Cà Mau: Thách thức nuôi tôm công nghiệp siêu thâm canh

Chưa có đánh giá về bài viết

Từ đầu năm đến nay diện tích nuôi tôm thẻ chân trắng siêu thâm canh trên địa bàn tỉnh Cà Mau tăng nhanh, từ hơn 100 ha nay tăng gần 700 ha. Do hiệu quả của mô hình mang lại, nhiều công ty, doanh nghiệp kinh doanh vật tư thủy sản trong và ngoài tỉnh cùng tham gia xây dựng mô hình, quy trình nuôi khác nhau dẫn đến nhiều nông dân thất bại nặng với mô hình này.

Thu hoạch tôm siêu thâm canh tại Cà Mau   Ảnh: DL

Thu hoạch tôm siêu thâm canh tại Cà Mau Ảnh: DL

Vượt tầm kiểm soát

Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông – Khuyến ngư Cà Mau, ông Mã Huy cho biết: “Đến nay, Trung tâm đã thống kê được gần 700 ha nuôi tôm thẻ chân trắng siêu thâm canh và đang tăng lên hàng tuần”.

Chính sự phát triển nhanh của loại hình này cho thấy, phong trào nuôi tôm công nghiệp nói chung và nuôi tôm siêu thâm canh Cà Mau nói riêng lại một lần nữa phát triển vượt tầm kiểm soát của ngành chức năng, nhất là công tác quản lý dịch bệnh, môi trường vùng nuôi, đầu tư hạ tầng… ; Trong khi, đây được đánh giá là loại hình nuôi có điều kiện, không phải nông dân có tiền là nuôi được mà nó cần có sự chuẩn bị các điều kiện cơ bản cần thiết, nhất là quy trình kỹ thuật nuôi.

Trước tình hình trên, Sở NN&PTNT Cà Mau chỉ đạo Chi cục Thủy sản và Trung tâm Khuyến nông – Khuyến ngư tỉnh tiến hành rà soát, thẩm định lại quy tình nuôi chuẩn cho loại hình này để tránh những thất bại cho người dân khi phải bỏ ra số tiền rất lớn để thực hiện mô hình.

Nhân rộng hai quy trình nuôi

Hai quy trình nuôi tôm siêu thâm canh được Sở NN&PTNT tỉnh thẩm định đủ điều kiện triển khai trong dân hiện nay đó là quy trình nuôi tôm 2 giai đoạn của Công ty Cổ phần Chăn nuôi C.P. Việt Nam và mô hình nuôi tôm theo công nghệ Biofloc của Công ty TNHH SX&TM Trúc Anh.

Ông Lê Anh Xuân, Giám đốc Công ty TNHH SX&TM Trúc Anh cho biết: “Do quy trình này không sử dụng kháng sinh hay hóa chất, không phá hoại môi trường, ít thay nước, chỉ sử dụng chế phẩm sinh học gây floc tạo điều kiện môi trường sinh thái ổn định, cân bằng từ đó hạn chế dịch bệnh xảy ra. Và khi ứng dụng quy trình này, giúp hộ nuôi loại bỏ được tư tưởng sử dụng kháng sinh, hóa chất và không phải tốn công trà bạt… trong quá trình sản xuất. Cho nên, người dân rất thích mô hình này”. Với quy trình, công nghệ trên được Công ty Trúc Anh ký chương trình phối hợp với Trung tâm Khuyến nông – Khuyến ngư Cà Mau tập huấn cho cán bộ khuyến nông cơ sở để bám sát địa bàn, khuyến cáo, hướng dẫn nông dân tuân thủ các điều kiện của ngành nông nghiệp, cũng như áp dụng đúng quy trình kỹ thuật này.

Ông Mã Huy cho biết: “Các hộ phát triển nuôi mới sẽ được Trung tâm tiếp tục phối hợp với các công ty, doanh nghiệp có công nghệ mới được công nhận, thẩm định có hiệu quả để phối hợp tập huấn kỹ thuật nuôi cho nông dân. Hiện nay, theo quy trình nuôi 2 giai đoạn của Công ty Trúc Anh đáp ứng được các điều kiện như ít thay nước, giảm thiểu rủi ro, tác động đến môi trường… nên phù hợp với điều kiện khó khăn của Cà Mau hiện nay”.

Theo ngành chuyên môn nhận định, loại hình nuôi tôm siêu thâm canh sẽ phát triển mạnh trong năm 2018 và đây là những hộ nuôi thâm canh thông thường, chưa trang bị về mặt kỹ thuật, quy trình nuôi bài bản. Chính vì vậy, việc chuyển giao quy trình nuôi thành công của ngành chuyên môn là một công việc cần thiết cho sự phát triển bền vững của loại hình này trong thời gian tới.

Hoàng Diệu

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!