Các vùng nuôi trồng thủy sản lồng bè: Ô nhiễm nguồn nước

Chưa có đánh giá về bài viết

Lâu nay, việc phát triển nuôi trồng thủy sản (NTTS) bằng lồng bè quá mức đã khiến chất lượng môi trường tại các vùng nuôi như vịnh Vân Phong, vịnh Cam Ranh, đầm Nha Phu giảm sút, kéo theo đó là tình trạng tôm, cá chết gây thiệt hại cho nông dân.

Túi ni lông không được thu gom vào bờ, bám quanh lồng nuôi tôm hùm là hình ảnh thường thấy ở các vùng nuôi ở huyện Vạn Ninh.

Ông Nguyễn Văn Danh – người nuôi cá trên đầm Nha Phu cho hay: “Cuối tháng 7 vừa qua, tại Hòn Lăng (đầm Nha Phu) xuất hiện tình trạng cá mú đen, cá chim của người dân nuôi trong lồng bè bị chết bất thường đến hàng trăm con”. Lý giải nguyên nhân cá chết, ông Danh cho rằng, mấy năm gần đây, người dân Ninh Ích (thị xã Ninh Hòa) và Vĩnh Lương (TP. Nha Trang) tập trung nuôi lồng bè tại khu vực Hòn Lăng, Hòn Thị lên đến hàng ngàn lồng, mật độ nuôi quá dày, bao nhiêu chất thải, tồn dư thức ăn đều nằm ở dưới biển nên nguồn nước tại vùng nuôi này đã bị ô nhiễm. Trong khi đó, trong vùng nuôi này thường xuyên xuất hiện các ghe cào sò hoạt động làm cho lớp bùn tích tụ bị cày xới lên, khiến cho nguồn nước càng thêm ô nhiễm trầm trọng.

Tại khu vực ven vịnh Cam Ranh, những tháng gần đây cũng ghi nhận tình trạng tôm hùm xanh chết rải rác. Ông Nguyễn Thành – người nuôi tôm hùm xanh tại phường Cam Linh cho biết: “Gia đình tôi thả nuôi hơn 5.000 con tôm hùm xanh, tôm đã được nuôi hơn 5 tháng, tuy không có dịch nhưng tôm cứ chết lai rai. Nguyên nhân có thể do nguồn nước bị ô nhiễm. Những hộ nuôi xung quanh đều chung cảnh ngộ này”.

 Theo lãnh đạo UBND phường Cam Linh, mặc dù tỉnh đã có quy hoạch NTTS lồng bè nhưng hiện nay, hầu hết người nuôi vẫn nuôi ở các vùng ven vịnh Cam Ranh, với mật độ nuôi rất lớn; trong khi vùng nuôi ven vịnh, sau nhiều năm nuôi ồ ạt đã bị ô nhiễm nghiêm trọng. Trong quá trình nuôi, túi ni lông đựng thức ăn cho tôm, cá không được người dân thu gom mang vào bờ mà ném xuống biển, các lồng nuôi thiếu ôxy do túi ni lông bám ngoài lồng. Lượng thức ăn thừa chìm ở dưới đáy lồng gây ô nhiễm nghiêm trọng môi trường nước, qua nhiều năm lớp bùn trầm tích đã rất dày, có nơi lên đến gần 0,5m.

Tại vịnh Vân Phong, không khó để bắt gặp hình ảnh các túi ni lông, rác thải sinh hoạt… nổi dập dềnh trên mặt biển. Ông Đặng Tri Thông – chuyên viên Phòng Kinh tế huyện Vạn Ninh xác nhận: Lượng chất thải từ việc NTTS thải xuống biển lớn, tích tụ qua nhiều năm đã làm cho môi trường biển ở khu vực này trở nên ô nhiễm.

Bằng chứng là đã có nhiều thủy sản nuôi bị chết, tỷ lệ hao hụt trong quá trình nuôi cao. Từ đầu năm đến nay, qua giám sát dịch bệnh và môi trường vùng nuôi, đã ghi nhận nhiều trường hợp tôm hùm nuôi trong các lồng bè bị chết do bệnh sữa, đỏ thân… Hầu hết các vùng nuôi tôm hùm lồng tại Vạn Thạnh, Vạn Hưng, Vạn Giã đều xuất hiện tình trạng tôm hùm chết. Trong đó, nặng nhất là khu vực Đầm Môn (xã Vạn Thạnh) với tỷ lệ tôm chết hơn 20%.

Theo nhận định của Trung tâm Khuyến nông quốc gia, NTTS bằng lồng bè tại Khánh Hòa hiện đang phát triển nóng, với mật độ dày nên nguy cơ dịch bệnh rất lớn. Theo quy định trong NTTS bằng lồng bè, lồng cách lồng tối thiểu phải 1m nhưng khảo sát tại vịnh Cam Ranh, vịnh Vân Phong, người nuôi đặt lồng san sát. Ngoài ra, vấn đề giữ gìn vệ sinh môi trường vùng nuôi tại địa phương cũng đáng báo động. “Để hạn chế dịch bệnh, rủi ro trong quá trình nuôi, nông dân cần phải thay đổi nhận thức, nuôi đúng quy hoạch, tuân thủ các quy định về cách đặt lồng nuôi; sử dụng thức ăn, lựa chọn con giống; phòng, trị bệnh cho thủy sản. Đặc biệt là phải giữ gìn vệ sinh môi trường vùng nuôi, bởi đây là một trong những yếu tố then chốt quyết định sự thành bại của vụ nuôi”, ông Kim Văn Tiêu – Giám đốc Trung tâm Khuyến nông quốc gia nhấn mạnh.

Toàn tỉnh hiện có hơn 54.000 lồng NTTS trên biển; trong đó tôm hùm hơn 40.600 lồng; tập trung chủ yếu tại các vịnh: Cam Ranh, Vân Phong, Nha Trang và đầm Nha Phu. Việc phát triển ồ ạt lồng bè nuôi thủy sản đã khiến cho nhiều vùng nuôi vượt ngưỡng, thậm chí những khu vực không phù hợp để nuôi cũng được người dân thả nuôi; điều này đã để lại nhiều hệ lụy về dịch bệnh, ô nhiễm môi trường, gây thiệt hại đối với hộ nuôi. Ông Nguyễn Trọng Chánh – Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản cho hay, hiện nay, quy hoạch NTTS lồng bè trên biển đã được công bố; trong đó có quy định mật độ nuôi, kiểu cách lồng bè phù hợp đối với từng vùng nuôi trên địa bàn tỉnh. Chi cục khuyến cáo các địa phương tổ chức công bố, tuyên truyền để người dân nắm bắt, thực hiện. Trong quá trình nuôi, người dân cần chú trọng khâu vệ sinh, thu gom thức ăn thừa, chất thải đưa vào bờ xử lý để tránh tình trạng ô nhiễm vùng nuôi.

Bích La

Báo Khánh Hòa

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!