Cá tra “nâng phần” thị trường nội địa

Chưa có đánh giá về bài viết

“Hội chợ cá tra và các sản phẩm thủy sản Việt Nam” diễn ra tại Hà Nội từ ngày 6 – 8/10 do Bộ NN&PTNT tổ chức đã thu hút sự tham gia đông đảo của các doanh nghiệp và người tiêu dùng. Đây là sự kiện quan trọng trong mục tiêu đưa sản phẩm cá tra chiếm lĩnh và mở rộng thị trường tiêu thụ nội địa cũng như các khu vực lân cận.

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường thăm gian hàng cá tra tại Hội chợ   Ảnh: Minh Vũ

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường thăm gian hàng cá tra tại Hội chợ Ảnh: Minh Vũ

Hẫn dẫn và đa dạng

Hội chợ cá tra và các sản phẩm thủy sản Việt Nam là sự kiện lần đầu tiên được Bộ NN&PTNT tổ chức nhằm giới thiệu đến các cơ quan bộ, ngành, doanh nghiệp trong và ngoài nước cũng như người dân sản phẩm giá trị gia tăng và truy xuất nguồn gốc của con cá tra, basa. Đồng thời, cũng là cơ hội giúp người tiêu dùng trong nước hiểu đúng và rõ hơn về những giá trị kinh tế của loài thủy sản độc tôn vùng ĐBSCL này.

Hội chợ đã thu hút sự quan tâm và tham gia của những doanh nghiệp hàng đầu về sản xuất, chế biến và xuất khẩu cá tra; một trong những tên tuổi lớn phải kể đến đó là: Công ty CP Vĩnh Hoàn, Công ty CP Gò Đàng, Công ty TNHH Hùng Cá, Công ty CP Đầu tư và Phát triển Đa quốc gia (IDI), Công ty CP Nam Việt… Đây đều là những đơn vị có thế mạnh về xuất khẩu cá tra tại nhiều thị trường lớn trên thế giới; bên cạnh việc tập trung vào những thị trường truyền thống, trọng điểm như Mỹ, EU…; những doanh nghiệp này cũng muốn mở rộng thị phần đối với người tiêu dùng trong nước. Bởi, cá tra của Việt Nam có rất nhiều lợi thế để phát triển, từ việc nuôi trồng theo công nghệ hiện đại, đảm bảo các tiêu chuẩn của quốc tế đến hệ thống nhà máy chế biến và xuất khẩu. Theo đó, các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu cá tra cũng mong muốn người tiêu dùng trong nước tiếp cận và thưởng thức những sản phẩm được chế biến từ cá tra với giá trị dinh dưỡng cao, thơm ngon và bổ dưỡng.

Ông Lê Thanh Thuấn, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Sao Mai, một trong những đơn vị hàng đầu về chế biến, xuất khẩu cá tra chia sẻ, bên cạnh những thị trường xuất khẩu truyền thống trước đây, có thể thấy thị trường nội địa cũng là mảnh đất rất màu mỡ cho việc phát triển các sản phẩm cá tra. IDI  (thành viên của Tập đoàn Sao Mai) là doanh nghiệp đầu tiên ở Việt Nam hoàn thành khép kín chuỗi từ nuôi trồng – chế biến – sản xuất sản phẩm thủy sản xuất khẩu. Bằng công nghệ tinh luyện hiện đại hàng đầu châu Âu, sử dụng phương pháp vật lý trong quy trình tách, chiết, khử mùi, hoàn toàn không sử dụng hóa chất can thiệp đã giúp Dầu ăn cao cấp Ranee chẳng những giữ lại đầy đủ trọn vẹn các dưỡng chất quý từ mỡ cá mà còn có mùi thơm đặc trưng của dầu ăn gốc động vật tự nhiên.

Khu vực thu hút sự quan tâm và chú ý của khách tham quan chính là khu ẩm thực với tên gọi “Ngày hội ẩm thực cá tra” trong khuôn viên Triển lãm với gần 300 m2. Các đầu bếp chuyên nghiệp đã giới thiệu chất lượng, dinh dưỡng của sản phẩm cá tra với sức khỏe con người, trình diễn khoảng 20 món ăn được chế biến từ cá tra. Khách tham quan và người tiêu dùng phía Bắc lần đầu được thưởng thức các thực đơn cá tra hấp dẫn, cách thức nấu các món ăn từ cá tra ngay tại Hội chợ. Nhiều món ngon tinh túy từ cá tra như súp bong bóng cá, bao tử cá chiên giòn, chả cá thì là chiên, tàu hủ cá chiên, cá fillet chiên sốt cà, cá cuộn hoa hồng sốt chanh dây, bao tử cá chiên giòn… cũng được giới thiệu rộng rãi tới người tiêu dùng miền Bắc.

