Cá tra Việt Nam – Đối mặt thách thức mới

Chưa có đánh giá về bài viết

Chương trình thanh tra cá da trơn mới của Mỹ đang gây nhiều tranh cãi và sẽ là rào cản lớn với cá tra, basa Việt Nam thời gian tới, nếu nó được thực hiện. Ông Sesto Vecchi (ảnh), thành viên Ban lãnh đạo Hiệp hội Thương mại Mỹ tại Việt Nam (Amcham), đồng thời là luật sư điều hành của Công ty luật Russin&Vecchi, trao đổi với Thủy sản Việt Nam về vấn đề này.

Nhiều ý kiến cho rằng Chương trình cá da trơn của Mỹ thực chất là một rào cản thương mại và lãng phí tiền. Ông nghĩ gì về điều này?

Các nhà kiểm soát tài chính tại Mỹ đang chỉ trích mạnh mẽ Chương trình thanh tra cá da trơn mới. Văn phòng Giám sát Chi tiêu Chính phủ Mỹ (GAO), cơ quan chính thức hỗ trợ Quốc hội trong việc xác định chi tiêu lãng phí đã phát hành báo cáo Trách nhiệm thanh tra cá da trơn không nên giao cho USDA. GAO cho rằng chương trình của Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) sẽ trùng lặp và sử dụng nguồn tài chính không hiệu quả.

Nhiều quan chức Mỹ, như Thượng nghị sĩ John McCain, đã lớn tiếng phản đối chương trình này. Họ chỉ ra rằng chương trình này sẽ làm cho người tiêu dùng tại Mỹ phải trả giá cao hơn cho cá da trơn, gây tổn hại đến sự tin tưởng của các đối tác thương mại của Mỹ, đồng thời lãng phí chi tiêu của chính phủ.

 

Ông có cho rằng chương trình cá da trơn này có thể “nhấn chìm” Hiệp định Thương mại xuyên Thái Bình Dương (TPP) và vi phạm luật quốc tế?

Tôi không nghĩ rằng chương trình này sẽ “nhấn chìm” các cuộc đàm phán TPP. Nhưng một số đối tác thương mại của Mỹ tin rằng chương trình này là một ví dụ về chủ nghĩa bảo hộ bất hợp pháp. Chỉ mới tháng trước, tờ Thời báo New York đưa tin 10 quốc gia đã gửi thư cho Chính phủ Mỹ cảnh báo rằng chương trình thanh tra cá da trơn vi phạm luật pháp quốc tế và có thể cản trở những nỗ lực đi đến ký kết TPP.

 

Các doanh nghiệp cá tra, basa Việt Nam sẽ đối mặt với những khó khăn chủ yếu gì trong tương lai gần?

Sắp tới, sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam vào Mỹ sẽ gặp bất lợi khi những sản phẩm này bị buộc phải đáp ứng những quy định thanh tra mới. Trước đây, sản phẩm cá da trơn xuất khẩu sang Mỹ được Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) thanh tra, nhưng trong tương lai USDA sẽ thực hiện điều này.

Sự chuyển đổi này sẽ gây khó khăn cho các doanh nghiệp cá tra, basa của Việt Nam, bởi việc thanh tra của USDA dự kiến sẽ gắt gao hơn so với việc thanh tra của FDA. Có vẻ như quan điểm chủ nghĩa bảo hộ ở Mỹ của những người nuôi cá da trơn và các hạ nghị sĩ đã thúc đẩy việc chuyển giao trách nhiệm từ FDA sang USDA.

 

Thu hoạch cá da trơn tại Mỹ


Việt Nam có nên kiện chương trình thanh tra cá da trơn của Mỹ trước WTO, thưa ông?

WTO nghiêm cấm các quốc gia dựng rào cản thương mại “an toàn” mà không dựa trên những chứng cứ khoa học có cơ sở. Việt Nam sẽ phải chứng minh cho WTO thấy chương trình thanh tra cá da trơn không dựa trên chứng cứ khoa học hợp lý.

