000 ha);

– Sản xuất tôm giống đảm bảo chất lượng đáp ứng trên 80% nhu cầu nuôi của tỉnh, sản xuất thức ăn trong tỉnh đáp ứng trên 65% và sản xuất các loại vật tư khác đáp ứng 40% nhu cầu;

– Tổng sản lượng tôm nuôi 410.000 tấn (trong đó, sản lượng tôm nước lợ 400.000 tấn; tôm càng xanh 10.000 tấn);

– Giá trị kim ngạch xuất khẩu 3 tỷ USD.

Nuôi tôm sinh thái ngày một phát triển tại Cà Mau nói riêng và ĐBSCL nói chung – Ảnh: T.U

Là địa phương có lợi thế số 1 về phát triển ngành hàng tôm, ông có thể chia sẻ thêm về định hướng mặt hàng này tại Cà Mau như thế nào, thưa ông?

Định hướng phát triển nuôi tôm phải phù hợp cho từng đối tượng, loại hình nuôi với từng vùng sinh thái và đáp ứng nhu cầu thị trường:

– Đối với nuôi tôm sú: Phát triển nuôi ở tất cả các vùng với nhiều hình thức như thâm canh, bán thâm canh, quảng canh cải tiến, quảng canh, tôm – lúa, tôm – rừng… gắn với các tiêu chuẩn chất lượng như tôm sinh thái, tôm hữu cơ, ASC…

– Đối với nuôi TTCT: Phát triển nuôi chỉ với hình thức siêu thâm canh, thâm canh ở những vùng nuôi có điều kiện thuận lợi, phù hợp với quy hoạch tổng thể nuôi trồng thủy sản.

– Đối với nuôi tôm càng xanh: Phát triển nuôi với các hình thức quảng canh cải tiến kết hợp, nuôi bán thâm canh ở những vùng sản xuất tôm – lúa, tập trung phát triển nuôi tôm càng xanh toàn đực để nâng cao sản lượng và giá trị.

– Về sản xuất tôm giống: Quy hoạch các khu sản xuất giống tập trung, quy mô lớn, quy trình công nghệ hiện đại, sản xuất giống chất lượng cao.

Thủ tướng chính phủ Nguyễn Xuân Phúc thăm nhà máy chế biến tôm của Tập đoàn Minh Phú tại Cà Mau – Ảnh: NHQ

 

Để có thể phát huy tiềm năng, thế mạnh, giúp ngành tôm Cà Mau nói riêng phát triển và đóng góp chung vào thành tích của ngành tôm Việt Nam, ghi dấu ấn trên bản đồ tôm thế giới, theo ông, cần thực hiện những giải pháp hữu hiệu nào, thưa ông?

Giải pháp về cơ chế, chính sách thu hút nguồn vốn đầu tư

 – Triển khai hiệu quả các chính sách hiện hành còn hiệu lực để phát triển ngành tôm trong tỉnh, đồng thời tiến hành xây dựng cơ chế đặc thù để phát triển ngành tôm của tỉnh, đặc biệt là tôm hữu cơ sinh thái.

– Đơn giản hóa thủ tục hành chính để thu hút đầu tư của các thành phần kinh tế xây dựng khu sản xuất áp dụng công nghệ cao để phát triển ngành tôm trong tỉnh.

– Xây dựng các chính sách liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh trong toàn chuỗi ngành tôm, đặc biệt có những chính sách để thu thút đầu tư vào công nghệ phụ trợ, áp dụng công nghệ mới như tự động hóa, công nghệ nano… Nâng định mức và thời hạn vay vốn đối với đầu tư phát triển ngành tôm, ưu tiên đầu tư vào nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ mới vào sản xuất.

– Đa dạng hóa hình thức đầu tư để thu hút nguồn vốn ngoài nhà nước đầu tư vào phát triển ngành công nghiệp tôm như PPP, BOT, BT…

Giải pháp về tổ chức sản xuất

– Xây dựng cơ chế, chính sách, thủ tục pháp lý, các giải pháp phù hợp nhằm thúc đẩy quá trình tích tụ đất đai, thu hút doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nuôi tôm.