Không bỏ lỡ cơ hội

Nói đến cá tra, nhiều người chỉ biết rằng đây là sản phẩm chủ yếu để phục vụ cho xuất khẩu; với hơn 40 chủng loại sản phẩm giá trị gia tăng, sản phẩm cá tra Việt Nam đã xuất sang hơn 140 quốc gia và vùng lãnh thổ. Tuy nhiên ở thị trường trong nước, đặc biệt là thị trường phía Bắc nước ta, các sản phẩm cá tra vẫn đang là mặt hàng rất mới mẻ, thậm chí xa lạ với nhiều người. Vậy vì sao một sản phẩm được nhiều quốc gia đón nhận mà người dân trong nước vẫn còn thờ ơ? Câu trả lời chính là chúng ta quá chú trọng xúc tiến sản phẩm này ra nước ngoài mà quên mất thị trường nội địa. Theo các chuyên gia, một số vấn đề còn gặp nhiều bất cập trong việc phát triển thủy sản nội địa đó chính là việc tiếp cận các cơ chế, chính sách của Chính phủ về khuyến khích đầu tư; việc quản lý, giám sát còn chồng chéo; điều kiện cơ sở vật chất phục vụ sản xuất hạn chế; chất lượng sản phẩm còn thấp, thiếu ổn định; cạnh tranh về nguồn nguyên liệu. Đặc biệt là thị hiếu tiêu dùng vẫn thích hàng tươi sống thay vì sản phẩm chế biến sẵn…

Ông Trần Đình Luân, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản cho biết, cá tra và các sản phẩm từ cá tra có giá trị dinh dưỡng cao, giá cả phải chăng đáp ứng được nhu cầu và thu nhập của người tiêu dùng trong nước, đặc biệt ở các lứa tuổi từ 25 đến 45. Tuy nhiên, thời gian qua, người tiêu dùng trong nước chỉ biết đến các sản phẩm cá tra thông qua các phương tiện thông tin đại chúng. Vì thế, để mở rộng thị trường đối với sản phẩm cá tra, Bộ NN&PTNT đã giao Tổng cục Thủy sản thành lập một nhóm đối tác công tư trong lĩnh vực thủy sản, trong đó phối hợp với nhiều bên như Hiệp hội Cá tra, Hội Nghề cá Việt Nam, VASEP, một số tổ chức phi chính phủ để tổ chức câu lạc bộ kết nối các doanh nghiệp tiêu thụ các sản phẩm trong nước; đồng thời gắn với hệ thống siêu thị, nhà hàng để từng bước đưa sản phẩm thủy sản, đặc biệt là cá tra đến với nhiều người dân.

Tại hai hội thảo chuyên đề về: “Phát triển chuỗi giá trị sản xuất cá tra bền vững” và “Phát triển thị trường tiêu thụ thủy sản nội địa”; nhà quản lý, các chuyên gia, doanh nghiệp đã cùng phân tích, thảo luận đưa ra một số giải pháp nhằm thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm cá tra tại thị trường nội địa. Theo đó, việc phát triển bền vững ngành hàng gắn với thị trường, thúc đẩy cải thiện chất lượng ngành cá tra: con giống, thương phẩm, chế biến, môi trường. Đồng thời, phát triển thị trường tiêu thụ trong nước và quốc tế – củng cố hình ảnh, kênh bán hàng mới: thương mại điện tử (E – commerce); Sàn giao dịch thủy sản, thực phẩm. Bên cạnh đó, tập trung thúc đẩy cạnh tranh và tái cấu trúc ngành hàng cá tra cũng như xây dựng và phát triển cụm ngành, chuỗi ngành; nâng cao chất lượng sản phẩm, xây dựng hình ảnh và thương hiệu cá tra Việt Nam. Ông Phạm Anh Tuấn, Phó Chủ tịch Hội Nghề cá Việt Nam cũng đặc biệt nhấn mạnh tới vấn đề nhận thức của người tiêu dùng về an toàn thực phẩm và quản lý chất lượng cá thương phẩm. Theo ông Tuấn, chất lượng cá tra thị trường nội địa cần tập trung vào chất lượng cho sản phẩm, an toàn thực phẩm cũng như tập trung truyền thông cho khu vực các tỉnh từ Tây Nguyên trở ra theo hướng giới thiệu về hàm lượng dinh dưỡng, các dòng sản phẩm được chế biến và cách tiêu dùng…

Hội chợ cá tra và các sản phẩm thủy sản Việt Nam lần này chính là sự kiện có tính chất đòn bẩy cho chiến lược khai thác thị trường nội địa cũng như thị trường Trung Quốc nhằm từng bước đa dạng hóa thị trường cho mặt hàng cá tra, tránh bị phụ thuộc quá lớn vào một hay vài thị trường.

>> Hội chợ cá tra và các sản phẩm thủy sản với sự tham gia của hơn 40 doanh nghiệp hàng đầu trong lĩnh vực thủy sản của Việt Nam, quy mô 74 gian hàng. Nhiều sản phẩm cá tra và các mặt hàng chế biến giá trị gia tăng từ cá tra, các sản phẩm tôm, cá ngừ đại dương, hải sản khác đã được giới thiệu tới khách tham quan, người tiêu dùng trong nước và quốc tế.

Vân Anh

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!