Chắc chắn việc tạo ra chương trình thanh tra cá da trơn mới nhằm bảo vệ người tiêu dùng là không cần thiết. FDA đã thành công đáng kinh ngạc trong việc đảm bảo sự an toàn của cá da trơn. Trung bình chỉ có hai bệnh liên quan tới cá da trơn được báo cáo trong tổng số 1,8 tỷ cá da trơn do FDA thanh tra được người Mỹ tiêu thụ mỗi năm. Ngoài ra, USDA không có kinh nghiệm về thanh tra cá da trơn và điều này có thể gây tổn hại đến hiệu quả của việc thanh tra đối với cá da trơn nhập khẩu hiện nay.

Mặt khác, một lý do mà Chính phủ Mỹ đưa ra cho việc đặt cá da trơn dưới thẩm quyền của USDA là cá da trơn cần sử dụng nhiều thuốc kháng sinh và kháng nấm, trong khi USDA được trang bị tốt hơn để giám sát việc sử dụng hợp lý các loại thuốc này. Tuy nhiên, cá hồi nuôi ở các trang trại hoặc tôm và sò ốc nuôi cũng cần một lượng lớn thuốc kháng sinh và kháng nấm, nhưng Chính phủ Mỹ đã không đặt chúng dưới sự giám sát của USDA. Việc Chính phủ Mỹ tách biệt cá da trơn để đặt trong chương trình thanh tra mới mà bỏ qua tôm và cá hồi đã lộ rõ động cơ tạo ra chương trình là chủ nghĩa bảo hộ, không dựa trên chứng cứ khoa học.

Tuy nhiên, một số quan điểm cho rằng việc thanh tra chặt chẽ hơn là điều hoàn toàn hợp lý, cho dù nó chỉ tác động đến cá da trơn và bảo hộ nền công nghiệp trong nước. Họ cáo buộc FDA đã không thực hiện việc thanh tra đầy đủ và muốn USDA thanh tra ở mức độ cao hơn đối với những hóa chất không thể chấp nhận. Nếu việc sử dụng hóa chất quá mức là sự thật thì những người nuôi cá tra, basa của Việt Nam sẽ phải giải quyết vấn đề lạm dụng kháng sinh, mặc dù dường như mục đích chính cho sự thay đổi này là chủ nghĩa bảo hộ nền công nghiệp trong nước.

 

Vậy các doanh nghiệp cá tra, basa Việt Nam xuất khẩu cá da trơn vào Mỹ cần phải làm gì để vượt qua giai đoạn khó khăn này?

Những người nuôi và xuất khẩu cá tra, basa Việt Nam và ngành công nghiệp nói chung đều có thể hành động. Bởi chương trình đã được quy định trong Luật Nông nghiệp 2014 của Mỹ, nên bước tiếp theo là cố gắng giảm thiểu thiệt hại. Ngành công nghiệp cá da trơn Việt Nam nên cùng các chuyên gia Mỹ làm việc với  các cơ quan lập pháp Mỹ khi các cơ quan này dự thảo quy tắc của chương trình thanh tra cá da trơn. Chương trình đang trong “giai đoạn lấy ý kiến lập pháp”, mà trong giai đoạn này các cơ quan thực thi luật kêu gọi ý kiến phản hồi từ các bên có khả năng bị ảnh hưởng. Các doanh nghiệp xuất khẩu cá da trơn Việt Nam nên tận dụng để bày tỏ ý kiến của mình. Các cơ quan lập pháp có thể có cách nhìn khác hoặc mang tính thương mại hơn, so với những người theo chủ nghĩa bảo hộ.

>>  Nếu chương trình thanh tra cá da trơn mới được thực hiện, việc nhập khẩu cá tra, basa từ Việt Nam sẽ bị phá vỡ. Những người nuôi cá da trơn của Mỹ sẽ không còn lo lắng cạnh tranh với nước ngoài. Điều này sẽ có lợi cho họ. Tuy nhiên, người tiêu dùng tại đây có thể phải trả giá cao hơn để mua vì thiếu sự cạnh tranh.

Minh Thanh

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!