T2, 06/07/2020 12:11

Cá tra với cảnh báo “thương lái”

Chưa có đánh giá về bài viết

Giá cá tra nguyên liệu ở ĐBSCL gần đây tăng khá nhanh, hiện đã cao hơn giá thành và nhiều cơ quan lên tiếng cảnh báo “thương lái” Trung Quốc. Tổng cục Thủy sản nói rõ, giá cá tra liên tục tăng và “xuất hiện nhiều thương lái Trung Quốc mua giá cao”.

Tỉnh Đồng Tháp có diện tích nuôi cá tra lớn nhất ĐBSCL, những ngày đầu tháng 4, giá cá tra thịt trắng loại một mức 22.500 – 24.000 đồng/kg; còn loại hai 20.500 – 22.500 đồng/kg. Giá này cao hơn giá thành 500 – 1.000 đồng/kg, khiến người nuôi phấn khởi sau thời gian dài bị lỗ, tín hiệu phấn khởi của thị trường và là cơ hội tốt cho người nuôi. Vậy tại sao cơ quan quản lý e ngại?

Bởi yếu tố “thương lái” Trung Quốc vốn dễ dãi, thường đến ao “mua xô” đưa lên xe chở đi. Trong lúc, vấn đề của cá tra nguyên liệu không hoàn toàn là giá thấp mà là chất lượng.

Những doanh nghiệp liên kết với nông dân nuôi cá tra cho biết, có một số ao phát hiện cá bị nhiễm kháng sinh do chủ quan của người nuôi và môi trường ô nhiễm. Bên cạnh đó, chênh lệch kích cỡ mỗi con cá trong một ao quá lớn, có khi 0,3 – 2 kg, rất khó chế biến đáp ứng nhu cầu của khách hàng chỉ đặt 2 – 3 loại size khác nhau.

Nếu giá cá tăng và người dân lại đổ xô nuôi thì quy hoạch và quy trình kỹ thuật được nỗ lực thực hiện trong mấy năm qua dễ bị vi phạm. Chất lượng cá tra nguyên liệu có thể rơi vào tình trạng khó kiểm soát. Ông Phạm Khánh Ly, Phó vụ trưởng Vụ Nuôi trồng Thủy sản, Tổng cục Thủy sản, cho biết: “Tổng cục Thủy sản đã cảnh báo ngành nông nghiệp các địa phương không để người dân tự ý mở rộng diện tích, tránh tình trạng nuôi quá nhiều dẫn đến nguồn cung vượt quá cầu”.

Phân tích thị trường xuất khẩu cho thấy, nếu kiểm soát được chất lượng từ ao nuôi thì cá tra hoàn toàn có khả năng vượt qua giai đoạn khó khăn hiện nay. Số liệu hải quan, từ 1/1 đến 15/3, xuất khẩu cá tra hơn 297,7 triệu USD, tăng 4,2% so cùng kỳ năm 2015. Trong đó, xuất khẩu sang thị trường lớn nhất là Mỹ tăng 9,7%, đạt gần 68,7 triệu USD; Tây Ban Nha tăng 14,2%, hơn 9,6 triệu USD; Đức tăng 19,3%, hơn 6,7 triệu USD; Trung Quốc và Hồng Kông tăng 39%, hơn 34 triệu USD; ASEAN tăng 3,1%, gần 27,3 triệu USD. Đặc biệt, xuất sang Brazil tăng ngoạn mục tới 761,5%, tương ứng gần 17,3 triệu USD.

Trong lúc, sản lượng cá tra thu hoạch trong 3 tháng đầu năm 2016 ước 189.875 tấn, giảm 2% so cùng kỳ năm trước. Theo nhiều chuyên gia, giảm sản lượng về mặt nào đó là tín hiệu tốt vì tất yếu của quá trình sàng lọc nâng cao chất lượng, nuôi ít thu lợi nhiều hoàn toàn có lợi hơn nuôi nhiều mà lỗ. Cho nên, các khuyến cáo không mở rộng vùng nuôi lúc này thực sự hợp lý.

Một số doanh nghiệp đang liên kết với hộ nuôi cá tra cũng đề nghị các hộ không mở rộng vùng nuôi khi chưa có hợp đồng. Công ty CP Đầu tư và Phát triển Đa quốc gia ở tỉnh Đồng Tháp, một trong 45 doanh nghiệp được phép xuất khẩu cá tra sang Mỹ, nhận định triển vọng cá tra sẽ tốt hơn. Công ty đang đầu tư cho 51 hộ nuôi diện tích 142 ha, mấy năm nay đảm bảo các hộ nuôi có lời 900 – 1.500 đồng/kg, hiện khuyến cáo: “Các hộ nuôi chỉ nên mở rộng diện tích nuôi trồng khi được Công ty ký hợp đồng đầu tư”.

Sáu Nghệ

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!