– Xây dựng mô hình doanh nghiệp xã hội trong ngành tôm của tỉnh, nâng cao giá trị sản phẩm tôm.

– Tiến hành thí điểm đánh số và tiến tới hoàn thiện cấp mã số theo quy định để thuận lợi trong việc truy xuất nguồn gốc, giám sát vùng nuôi.

– Xây dựng cơ chế liên kết giữa cơ sở sản xuất tôm bố mẹ (đã gia hóa, chọn tạo) với các cơ sở sản xuất con giống, cơ sở ương dưỡng và các vùng nuôi thương phẩm để kiểm soát chặt chẽ nguồn gốc, chất lượng con giống, đồng thời nâng cao hiệu quả sản xuất.

– Tổ chức liên kết theo chuỗi giá trị sản phẩm tôm gắn với xây dựng vùng nuôi an toàn vệ sinh thực phẩm và an toàn dịch bệnh để chủ động tổ chức sản xuất và nâng cao giá trị và sức cạnh tranh của sản phẩm tôm Cà Mau.

– Xây dựng các mô hình quản lý ngành tôm phù hợp với từng vùng, khu vực, ưu tiên mô hình quản lý có sự tham gia và giám sát của các bên có liên quan (đồng quản lý).

– Xây dựng các mô hình liên kết sản xuất ngành tôm phù hợp với đặc điểm tự nhiên và kinh tế – xã hội của từng vùng.

Giải pháp quản lý sản xuất, kinh doanh ngành tôm

– Quy định điều kiện sản xuất cụ thể đối với cơ sở nuôi phù hợp với điều kiện sinh thái và hình thức nuôi.

– Rà soát, sửa đổi, điều chỉnh, bổ sung các quy định về quản lý hoạt động sản xuất toàn chuỗi ngành tôm (sản xuất con giống, vật tư đầu vào; kiểm soát môi trường, dịch bệnh, an toàn vệ sinh thực phẩm…) để quản lý chặt chẽ hoạt động sản xuất, kinh doanh trong ngành tôm của tỉnh.

– Tinh giản những thủ tục hành chính gây cản trở đến hoạt động sản xuất kinh doanh trong ngành tôm, bãi bỏ các quy định điều kiện không phù hợp, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các thành phần kinh tế đầu tư vào phát triển ngành tôm của tỉnh.

– Tăng cường kiểm soát, giám sát của các cơ quan chức năng đối với hoạt động toàn chuỗi ngành tôm, đặc biệt là các vùng sản xuất tôm trọng điểm của tỉnh. Áp dụng khoa học công nghệ, đặc biệt công nghệ thông tin trong quản lý và giám sát hoạt động toàn chuỗi ngành tôm.

– Tuyên truyền, phổ biến các quy định trong các hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam với các nước trong khu vực và trên thế giới, các rào cản thương mại… đến các doanh nghiệp, người sản xuất tôm. Hỗ trợ doanh nghiệp đấu tranh, xử lý các vụ kiện chống bán phá giá, các rào cản kỹ thuật bất hợp lý, không để bị động về thị trường tiêu thụ sản phẩm tôm.

– Xây dựng đường dây nóng để khiếu nại, tố cáo các hành vi vi phạm trong sản xuất và kinh doanh ngành tôm. Xây dựng quy định khen thưởng đối với các cá nhân tố cáo các tổ chức, cá nhân vi phạm, đồng thời xử phạt nghiêm minh, kịp thời đối với các hành vi, đối tượng vi phạm quy định.

Trân trọng cảm ơn ông!

 >> Cà Mau có diện tích nuôi tôm trên 280.000 ha, chiếm 40% diện tích, 30% giá trị kim ngạch xuất khẩu tôm của cả nước. Hiện,toàn tỉnh có trên 30 nhà máy chế biến, với công suất khoảng 200.000 tấn/năm, trong đó chế biến tôm là chủ yếu. Sản phẩm tôm Cà Mau đã có mặt trên 90 quốc gia, trong đó thị trường xuất khẩu chính gồm Mỹ, Nhật Bản, EU và Trung Quốc. 

Diệu Lữ (Thực hiện)

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!